Lễ nhậm chức khác biệt của tân Thủ tướng Đức
Ngày 8/12, ông Olaf Scholz tuyên thệ để trở thành vị thủ tướng thứ 9 của Đức thời hậu chiến tranh, nhưng không có đoàn xe nào đi giữa hai hàng người vẫy cờ hoa để đưa ông đến trụ sở Quốc hội Đức, và cũng không có ca sĩ nổi tiếng nào biểu diễn hát quốc ca.
Nói ngắn gọn, quy trình nhậm chức bắt đầu với việc Tổng thống Frank Walter Steinmeier đề nghị Quốc hội Đức bầu ông Scholz làm thủ tướng, dựa trên thực tế là nhiều người ủng hộ việc bổ nhiệm này.
Với Hạ viện (Bundestag) Đức gồm 736 nghị sĩ, ông Scholz cần có đa số tuyệt đối với 369 phiếu ủng hộ. Ông đã dễ dàng vượt qua thủ tục này.
Sau đó, ông Scholz sẽ đến Cung điện Bellevue, khu dinh thự chính thức của tổng thống, để được bổ nhiệm và nhận văn bản bổ nhiệm, rồi ông quay lại hạ viện để thực hiện lễ tuyên thệ.
Sau quy trình đó, ông có bài phát biểu trước hạ viện và nêu ra kế hoạch cho chính phủ mới để điều hành đất nước trong 4 năm tới.
Hình ảnh hữu hình duy nhất đánh dấu lễ nhậm chức của ông có lẽ là những bó hoa chúc mừng mà ông nhận được từ đại diện các đảng trong tại hạ viện.
Cho đến nay, gợn sóng duy nhất trước lễ tuyên thệ mà báo chí Đức phản ánh là việc ông Scholz bỏ qua câu cuối cùng của lời tuyên thệ: “… vì thế xin Chúa hãy giúp con”. Nhưng ông đã làm như vậy khi tuyên thệ trở thành bộ trưởng tài chính và thị trưởng Hamburg, nên đây không còn là vấn đề gây bất ngờ.
Nhìn chung, sự phô trương và hoa mỹ thường được thể hiện trong những lễ nhậm chức ở các quốc gia có thể chế chính trị mà tổng thống đứng đầu. Diễu binh, tuần hành hoặc các đám đông chào đón là hình ảnh thường thấy. Những buổi lễ như vậy cũng thể hiện sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo.
Ví dụ như tại Bolivia, vị tổng thống thổ dân đầu tiên của nước này là Evo Morales đã tham gia nghi lễ truyền thống tại địa điểm linh thiêng thời tiền Inca trước khi tuyên thệ nhậm chức năm 2006. Ông đi chân trần và mặc trang phục trông như thầy tu, ông được trao cây trượng nạm vàng, bạc và đồng, tượng trưng cho vai trò lãnh đạo cộng đồng thổ dân.
Ở các nước sở hữu vũ khí hạt nhân như Nga, Pháp và Mỹ thường có nghi lễ trao biểu tượng mã điều khiển vũ khí hạt nhân.
Đức hoạt động theo mô hình dân chủ nghị viện, với tổng thống liên bang là đại diện cấp cao nhất, nhưng thực quyền tập trung ở văn phòng thủ tướng liên bang.
Thủ tướng không có vai trò đại diện như tổng thống Mỹ hay Pháp, mà ngang cấp với thủ tướng ở các nước khác như Pháp.
Đức cũng có hệ thống đảng phái khác biệt, trong đó thủ tướng được bầu theo cơ chế khác với tổng thống Pháp hay Mỹ.
“Ở một số khía cạnh, lễ nhậm chức tổng thống ở Mỹ gợi nhớ đến nghi lễ đăng quang thời tiền hiện đại. Chúng tôi không có những điều như vậy ở Đức”, ông Stollberg-Rilinger, Viện trưởng Viện nghiên cứu cao cấp Berlin, giải thích.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/le-nham-chuc-khac-biet-cua-tan-thu-tuong-duc-post1399905.tpo