Lễ nhậm chức của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ diễn ra như thế nào?
Khi Olaf Scholz tuyên thệ nhậm chức vào hôm nay (8/12) với tư cách thủ tướng thứ chín của Đức thời hậu chiến, sẽ không có đoàn xe đưa ông đến Hạ viện Đức trong đám đông vẫy cờ cổ vũ. Mọi thứ sẽ diễn ra rất đơn giản và thực dụng như đúng phong cách của người Đức.
Thủ tục nhậm chức của Olaf Scholz sẽ bắt đầu bằng việc Tổng thống Frank-Walter Steinmeier chính thức đưa ra đề xuất với Hạ viện Đức rằng Scholz được bầu làm thủ tướng.
Như thường lệ, lễ nhậm chức của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ diễn ra chỉ với một số thủ tục đơn giản. Ảnh: DW
Sau đó, ông Scholz cần đạt được tối thiểu 369 phiếu bầu trong tổng số 736 ghế tại Hạ viện Đức. Song đây không phải là vấn đề vì liên minh 3 đảng mà ông đứng đầu, bao gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP), đã có tổng cộng 416 ghế.
Sau đó, Scholz sẽ đến Cung điện Bellevue, dinh thự chính thức của tổng thống, để được bổ nhiệm chính thức và nhận giấy bổ nhiệm, sau đó quay trở lại Hạ viện nơi ông sẽ tuyên thệ nhậm chức.
Ông Scholz có thể sẽ phát biểu trước Hạ viện, nêu ra các kế hoạch mà chính phủ mới dành cho đất nước trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Có lẽ những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất trong ngày tuyên thệ của Scholz chỉ là những bó hoa mà ông sẽ nhận được với tư cách là tân thủ tướng từ các đại diện đảng khác nhau.
Nói chung, buổi lễ nhậm chức thủ tướng Đức sẽ diễn ra khá đơn giản như một công việc bình thường, không phô trương và hoa mỹ như thường diễn ra ở các quốc gia có chế độ tổng thống. Các cuộc diễu hành, các cuộc tuần hành quân sự hoặc các đám đông quá khích sẽ không xuất hiện.
Người ta cũng sẽ không thấy những nghi lễ nặng về văn hóa, tín ngưỡng trong lễ tuyên thệ của tân tổng thống Đức như ở một số quốc gia khác. Ví dụ, tổng thống Bolivia Evo Morales từng đã tham gia một nghi lễ truyền thống tại một địa điểm linh thiêng thời tiền Inca, khi ông nhậm chức vào năm 2006. Ông đi chân trần và mặc trang phục như một thầy tu, được trao một chiếc dùi nạm vàng, bạc và đồng, tượng trưng cho sự lãnh đạo của ông.
Ở các quốc gia có kho vũ khí hạt nhân, việc bàn giao mã kích hoạt vũ khí hạt nhân cũng được thực hiện như một nghi lễ biểu tượng, như tại Nga, Pháp và Mỹ. Thậm chí, lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ còn là một sự kiện truyền thông khổng lồ, là một cơ hội để nhiều tổ chức hay cả cá nhân nổi tiếng theo nó.
Đức là một nền dân chủ nghị viện, nơi mà tổng thống là đại diện cao cấp nhất của đất nước, song quyền lực thực sự nằm trong văn phòng của thủ tướng. Nhà sử học Barbara Stollberg-Rilinger giải thích: “Các thủ tướng không có vai trò đại diện như tổng thống Mỹ hay Pháp”.
Liệu mọi thứ sẽ thay đổi? Liệu pháo hoa hay 21 phát súng sẽ đi kèm trong các buổi lễ tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Đức trong tương lai?
Điều này rất khó xảy ra, đặc biệt là ở một quốc gia nơi pháo hoa bị lên án là lỗi thời vì lượng khí thải CO2. Việc phô trương sức mạnh quân sự trên đường phố hay quảng trường là hình ảnh mà người Đức cũng không muốn thấy, bởi vẫn chưa hết nỗi ám ảnh từ thời phát xít Hitler.
Hoàng Huy (theo DW)