Lễ Ramadan năm 2022: Gần trở lại bình thường, nhưng người dân vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn

Trước tháng Ramadan, hầu hết các quốc gia Trung Đông đã nới lỏng các hạn chế. Tuy nhiên, tình trạng lạm phát và thiếu lương thực cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đến dịp lễ này.

Trước lễ Ramadan (bắt đầu vào ngày 2 tháng 4 ở hầu hết các quốc gia Trung Đông) các trung tâm thành phố trên khắp Trung Đông mang không khí lễ hội.

Các đường phố và cửa hàng được trang trí với biểu tượng của trăng lưỡi liềm, đèn lồng và biểu ngữ được trang trí bằng những dòng chữ cầu chúc như "Ramadan Kareem" hoặc "Ramadan Mubarak" (Chúc tháng lễ Ramadan vui vẻ).

Tuy nhiên, ở thủ đô Beirut của Lebanon, phần lớn đồ trang trí cho nhà riêng vẫn chưa bán được trong năm nay.

Randa Mohsen, một y tá và là mẹ của 4 đứa con ở Beirut, nói với DW: "Tôi nhớ những lần tôi thường mua đồ trang trí cho tháng Ramadan và mời anh chị em của mình đến dùng một bữa ăn thịnh soạn vào buổi tối. Năm nay, chúng tôi thậm chí không đủ khả năng chi trả cho bữa ăn Iftar, bữa tối sau một ngày các tín đồ nhịn ăn của riêng mình".

Bà nói: "Đối với một gia đình như chúng tôi, việc các hạn chế về đại dịch có được dỡ bỏ hay không cũng không quan trọng vì chúng tôi hầu như không còn đủ tiền để ăn. Ít nhất COVID-19 là một cái cớ để ở nhà."

Nhiều người phải đối mặt với tình trạng khó khăn khi đón lễ Ramadan năm nay. Ảnh: ZUMA.

Nhiều người phải đối mặt với tình trạng khó khăn khi đón lễ Ramadan năm nay. Ảnh: ZUMA.

Trong hai năm qua hay nói cách khác kể từ khi bắt đầu đại dịch, các truyền thống của lễ Ramadan như gặp gỡ gia đình và bạn bè để dùng bữa sau khi mặt trời lặn đã bị hạn chế trong toàn khu vực.

Tuy nhiên kể từ tháng Ramadan năm nay, nhiều hạn chế đã được dỡ bỏ. Chỉ còn một số quy định như đeo khẩu trang, giới hạn thời gian cầu nguyện và giữ khoảng cách trong nhà thờ.

Abu Zaid nói với DW: "Ở Lebanon, tất cả các nhà thờ Hồi giáo đều mở cửa và mọi người được hoan nghênh đến cầu nguyện. Tuy nhiên, hầu hết các tín đồ đều đồng ý khuyên những người già và những người mắc bệnh mãn tính không nên đến các nhà thờ".

Tuy nhiên, với sự chấm dứt của nhiều hạn chế liên quan đến đại dịch, người dân vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Lạm phát và mất an ninh lương thực đã bắt đầu ảnh hưởng đến nhiều nước trong khu vực. Đặc biệt, Ai Cập đã phải hứng chịu những đợt tăng giá và phá giá tiền tệ trước tháng lễ Ramadan này.

Haitham El-Tabei, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Abwab Elkheir ở Cairo, nói với DW: "Chúng tôi dự đoán tháng Ramadan sẽ cực kỳ khó khăn vì giá cả tăng vọt chỉ vài ngày trước Tháng Thánh".

El-Tabei nói với DW: "Năm nay, tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do số tiền quyên góp giảm đi và giá cả tăng chóng mặt". Tuy nhiên, cho đến nay, tổ chức phi chính phủ đã có thể trang trải các chi phí bổ sung.

Tuấn Vũ

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/le-ramadan-nam-2022-gan-tro-lai-binh-thuong-nhung-nguoi-dan-van-dang-doi-mat-nhieu-kho-khan-20220404172554335.htm