Lễ rước kiệu hội đền Tam Tổng - Tín ngưỡng văn hóa lưu truyền ngàn đời

Từ xưa đến nay, cứ vào ngày 16/2 Âm lịch hàng năm, người dân đền Sọ (dền Tam Tổng) lại nô nức chuẩn bị cho lễ hội đền. Không chỉ là những trò chơi dân gian, những điệu múa, câu hát hay những cuộc thi đấu thể thao, với mỗi người dân nơi đền Tam Tổng, nghi thức quan trọng nhất trong hội đền là lễ rước kiệu, thể hiện lòng thành kính của nhân dân đối với Phù Đổng Thiên Vương và cầu cho đất nước thái bình, nhân dân được ấm no.

Đền Sọ (đền Tam Tổng), nằm ở thôn Phù Lỗ Đoài, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thờ Thánh Gióng. Đền Sọ được 3 tổng: Phù Xá, Xuân Nộn, Phù Lỗ cùng lo việc thờ cùng và tổ chức lễ hội, do vậy, đền được gọi là đền Tam Tổng hay đền Tam Tổng Phù Lỗ.

Đền Tam Tổng xưa và nay

Theo truyền tích, đền Sọ là nơi Thánh Gióng dừng chân nghỉ ngơi, gội đầu trên đường đi đánh giặc Ân. Đền Sọ vốn là ngôi đền vào loại to nhất trong vùng Phù Lỗ, tọa lạc trên khoảng đất cao, thoáng đãng ven sông Cà Lồ. Theo truyền thuyết dân gian và sử sách để lại, đền Sọ được xây dựng trên vùng đất mang tên Kẻ Sọ. Đền được xây dựng bề thế từ thời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức, trên nền đất cũ của ngôi đền nhỏ dưới thời Hùng Vương. Đền trải qua hai lần trùng tu lớn, năm 1741 và 1921.

Lễ hội đền Tam Tổng được tổ chức từ ngày 16/2 - 18/2 Âm lịch hàng năm, là dịp để nhân dân trong vùng tưởng nhớ đến Thánh Gióng - người có công đánh đuổi giặc Ân xâm lược. Đây cũng là dịp để nhân dân cầu một năm mới bình an, mưa thuận gió hòa, cầu phước cho gia đình, người thân. Trong những ngày lễ, người dân sẽ thắp hương, cúng bái, dâng lễ vật như xôi, gà, hoa quả, bánh kẹo,...

Trong lễ hội đền Tam Tổng, nghi lễ rước kiệu là phần linh thiêng nhất trong ba ngày hội và cũng là phần được người dân mong chờ nhất. Từ sáng ngày 15/2 Âm lịch, nhân dân trong vùng làm lễ mộc dục, chuẩn bị bao sái đồ thờ cúng và các đồ tế lễ chuẩn bị cho sáng 16/2 nghinh rước.

Theo phong tục, những người được chọn đi rước kiệu phải là nam thanh nữ tú đặc biệt là trai tân gái tịnh, khỏe mạnh. Nam sẽ rước kiệu bát cống và nữ rước kiệu song hành. Những người tham gia rước kiệu đều có trang phục riêng chủ yếu là gam màu đỏvà vàng được phối với nhau một cách khéo léo hài hòa.

Sáng 16/2 Âm lịch, nhân dân sẽ chuẩn bị lễ, rước kiệu tổng lên đền Sóc Sơn cáo yết chư vị phật thánh xin phép được nghinh rước bát hương từ đền Thượng (Sóc Sơn) về đền Tam Tổng mở hội trong 3 ngày. Theo ông Thể - người trông coi đền Tam Tổng, nhân dân sẽ chọn ra bốn thanh niên khỏe mạnh, lương thiện và có công việc ổn định, đón bát hương từ trên đền Thượng về đền Tam Tổng.

Kiệu của các làng xung quanh sẽ rước lên đến Đồng Trời (Mai Đình - Sóc Sơn) và sau đó đi sau kiểu tổng về đền Tam Tổng.

Trong đoàn rước kiệu, có cờ Tổ quốc, cờ ngũ sắc, trống, chiêng, bộ bát bửu, kiệu song hành, kiệu bát cống, hai bên có lọng che. Ông Nam - người đánh trống trong lễ rước kiệu cho biết, trong khi rước, trống và chiêng luôn được kéo ngang hàng. Những người đánh trống, chiêng thường là những cao niên trong làng, thuộc gia đình văn hóa, sống hòa thuận với xóm làng. Như vậy, khi đánh trống gõ chiêng, tiếng trống, tiếng chiêng sẽ to hơn, vang hơn và hay hơn.

Khi tất cả kiệu về đến sân đền, thầy pháp mặc trang phục là áo the, khăn xếp sẽ tiến hành làm lễ phụng nghinh thánh giá từ đến Sóc Sơn về đền Sọ.

Sau khi tiến hành xong các nghi lễ, các kiệu sẽ lần lượt vái ba lần và được rước vào gian đón kiệu ở phía bên trái đền Tam Tổng.

Trong ba ngày diễn ra hội đền Tam Tổng, ngoài nghi lễ rước kiệu, ban tổ chức hội đền và nhân dân sẽ có những hoạt động khác như ca hát, trò chơi dân gian và các giải đấu vận động, thể thao.

Nguồn: Internet

Đến sáng ngày 18/2 Âm lịch, tại lễ hội đền Tam Tổng, sẽ cử hành nghi lễ bái tạ phụng nghinh thánh giá hoàn cung, nhân dân các làng sẽ rước kiệu về lại thôn khu.

Lễ rước kiệu đền Tam Tổng là một nghi lễ quan trọng đối với nhân dân xã Phù Lỗ nói riêng và nhân dân huyện Sóc Sơn nói chung. Lễ rước kiệu thể hiện sự đa dạng, và đậm đà bản sắc văn hóa của Việt Nam. Nghi lễ rước kiệu hay lễ hội đền Tam Tổng đem lại những giá trị to lớn, là sợi dây liên kết cộng đồng, hướng con người về cội nguồn, cân bằng đời sống vật chất và tinh thần, bảo tồn và trao truyền giá trị văn hóa, sáng tạo và phát triển lễ hội trong bối cảnh đương đại.

Lã Vinh - Thu Hiền

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/media/le-ruoc-kieu-hoi-den-tam-tong-tin-nguong-van-hoa-luu-truyen-ngan-doi-post10561.html