Lẽ nào 'bó tay' với những cơ sở gỗ băm trái phép?
Sau khi Chuyên đề Công an TPHCM phản ánh về tình trạng nhiều xưởng gỗ băm 'mọc' lên nhan nhản, hoạt động trái phép trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, chính quyền địa phương đã có các văn bản hoặc chỉ đạo chấn chỉnh, nhưng những cơ sở này vẫn bất chấp, hoạt động rầm rộ.
Những ngày đầu năm 2024, quay trở lại những cơ sở gỗ băm "mọc" lên trái phép tại các xã như: Hương Bình, Hương Long, Phúc Trạch (thuộc H.Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) mà báo chí phản ánh trước đó, chúng tôi nhận thấy các hoạt động băm gỗ vẫn diễn ra bình thường. Tình trạng thu mua gỗ keo để băm của các cơ sở này dường như rầm rộ hơn.
Trong vai người dân có cây keo cần bán, chúng tôi đã vào cơ sở gỗ băm nằm bên đường mòn Hồ Chí Minh (thôn 11, xã Phúc Trạch, H.Hương Khê) thì gặp một nam thanh niên tên Thiện (quê Nghệ An). Anh này cho biết đang phụ trách thu mua gỗ keo. Cơ sở gỗ băm mới mở hơn 2 tháng, chưa đi vào chính thức hoạt động, chủ cơ sở là người Hải Phòng.
Theo anh Thiện, cơ sở này sẽ thu mua gỗ keo rồi đưa về tập kết làm gỗ xẻ, gỗ băm và sau đó vận chuyển ra cảng Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) để xuất khẩu đi nước ngoài. "Hiện tại thu mua keo ở đây đấu đá nhau về giá cả, hàng bán ra thì xuống hàng thu mua vào thì lên. Bọn em mới mở điểm xưởng thu mua gỗ keo ở H.Hương Khê, nhưng dự kiến sẽ mở thêm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh", Thiện chia sẻ.
Tương tự, cơ sở chế biến gỗ băm bên Tỉnh lộ 550 (xã Ngọc Sơn, H.Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) mà Chuyên đề Công an TPHCM từng phản ánh, hiện vẫn đang hoạt động công khai. Vào thời điểm chúng tôi có mặt, những chiếc xe đầu kéo với thùng xe quá khổ chở nguyên liệu (cây keo) và sản phẩm gỗ băm liên tục ra vào bất kể thời gian. Liên hệ qua điện thoại, người đàn ông tên Chiến, một trong những người góp vốn mở cơ sở này để hỏi về giấy phép thì được trả lời: "Hiện giờ đang tạm thời chuyển đổi mục đích. Giấy phép kinh doanh có cả rồi và thực tế vẫn còn vướng...".
Sau bài báo "Hà Tĩnh: Nhiều cơ sở chế biến gỗ băm trái phép ngang nhiên hoạt động" của Chuyên đề Công an TPHCM, UBND H.Hương Khê đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở thu mua, chế biến, các trạm cân gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế; đồng thời xử lý nghiêm những cơ sở cố tình vi phạm. Văn bản này cũng đề cập: "Về lâu dài, sau khi huyện kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn, những cơ sở không bảo đảm theo quy định của pháp luật sẽ bị đình chỉ, chấm dứt hoạt động và các chủ cơ sở tự tháo dỡ để trả lại mặt bằng như ban đầu".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND H.Thạch Hà cho biết, cơ sở gỗ băm ở xã Ngọc Sơn trước đây được cấp phép làm nhà máy gạch không nung, đang làm thủ tục chuyển sang làm gỗ băm. "Vừa rồi huyện đã làm việc với nhà máy, yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đúng theo quy định. Cơ sở này đang xin phép tỉnh. Khi nào được cho phép thì mới làm được thủ tục môi trường. Nếu tỉnh không chấp nhận, buộc nhà máy phải tạm dừng. Tuy nhiên, trong thời gian này, chính quyền tạo điều kiện tối đa nhưng đúng với pháp luật" - ông Sáu nói.
Theo như trả lời của lãnh đạo H.Thạch Hà thì cơ sở gỗ băm ở xã Ngọc Sơn đã "cầm đèn chạy trước ôtô” - tức các thủ tục pháp lý chưa xong nhưng đã vận hành thương mại. Còn ở H.Hương Khê, trong thời gian kêu gọi đầu tư nhà máy gỗ băm, những cơ sở gỗ không phép vẫn hoạt động bình thường. Thiết nghĩ, việc quản lý dễ dãi, buông lỏng này có lẽ nào Hà Tĩnh "bó tay" bởi hoạt động gỗ băm trái phép ảnh hưởng đến môi trường, an toàn giao thông nên phải được quy hoạch đúng chỗ, cấp phép bài bản từ cấp tỉnh.
Ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh khẳng định, các cơ sở chế biến gỗ dăm trái phép được phản ánh, tỉnh không có chủ trương cấp phép, hiện yêu cầu các huyện soát xét, kiểm tra, báo cáo.