Cuộc đua bán lẻ bùng nổ ở các tỉnh, thành phố vệ tinh

Sau giai đoạn 'giành đất' ở Hà Nội và TP.HCM, cuộc đua bán lẻ đang bùng nổ ở các tỉnh, thành phố vệ tinh. Những 'vùng trắng' mặt bằng với chi phí thấp và sức mua mới nổi trở thành chiến trường chiến lược của các 'ông lớn' trong ngành.

Aeon đặt mục tiêu đến năm 2030, hệ thống tại Việt Nam sẽ được mở rộng gấp 3 lần so với hiện nay.

Aeon đặt mục tiêu đến năm 2030, hệ thống tại Việt Nam sẽ được mở rộng gấp 3 lần so với hiện nay.

Tiềm năng “vùng trắng”

Theo Cushman & Wakefield, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM và Hà Nội đều đã đạt mức kỷ lục, lần lượt khoảng 1,2 triệu m2 và hơn 1 triệu m2. Giá thuê trung bình tại các vị trí trung tâm liên tục tăng, trong khi quỹ đất trống gần như không còn. Các thương hiệu muốn mở thêm cửa hàng hoặc mở rộng chuỗi đều gặp khó khăn về chi phí mặt bằng và tìm vị trí đắc địa.

Trong khi Hà Nội và TP.HCM chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa hàng loạt thương hiệu nội và ngoại, thì các tỉnh, thành phố vệ tinh vẫn còn nhiều khoảng trống, đặc biệt ở phân khúc siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại quy mô vừa. Xu hướng nhà bán lẻ mở rộng thị trường vệ tinh ngoài Hà Nội và TP.HCM đang trở thành chiến lược quan trọng của nhiều thương hiệu. Thị trường này được xem là “vùng đất vàng” để các nhà bán lẻ tìm kiếm tăng trưởng dài hạn.

Vincom Mega Mall Ocean Park 2 (Hưng Yên) và Aeon Mall Hạ Long (Quảng Ninh) là minh chứng cho chiến lược dịch chuyển ra ngoại đô của các nhà bán lẻ lớn. Ông Tezuka Daisuke, Trưởng đại diện Aeon Việt Nam cho biết: “Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai của Aeon, sau Nhật Bản. Đến năm 2030, chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng hệ thống gấp 3 lần so với hiện nay, đồng thời đưa sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế”.

Lotte Mart (Hàn Quốc) đang chuẩn bị xây dựng đại siêu thị tại Thái Nguyên, một trung tâm công nghiệp trọng điểm ở miền Bắc. Với 16 trung tâm thương mại hiện có, bước đi này sẽ giúp Lotte mở rộng bản đồ bán lẻ và phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng ở khu vực ngoài đô thị lớn. Nhiều thương hiệu quốc tế như Uniqlo, MUJI, H&M bắt đầu khảo sát thị trường vệ tinh.

Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh hiện sở hữu quỹ đất lớn, với giá thuê mặt bằng thấp hơn 30 - 50% so với Hà Nội và TP.HCM. Điều này mở ra cơ hội để các nhà bán lẻ triển khai mô hình cửa hàng diện tích lớn, đại siêu thị, trung tâm thương mại.

Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu tại các tỉnh, thành phố này đang gia tăng nhanh chóng, kéo theo nhu cầu tiêu dùng chất lượng cao. Đặc biệt, nhóm khách hàng trẻ và gia đình trẻ trở thành động lực chính thúc đẩy các mô hình bán lẻ hiện đại phát triển. So với Hà Nội và TP.HCM, các thị trường vệ tinh vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được khai thác, nhất là trong phân khúc siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đại siêu thị.

Yếu tố hạ tầng cũng là một cú hích quan trọng. Mạng lưới cao tốc, cảng biển, sân bay cùng hệ thống trung tâm logistics ngày càng hoàn thiện, giúp việc mở rộng chuỗi bán lẻ ra các tỉnh, thành phố lân cận trở nên khả thi và hiệu quả hơn.

Cú hích từ thị trường vệ tinh

WinCommerce (WCM), đơn vị vận hành hệ thống WinMart và WinMart+ đang là “ngọn cờ đầu” của làn sóng mở rộng ra thị trường vệ tinh. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2025, WCM ghi nhận doanh thu thuần 17.900 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2024, vượt mục tiêu tăng trưởng 8 - 12% mà Công ty đặt ra.

Đáng chú ý, trong 6 tháng, WCM khai trương 318 cửa hàng mới, hoàn thành hơn 45% kế hoạch năm, trong đó gần 75% là mô hình cửa hàng tiện lợi WinMart+. Chiến lược mở rộng có chọn lọc vào khu vực nông thôn và các tỉnh, thành phố ngoài đô thị lớn được xem là động lực chính giúp WCM duy trì đà tăng trưởng. Riêng tại miền Trung, WCM mở mới 161 cửa hàng (chiếm hơn một nửa số cửa hàng mới toàn hệ thống), khẳng định tiềm năng lớn từ các thị trường ít được bán lẻ hiện đại khai thác.

Một trong những yếu tố quyết định thành công khi mở rộng thị trường vệ tinh là việc điều chỉnh mô hình kinh doanh theo đặc điểm từng địa phương. Các nhà bán lẻ đang theo đuổi việc đưa các sản phẩm đặc thù vùng miền, đặc sản địa phương hoặc thực phẩm tươi sống được chọn lọc theo khẩu vị người dân. Đồng thời, điều chỉnh mức giá cạnh tranh hơn so với thành phố lớn, tối ưu chi phí vận hành để phù hợp sức mua.

Việc mở rộng ra ngoài Hà Nội và TP.HCM giúp các nhà bán lẻ tránh phụ thuộc vào hai thị trường đã bão hòa, đồng thời tận dụng tiềm năng tăng trưởng dài hạn của các tỉnh, thành phố đang đô thị hóa nhanh. Theo dự báo của NielsenIQ, doanh thu bán lẻ tại khu vực đô thị cấp hai sẽ tăng trung bình 10 - 12%/năm trong giai đoạn 2025 - 2030, cao hơn mức tăng trưởng 6 - 8% tại hai đô thị lớn.

Tuy nhiên, để mở rộng thị trường vệ tinh, các nhà bán lẻ phải giải quyết bài toán logistics, chuỗi cung ứng và quản lý chất lượng sản phẩm đồng bộ trên phạm vi rộng. Bên cạnh đó, nhân sự quản lý và đào tạo tại địa phương cũng là thách thức khi nguồn lao động chất lượng cao chưa dồi dào.

Chưa kể, Lazada, Shopee và TikTok Shop đang tăng cường thâm nhập thị trường các tỉnh, cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh và giá rẻ. Các nền tảng này trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp khi thói quen mua sắm online ngày càng phổ biến.

Trong 5 năm tới, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục dịch chuyển mạnh mẽ ra các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội và TP.HCM, với động lực quan trọng là hạ tầng logistics phát triển, giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và rút ngắn thời gian giao hàng.

Anh Hoa

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cuoc-dua-ban-le-bung-no-o-cac-tinh-thanh-pho-ve-tinh-d340437.html