Lễ Quốc tang Tổng Bí thư: Nhân dân cả nước bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn
Sáng 25/7, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trên khắp đất nước không có điều kiện trực tiếp về viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã theo dõi chương trình tường thuật trực tiếp lễ viếng trên sóng truyền hình.
Trên mọi nẻo đường Tổ quốc đều treo cờ rủ, nhịp sống dường như chậm hơn, trầm lắng hơn để tưởng nhớ sự ra đi của người con ưu tú dân tộc. Mỗi người dân Việt Nam sẽ mãi khắc ghi hình ảnh một cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước hết sức giản dị, gần gũi với người dân.
Nguyện học tập tấm gương Tổng Bí thư
Chưa tới 6 giờ sáng 25/7, nhiều nơi ở Kiên Giang có mưa to. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhà dân đều treo cờ rủ từ trước khi diễn ra Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các cơ quan, đơn vị cũng dành một phút mặc niệm vào lúc 7 giờ ngày 25/7 để bày tỏ lòng tiếc thương, kính trọng đối với Tổng Bí thư, người cống hiến trọn đời vì sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Dù mưa to kèm theo dông gió, nhưng 6 giờ 30 phút ngày 25/7, ông Trần Ngọc Khải, Bí thư Đảng ủy xã Long Thạnh (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) đã có mặt tại phòng làm việc. Ông đến cơ quan sớm hơn mọi ngày để xử lý công việc và theo dõi lễ viếng Tổng Bí thư được truyền hình trực tiếp. Với tình cảm cá nhân và thay mặt Đảng bộ xã Long Thạnh, ông kính gửi lời chia buồn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước và gia quyến cùng niềm xúc động, tiếc thương vô hạn đối với đồng chí Tổng Bí thư.
Những đức tính cao đẹp, lối sống giản dị và đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, hết lòng, hết sức phục vụ tổ quốc, phụng sự nhân dân của Tổng Bí thư sẽ được các thế hệ cán bộ, đảng viên, người dân học tập noi theo. "Riêng bản thân tôi trước hết sẽ tự soi, tự sửa, thực hiện tốt việc nêu gương về tinh thần đoàn kết, mẫu mực về đạo đức, lối sống giản dị, trung thực. Đồng thời, quán triệt trong tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ xã Long Thạnh quyết tâm học tập và noi theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng", ông Trần Ngọc Khải nói.
Đoàn kết, vững tin thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường
Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã bày tỏ niềm kính trọng và niềm tiếc thương vô hạn khi xem lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua sóng truyền hình. Bà Hà Thị Mậu, 68 tuổi, người dân tộc Mường, xóm Trại, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn nghẹn ngào, vẫn biết sinh, lão, bệnh, tử của đời người không tránh khỏi, nhưng bà cảm phục Tổng Bí thư vì đến những giây phút cuối đời vẫn tận hiến cho đất nước, dân tộc…
Trong ngày Quốc tang Tổng Bí thư, ông Nguyễn Ngọc Cẩn, đảng viên khu 4 xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì buồn thương, xúc động bởi một nhân cách lớn của dân tộc đã ra đi, một trái tim nhân hậu đã ngừng đập, nhà văn hóa lớn, nhà lý luận xuất sắc, vị Tổng Bí thư kiên trung với lý tưởng cách mạng.
Tổng Bí thư đã ra đi nhưng ông để lại cho toàn Đảng, cho quân dân cả nước một sự nghiệp đồ sộ về lý luận, văn hóa, sự nghiệp xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Ông được nhân dân trân trọng, trìu mến gọi là "người đốt lò vĩ đại" bởi những đóng góp quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, suy thoái, làm cho Đảng trong sạch, nhân dân tin yêu.
Công tâm, linh hoạt và dân chủ
Nghẹn lòng hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, ông Lê Văn Cuông (phường Đông Cương, thành phố Thanh Hóa), đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII chia sẻ, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự để lại niềm tiếc thương vô hạn cho cán bộ và nhân dân cả nước. Khi còn là đại biểu Quốc hội, ông đã nhiều lần được gặp Tổng Bí thư, một con người mẫu mực, dễ gần, nhân hậu, có chiều sâu trí tuệ.
Khi điều hành công việc của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng có phương pháp làm việc khoa học, cụ thể, rõ ràng và luôn thể hiện tính dân chủ, linh hoạt, công tâm, luôn gợi mở, tôn trọng đại biểu. Do đó, các đại biểu Quốc hội khi thảo luận, chất vấn hay trả lời chất vấn thường có tâm thế bình tĩnh, tự tin, truy vấn đến cùng để làm rõ vấn đề. Ông Lê Văn Cuông nhận thấy, cuộc đời của Tổng Bí thư sẽ là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo.
Tâm huyết, gần gũi thương yêu đồng bào
Khi hay tin Tổng Bí thư mất, ông Hồ Văn Hùng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, giai đoạn 2001 - 2008, hiện ở phường Phước Mỹ, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận cảm thấy hụt hẫng như mất đi một người thân. Ông rất tâm đắc và luôn ghi nhớ những gì Tổng Bí thư đã nói và làm; trong đó có câu nói “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Ông Hồ Văn Hùng luôn nhớ về kỷ niệm được gặp và làm việc với Tổng Bí thư. Trên đường đi thăm công trình hồ thủy lợi Sông Sắt, Tổng Bí thư trao đổi nhiều về đời sống của đồng bào Raglai, tình hình cán bộ huyện, xã, những khó khăn, vướng mắc thực tế trong lãnh đạo, triển khai, thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ở huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sự ân cần, giản dị và lắng nghe của Tổng Bí thư đã giúp ông tự tin và tâm sự hết.
Những trao đổi, gợi mở, chỉ đạo cụ thể, sát thực của Tổng Bí thư đã tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đồng thời tạo động lực mới cho sự phát triển của huyện Bác Ái.
Đến nay, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Raglai huyện Bác Ái đã được nâng lên. Bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng của huyện ngày một đảm bảo và phát triển; đội ngũ cán bộ người dân tộc có những phát triển vượt bậc
Tấm gương mẫu mực
Những ngày này, các hoạt động thể thao sôi nổi, hoạt động văn nghệ ở Cao Bằng đều được tạm dừng. Trụ sở các cơ quan đều treo cờ rủ để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một nhà lãnh đạo đầy tâm huyết, mẫu mực và bình dị. Ông Triệu Quốc Tài (dân tộc Nùng, thương binh hạng 4/4, ở xóm Dẻ Đoóng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An) xúc động chia sẻ, khi nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông cảm thấy rất buồn. Sự ra đi của Tổng Bí Thư là mất mát lớn của đất nước. Giờ đây, những lời dăn dạy của bác như: "Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất", "Kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ hư hỏng, tham nhũng"... vẫn còn vang vọng đâu đây. Ông Tài rất coi trọng những đóng góp, quyết tâm của Tổng Bí thư trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cũng như chính sách ngoại giao khéo léo với bạn bè quốc tế.
Ông Võ Quốc Phương, sinh năm 1951, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh thôn Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ lòng kính trọng và tiếc thương sâu sắc với sự ra đi của người lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Ông Phương chia sẻ: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành trọn đời cho Đảng, đất nước, dân tộc. Tổng Bí thư là tấm gương sáng mẫu mực của một người chiến sĩ cộng sản, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, phục vụ nhân dân.
Lối sống giản dị, tác phong làm việc khoa học, dân chủ, tận tụy, hết lòng vì nước, vì dân, kính già, yêu trẻ của đồng chí là tấm gương mà mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân chúng ta học tập, noi theo. Mỗi người dân Việt Nam sẽ luôn lấy tấm gương sáng của Tổng Bí thư làm động lực để góp sức nhỏ bé vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.