Lễ Sene Đôn Ta của đồng bào Khmer - Hướng về tổ tiên
Hàng năm, cứ bắt đầu từ ngày 1 rốch, khe Photh Tro-both và 1 kơth khe A-such theo lịch của người Khmer (từ ngày 16-8 đến 1-9 âm lịch của người Việt), tại các chùa Nam tông Khmer diễn ra mùa Lễ Kanh-banh, Ph'chum-banh hay Lễ Sene Đôn Ta, tức lễ cúng ông bà. Đây là một trong những lễ nghi định kỳ quan trọng nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ, ông bà, họ hàng thân tộc, cầu phước cho những người đã khuất và tri ân tổ tiên phù hộ cho con cháu, phum sóc được an vui.
Đã hơn 10 đêm qua, tại các chùa Nam tông Khmer ở Sóc Trăng, không khí mùa Kanh - banh hay Ph’chum - banh diễn ra khá nhộn nhịp. Bởi mỗi đêm tầm gần 4 giờ sáng, bà con phật tử trong bổn đạo đều mang thực phẩm, vật lễ, cơm, bánh trái, tiền bạc… dâng cúng dường các vị chư tăng để tụng kinh, cầu siêu cho những người đã khuất. Để tìm hiểu thêm về nét sinh hoạt đặc sắc của lễ nghi này, vào khoảng 3 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt tại điểm chùa Mahatup (chùa Dơi), Phường 3 (TP. Sóc Trăng).
Dù đường đi vẫn còn tối nhưng mỗi người tay cầm dĩa, bưng khay cơm vắt hay mâm vật lễ tiến về ngôi chánh điện. Trong mỗi mâm hay khay đó được bà con trang trí rất đẹp mắt. Cô Lâm Si Pha ở Khóm 9 (Phường 3), người đã tham gia xuyên suốt trong mùa lễ Ph’chum - banh chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, tới mùa lễ Ph’chum - banh mỗi đêm cô đều có mặt tại chùa để đi Bós - bai - banh (đặt cơm vắt), nghe các vị chư tăng tụng kinh, cầu siêu. Năm nay, cô đi được hơn 10 đêm rồi. Trước khi dâng đến chùa, đầu hôm cô phải chuẩn bị một số lễ vật như: nấu gạo nếp vắt thành viên tròn, để bánh trái, nhang, đèn cầy, cắm cờ cá sấu ngay giữa để trang trí cho đẹp. Việc đi Bós - bai - banh với mục đích cầu phước cho ông bà, họ hàng thân tộc đã khuất”. Cô Kim Thị Sây, nhà ở Phường 9 (TP. Sóc Trăng) chân tình chia sẻ: “Để thuận tiện trong việc Bós -bai - banh, đêm nào tôi cũng ngủ tại chùa chuẩn bị vật lễ sẵn để khi tới giờ lên chánh điện thắp nhang, cúng dường Tam bảo. Sau khi nghe các vị chư tăng tụng kinh và cùng nhau đi ra ngoài Bós - bai - banh xung quanh ngôi chánh điện để cầu phước cho người thân quá cố”.
Achar Thạch Sóc - người thường trực trong việc sinh hoạt nghi lễ tại chùa Mahatup cho biết: “Lễ Sene Đôn Ta cổ truyền thể hiện được truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của cộng đồng người Khmer, lễ mang tính nhân văn và tính giáo dục đạo đức sâu sắc. Đặc biệt theo phong tục, tập quán của người Khmer, ngoài việc gần nửa tháng đi Bós - bai - banh thì Lễ Sene Đôn Ta được diễn ra trong 3 ngày chính và mỗi ngày mang mỗi ý nghĩa khác nhau: Ngày thứ nhất là ngày cúng nghênh tiếp tổ tiên; ngày thứ hai là ngày lưu giữ tổ tiên và ngày thứ ba là ngày cúng tiễn tổ tiên. Cả 3 ngày này đều được tổ chức rất trang nghiêm, ngoài cúng tế theo tín ngưỡng dân gian, tôn giáo”.
Lễ Sene Đôn Ta năm nay diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 27 đến 29-9 (dương lịch). Ngày thứ nhất, cúng nghênh tiếp ông bà, tổ tiên (người đã khuất). Bước sang ngày thứ hai tức là ngày 30-8 âm lịch, đồng bào Khmer chuẩn bị các lễ vật cần thiết dâng đến chùa làm lễ Ph’chum - banh và thắp hương bàn thờ tổ tiên cầu mời tổ tiên, ông bà đã khuất cùng đi theo vào chùa.Các dịp lễ, tết của đồng bào Khmer nói chung, Lễ Sene Đôn Ta nói riêng, các cấp ủy đảng, chính quyền đều tổ chức các đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh đến thăm hỏi, tặng quà, chúc mừng lễ cho các vị chư tăng, đồng bào; nhiều địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi để cho bà con có một mùa Lễ Sene Đôn Ta vui tươi, phấn khởi. Sang ngày thứ ba là nghi lễ cúng tiễn ông bà, đồng bào Khmer tổ chức cúng tổ tiên ông bà và họ hàng thân tộc không còn ở dương thế. Theo phong tục, thì mỗi gia đình chuẩn bị mâm cơm cùng thức ăn, bánh trái, rượu trà cúng tiễn. Đặc biệt là chuẩn bị một phương tiện (thường làm bằng bẹ chuối kết thành chiếc thuyền, dài từ 50 đến 70cm) và đặt cơm, thức ăn, kèm theo cả lúa, gạo, muối, đậu, bánh trái… Thắp nhang khấn vái xong đem thả dưới sông, kênh rạch hoặc ao hồ gần nhà. Cúng xong, mọi người cùng mời bà con họ hàng, bạn bè về dự ăn chung vui với gia đình. Đến đây, coi như mùa Lễ Sene Đôn Ta kết thúc - Mùa lễ mang đậm nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer được lưu giữ từ bao đời nay.