Lễ pơ thi-giải phóng linh hồn người chết về cõi Atâu

Theo quan niệm của người Jrai, để giải phóng người sống khỏi mọi sự ràng buộc với người chết, họ sẽ làm lễ bỏ mả hay còn gọi là lễ pơ thi. Sau nghi lễ này, linh hồn người chết sẽ thực sự về với thế giới thần linh (Atâu).

Hầu hết bà con trong làng có mặt đông đủ ở lễ bỏ mả

Hầu hết bà con trong làng có mặt đông đủ ở lễ bỏ mả

Ấn tượng của Gia Lai mùa này có lẽ là những vườn cà phê trổ hoa trắng xóa và mầm non tràn đầy sức sống từ hàng trăm, hàng ngàn ha cây cao su. Cùng với sự chuyển mình của cây cỏ, người dân ở các bản làng bắt đầu quy tụ tổ chức lễ bỏ mả-một trong những lễ hội lớn nhất của người Jrai.

Chúng tôi có mặt ở làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah từ sáng sớm của một ngày đầu tháng 3, để tìm hiểu rõ hơn về lễ bỏ mả mà bà con nơi đây đang thực hiện. Trong khi chúng tôi còn khá luống cuống chưa biết bắt đầu từ đâu thì các ông, bà lớn tuổi đã “xóa” đi khoảng cách giữa chủ và khách. Những ống cơm lam nóng hổi, mùi thơm của rượu từ trong ống tre nhỏ bốc lên quyến luyến, gọi mời… và rồi câu chuyện của chúng tôi từ đó sôi nổi hẳn lên.

Vừa thưởng thức ẩm thực, uống rượu ghè chúng tôi vừa được nghe kể những câu chuyện về cuộc sống thường ngày, về lễ bỏ mả. Theo bà con nơi đây, dịp này ở làng Kép 1 có 6 gia đình cùng góp trâu bò, gà, rượu để làm lễ cho người thân. Làng xóm, cũng tham gia góp thêm cho lễ hội trở nên trang trọng và ấm cúng.

Ngoài các đồ vật dùng để cúng, tế thì Cồng chiêng luôn hiện diện trong mỗi lễ, hội của bà con người dân

Ngoài các đồ vật dùng để cúng, tế thì Cồng chiêng luôn hiện diện trong mỗi lễ, hội của bà con người dân

Bên tiếng cồng chiêng lúc trầm, lúc bổng, một cụ già kéo tôi xích lại gần bên thủ thỉ, theo quan niệm bấy lâu nay của người Jrai, trước khi lễ bỏ mả diễn ra, người đã chết và chôn rồi, vẫn được những người thân trong gia đình ngày ngày đưa cơm nước, rượu thịt, cá ra nuôi. Sau khi bày biện ra và cúng xong, liền đổ thức ăn xuống mồ qua một cái lỗ lớn. Cùng với đó, họ còn thường xuyên ra quét dọn nhà cửa cho người chết, tâm sự, kể chuyện cho người chết nghe. “Nói đúng hơn là người chết khi chưa làm lễ bỏ mả, trước đây sống như nào thì khi chết đi cũng được quan tâm và chăm sóc như vậy”, sợ tôi chưa rõ người ngồi cạnh tôi giải thích thêm.

Ông Rơ Châm Viuh (một trong sáu gia đình tham gia bỏ mả dịp này), tâm sự: “Khi nghi lễ bỏ mả được thực hiện xong, cũng là lúc người sống không còn ràng buộc gì với người thân đã chết. Lúc này, họ có thể lấy vợ, lấy chồng, có thể dự những cuộc vui trong làng. Ngôi nhà mồ vì thế cũng bị bỏ luôn, không còn được chăm sóc”.

Việc nuôi mả thời gian dài hay ngắn không có một quy định cụ thể. Ở đây, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình người dân. Bởi, mỗi lần bỏ mả như này, rất tốn kém về tiền của vì nó kéo dài đến 3 ngày, đêm, nên các gia đình cần có thời gian để chuẩn bị. Ngày nay, nhờ sự tuyên truyền, vận động của chính quyền các cấp, nên lễ bỏ mả không còn là việc riêng của các gia đình, mà còn là sự chung tay, góp sức một phần nào đó của nhân dân trong làng.

Mọi người tập trung, giúp nhau giết mổ trâu, bò, gà, vịt... ở một khu tập trung gần khu nhà mồ.

Mọi người tập trung, giúp nhau giết mổ trâu, bò, gà, vịt... ở một khu tập trung gần khu nhà mồ.

Ông Rơ Châm Puih – Trưởng thôn làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông cho biết: “Lễ bỏ mả được tổ chức tùy thuộc vào kinh tế của mỗi gia đình. Nếu như ngày trước, lễ bỏ mả khá tốn kém, bởi những gia đình tham gia bỏ mả sẽ phải giết nhiều trâu bò, chuẩn bị nhiều rượu ghè để cho bà con trong làng và bà con các làng khác đến ăn uống trong vài ngày thì nay cả dân làng sẽ đóng góp. Trâu, bò mang đến cúng cũng tùy thuộc vào kinh tế của mỗi gia đình.

Lễ vật cúng bao gồm: Gà con, cơm lam, rượu ghè, thủ heo… Sau khi già làng thực hiện nghi lễ cúng, các nghệ nhân trong làng sẽ đánh cồng chiêng, khi tiếng cồng chiêng bắt đầu nổi lên thì tất cả mọi người tham dự lễ sẽ đứng dậy và bắt đầu trình diễn các nghi thức dân gian tiễn đưa người đã khuất”.

Người Jrai thường chọn những ngày trăng sáng nhất để bắt đầu làm lễ bỏ mả, nghi lễ này thường kéo dài suốt 3 ngày, 3 đêm. Ngày đầu tiên gọi là ngày vào nhà mả, ngày thứ hai là ngày vỡ (hay còn gọi là ngày ăn lớn), ngày cuối cùng được gọi là ngày rửa nồi.

Bên cạnh ngôi mộ đã được xây dựng kiên cố, những vật dụng thường ngày khi người còn sống sử dụng, khi chết đi được mang ra chỗ nhà mồ.

Bên cạnh ngôi mộ đã được xây dựng kiên cố, những vật dụng thường ngày khi người còn sống sử dụng, khi chết đi được mang ra chỗ nhà mồ.

Đảo quanh khu vực nhà mồ ở đây, phóng viên nhận thấy vẫn có một vài ngôi mộ, được gia đình phân chia các tài sản có giá trị như: Xe máy, xe đạp, nồi cơm điện, giường, chiếu, chóe, dụng cụ bắt cá… người chết sử dụng. Đây được xem là các dụng cụ khi người sống sử dụng, chết đi thì mang theo.

Từ bao đời nay, lễ pơ thi của người Jrai luôn là nét văn hóa độc đáo mà bà con giữ gìn. Chính quyền các cấp và các cơ quan ban, ngành đoàn thể luôn tuyên truyền, vận động dân làng cùng chung tay giữ gìn nét đẹp văn hóa, tổ chức lễ hội ý nghĩa, tiết kiệm, những phong tục nào không còn phù hợp thì nên cắt giảm hoặc xóa bỏ bớt.

Xuyên suốt lễ hội, những ghè rượu cần cứ vơi lại đầy, tiếng cồng chiêng cứ thế ngân vang khắp núi. Dưới vầng trăng rọi sáng, bên ánh lửa bập bùng bất kể là người Jrai hay dân tộc khác, dân làng này hay làng khác, mọi người cứ thế nắm chặt tay nhau, theo nhịp điệu múa xoang, thắt chặt tình đoàn kết toàn dân tộc.

Trần Sỹ

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/giai-tri/van-hoa/le-po-thi-giai-phong-linh-hon-nguoi-chet-ve-co-i-atau-506146.html