Lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV
Lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV diễn ra vào ngày 18/5 tại Quảng trường Thánh Peter (Vatican) thu hút hàng chục nghìn người, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia.

Quảng trường Thánh Peter khi lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV diễn ra. Theo Vatican, khoảng 150.000 người theo dõi trực tiếp thánh lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV tại Quảng trường Thánh Peter và khu vực lân cận.

Các giáo sĩ tập trung tại Vatican trong ngày diễn ra Thánh lễ khai mạc của Giáo hoàng Leo XIV.

Giáo hoàng Leo XIV vẫy chào các tín hữu trước Thánh lễ khai mạc tại Quảng trường Thánh Peter từ chiếc popemobile màu trắng - xe chuyên dụng dành riêng cho giáo hoàng khi xuất hiện công khai trước công chúng. Tên gọi "popemobile" là sự kết hợp giữa từ "Pope" (Giáo hoàng) và "automobile" (ôtô). Theo truyền thống, mỗi vị tân giáo hoàng đều có quyền tự chọn phương tiện di chuyển trong lễ nhậm chức. Nếu Giáo hoàng Benedict XVI từng ưu tiên xe chống đạn với lý do an ninh, thì cố Giáo hoàng Francis lại chọn popemobile để thể hiện sự gần gũi với cộng đoàn tín hữu. Tiếp nối tinh thần ấy, tân Giáo hoàng Leo XIV cũng lựa chọn chiếc xe đặc trưng này để tiến ra Quảng trường.

Buổi lễ nhậm chức của tân Giáo hoàng được bố trí an ninh nghiêm ngặt. Theo Sky News, ước tính hàng nghìn sĩ quan cảnh sát và hàng nghìn tình nguyện viên tham gia đảm bảo an ninh cho những người tham dự.

Phó tổng thống Mỹ JD Vance và Đệ nhị phu nhân có mặt tại buổi lễ. JD Vance sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự sự kiện, trong đó có Ngoại trưởng Marco Rubio.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự lễ nhậm chức của tân Giáo hoàng.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz. Ngoài ra, buổi lễ còn có mặt của các nhà lãnh đạo quốc tế khác như Tổng thống Israel, Peru, Nigeria, Thủ tướng Italy, Canada, Australia, cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Nhiều thành viên hoàng gia châu Âu cũng sẽ ngồi ở hàng ghế VIP gần bàn thờ chính ở Quảng trường Thánh Peter, bao gồm Vua Tây Ban Nha Felipe và Hoàng hậu Letizia, Hoàng tử Edward, con út của cố Nữ hoàng Elizabeth II, đại diện Vua Anh Charles III.

Giáo hoàng cùng các Thượng phụ Đông phương xuống nhà nguyện mộ Thánh Peter để xông hương và cầu nguyện, trước khi tiến ra sảnh Vương cung Thánh đường và nhập đoàn rước trong tiếng thánh ca vang vọng.

Tại bàn thờ chính ở Quảng trường Thánh Peter, Giáo hoàng cử hành nghi thức làm phép và rảy nước thánh. Trong lời nguyện trang trọng, Ngài dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì đã chọn mình nối tiếp sứ vụ của Thánh Peter.

Giáo hoàng Leo XIV tiến ra khu vực Bàn Thánh tại Quảng trường Thánh Peter, bắt đầu các nghi thức đọc kinh

Ba Hồng y đại diện ba đẳng phẩm (phó tế, linh mục, giám mục) từ ba châu lục lần lượt tiến đến trước mặt Tân Giáo hoàng. Hồng y Dominique Mamberti (Pháp) trịnh trọng đeo Dây Pallium - lấy từ hầm mộ Thánh Peter đeo lên vai tân Giáo hoàng. Dây pallium, làm từ lông cừu, có hình dải vải nhỏ với hai đầu màu đen buông trước sau, thêu sáu thánh giá và gắn ba chiếc ghim - biểu tượng của ba chiếc đinh trên thánh giá Chúa Jesus. Vị thứ hai là Hồng y Fridolin Ambongo Besungu, từ Cộng hòa Dân chủ Congo, đọc lời nguyện cầu xin ơn Chúa hiện diện và trợ giúp Giáo hoàng.

Vị thứ ba là Hồng y Luis Antonio Tagle, đến từ Philippines, trao cho Giáo hoàng chiếc Nhẫn Ngư phủ có hình Thánh Peter - biểu tượng quyền bính tối cao của người đứng đầu Giáo hội Công giáo.

Phó tế dâng Sách Phúc Âm để Giáo hoàng Leo XIV ban phép lành cho cộng đoàn. Sau đó, tại chân bàn thờ Quảng trường Thánh Peter, 6 hồng y lần lượt hôn nhẫn Giáo hoàng - cử chỉ biểu thị lòng vâng phục và gắn bó trong đức tin.

Mười hai đại diện giáo dân từ khắp nơi trên thế giới bao gồm giám mục, linh mục, tín hữu và người vừa lãnh nhận bí tích rửa tội lần lượt tiến lên gặp Giáo hoàng Leo XIV để bày tỏ lòng trung thành và sự hiệp thông với tân Giáo hoàng.

Phát biểu bằng tiếng Italy trong bài giảng đầu tiên trên cương vị Giáo hoàng, Đức Leo XIV chia sẻ bắt đầu sứ vụ “với trái tim tràn đầy lòng biết ơn”. Ngài nhấn mạnh, các hồng y khi nhóm họp đã tìm kiếm một vị mục tử có thể gìn giữ di sản đức tin, đồng thời mở lối cho Giáo hội đối thoại với thế giới hiện đại - nơi chất chứa nhiều câu hỏi, ưu tư và thách thức.

“Việc tôi được chọn không đến từ công trạng nào. Với tâm thế khiêm nhường, tôi đến với anh chị em như một người trong cộng đoàn, mong được cùng đồng hành trên hành trình tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một Giáo hội đặt nền tảng trên tình yêu ấy”, Giáo hoàng nói. Ngài cũng bày tỏ mong muốn “mọi người hiệp nhất như một gia đình”, và kết thúc bằng lời mời gọi: “Chúng ta hãy cùng nhau, như một dân tộc, tiến bước về phía Thiên Chúa và yêu thương lẫn nhau”.

Sau bài thuyết giảng của Giáo hoàng là nghi thức cầu nguyện bằng 5 thứ tiếng gồm Bồ Đào Nha, Pháp, Arab, Ba Lan, Trung Quốc và nghi thức Phụng vụ Thánh thể. Đây tâm điểm của mọi Thánh lễ Công giáo, tái hiện Bữa Tiệc Ly, nơi Chúa Jesus bẻ bánh, chia sẻ rượu với các tông đồ. Nghi lễ bắt đầu bằng thánh ca dâng lễ, đoàn rước tiến dâng bánh và rượu lên bàn thờ. Giáo hoàng chủ tế, thánh hiến bánh và rượu. Ngài bẻ bánh, nâng chén rượu trước cộng đoàn, cử chỉ tưởng niệm sự hy sinh cứu độ của Chúa và mối hiệp thông sâu sắc giữa Thiên Chúa và con người.

Giáo hoàng Leo XIV chào Phó tổng thống Mỹ JD Vance, phu nhân Usha Vance và các nhà lãnh đạo thế giới tại Đền thờ Thánh Peter, sau Thánh lễ nhậm chức.
Nguồn Znews: https://znews.vn/le-nham-chuc-cua-giao-hoang-leo-xiv-post1553953.html