Nếu như Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm Ahiêr thì Tết Ramưwan là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm Bàni. Đây được xem là Tết cổ truyền, sản phẩm văn hóa tinh thần từ truyền thống tín ngưỡng cổ của người Chăm.
Tết Ramưwan được tổ chức chính vào các ngày 30/2 và ngày 1 - 2/3 theo Chăm lịch và kéo dài suốt một tháng. Đây là dịp để con cháu, những người còn sống hội tụ nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành; cầu nguyện cho làng xóm được bình yên, nhà nhà sung túc, người người được an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt, đất nước thái bình.
Do vậy, dù phải làm ăn xa và bận rộn mấy đi chăng nữa thì những người Chăm Bàni vẫn dành thời gian về quê để tận hưởng những giây phút hạnh phúc bên gia đình và người thân.
Vào những ngày này, trong làng người Chăm Bàni luôn đông vui náo nhiệt, đồ vật trong nhà, bếp, ngoài sân được sắp đặt gọn gàng, dọn vệ sinh sạch sẽ để đón khách. Trước ngày Tết Ramưwan, các bà, các chị, các mẹ chuẩn bị sắm quần áo mới cho đám nhỏ và quần áo lễ, đi chợ sắm lễ vật, xay bột làm bánh tét, bánh ít…
Lễ tảo mộ là phần quan trọng nhất của Tết Ramưwan. Lễ tảo mộ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu vào những ngày cuối của tháng cũ và kết thúc vào ngày đầu tiên của Tết Ramưwan.
Nghĩa địa của người Chăm Bàni thường ở nơi có địa hình cao ráo và sạch sẽ. Trong dịp tết Ramưwan, tất cả các tộc họ ở các làng Chăm Bàni đều đi đến nghĩa địa để tảo mộ. Từ sáng sớm, các vị chức sắc mặc áo dài trắng có viền đỏ quấn khăn, đầu bịt khăn trắng có tua đỏ, mang theo hộp đồng có trầu cau têm sẵn, thuốc lá, nước thánh, trầm hương đi đến nghĩa địa để làm lễ vật cúng tế.
Các thành viên trong gia đình từ các cháu thiếu nhi đến người trưởng thành và người già mặc trang phục truyền thống đẹp và mới nhất đi tảo mộ. Lễ vật trong lễ tảo mộ khá đơn giản, gồm: trầu cau, thuốc, nước uống và nước thánh.
Từng tộc họ đến nghĩa địa để làm cỏ, vun đất phần mộ cho sạch đẹp. Mộ của người Chăm Bàni là những hòn đá tròn xếp thành những hàng dài rất đều đặn. Tất cả được chôn có khoảng cách đều nhau và theo hướng Bắc - Nam. Hướng Bắc là vị trí của đầu, hướng Nam là vị trí của chân. Các mộ liền nhau, thậm chí chôn chồng lên nhau nên còn được coi là mộ chôn chung.
Khi vào lễ, ông thầy Char làm lễ tẩy uế phần mộ và mời tổ tiên về dự lễ. Tiếp theo là đọc kinh cầu nguyện cùng với mọi người, làm dấu ấn thánh khấn vái ông bà tổ tiên phù hộ cho xóm làng và những người còn sống được yên bình hạnh phúc. Sau đó, lấy trầu cau têm sẵn nhét xuống từng ngôi mộ.
Mỗi người sẽ chắp tay giơ cao vái lạy sát đất 3 lần sau khi hoàn tất phần lễ. Sau phần lễ, bên các phần mộ, các gia đình ngồi nói chuyện cùng nhau. Nhiều người khóc vì vẫn còn thương nhớ người đã khuất.
Lễ tảo mộ diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu đi tảo mộ ở xa, ngày thứ 2 tảo mộ ở những chỗ gần hơn và ngày thứ 3 tảo mộ ở nơi gần nhất.
Lý do của việc này là do người Chăm Bàni quan niệm đi tảo mộ là để mời tổ tiên về ăn Tết. Ở xa, các ông bà tổ tiên đi lâu về đến nhà hơn nên phải tảo mộ trước, làm lễ mời trước.
Lễ tảo mộ là một phong tục rất quan trọng, một phần thuộc về tôn giáo, phần còn lại thuộc về tín ngưỡng dân gian. Đó là sự tưởng niệm, biết ơn tổ tiên và dòng tộc cũng như tâm linh của mọi người trong cộng đồng, không phân biệt đẳng cấp, tầng lớp, tất cả đều vì tổ tiên và ông bà.
Các cô gái trẻ người Chăm rạng rỡ trong lễ tảo mộ sáng 12/4.
Thế Quang - Jamen Ivan