Lễ quy tập và an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu
Chiều 3/12/2023, UBND thành phố Lào Cai long trọng tổ chức Lễ quy tập và an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu di chuyển từ Nghĩa trang nhân dân tổ dân phố Na Đẩy, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương về Nghĩa trang liệt sỹ phường Nam Cường, thành phố Lào Cai.
Dự buổi lễ có đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;Thường trực Thành ủy Lào Cai; lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh;HĐND -UBND thành phố Lào Cai; Đảng ủy - UBND phường Nam Cường cùng người nhà của liệt sĩ và đông đảo Nhân dân.
Liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu sinh năm 1949 trong gia đình có truyền thống yêu nước: Bố mẹ liệt sĩ là Việt kiều yêu nước tại Thái Lan được Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quản lý. Lúc nhỏ, ông được bố mẹ cho ăn học đến năm 13 tuổi (1962), sau đó được tổ chức Hội Việt kiều cho về nước tiếp tục học hết cấp III. Ông ở với bà nội và họ hàng tại xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đến tháng 8/1969, ông học Đại học Nông nghiệp II tại Hà Bắc đến tháng 12/1974 ra trường. Ông được phân công công tác tại Ty Nông nghiệp tỉnh Lào Cai từ tháng 4/1975, đến tháng 6/1975 được phân công chính thức nhận nhiệm vụ tại Ủy ban Nông nghiệp huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cũ (sau là tỉnh Hoàng Liên Sơn). Trong quá trình công tác, ông Sửu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 1983, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đến đầu tháng 8/1984 được cơ quan phân công tổ chức lớp tập huấn về công tác đo đạc, lập bản đồ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mường Khương. Trong chuyến công tác đó, ông đã bị kẻ xấu gài mìn trên Quốc lộ 4D, cách huyện lỵ Mường Khương 2 km. Xe khách nổ, ông mất ngày 10/8/1984 và được công nhận là liệt sĩ.
Liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu được Chủ tịch nước cấp bằng Tổ quốc ghi công số AT-38/CT, ngày 17/10/1984.
Việc đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu về Nghĩa trang Liệt sĩ phường Nam Cường là mong ước của gia đình ông, đáp ứng nguyện vọng của thân nhân, gia đình liệt sĩ đồng thời thể hiện sự tri ân và ghi nhớ sâu sắc công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước đối với các thế hệ người Việt Nam, thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc ta.