Lễ Thanh Minh với hàng nghìn gia đình TQ chưa chôn cất được người thân

Vì dịch Covid-19, nhiều gia đình Trung Quốc sẽ không thể tới mộ phần tổ tiên trong lễ Thanh Minh năm nay như thường niên.

Gần hai nghìn năm, người Trung Quốc luôn duy trì phong tục tới thăm mộ ông bà, tổ tiên vào ngày 15 sau xuân phân, tức lễ Thanh minh, để dọn dẹp cỏ dại, dâng lễ vật là thức ăn, đồ uống, tiền vàng, để cầu chúc cho tổ tiên yên nghỉ ở thế giới bên kia.

Năm nay, lễ Thanh minh diễn ra vào ngày 4/4. Thế nhưng, dù đại dịch Covid-19 vừa quét qua Trung Quốc khiến hơn 3.300 người thiệt mạng, nhiều gia đình Trung Quốc sẽ không tới mộ phần tổ tiên như thường niên.

Hàng nghìn gia đình, đặc biệt tại tâm dịch Vũ Hán, tới nay vẫn chưa thể chôn cất thi hài người thân.

 Một người vái mộ ở Vũ Hán trong tiết Thanh Minh năm 2011. Ảnh: Getty.

Một người vái mộ ở Vũ Hán trong tiết Thanh Minh năm 2011. Ảnh: Getty.

"Không ai trong gia đình có cơ hội nói lời vĩnh biệt với ông nội hoặc nhìn mặt ông lần cuối", Gao Yingwei, nhân viên IT tại Vũ Hán cho biết. Ông nội của Yingwei là Gao Shixu tử vong vì nhiễm virus corona hôm 7/2.

Người đàn ông 76 tuổi qua đời ở nhà riêng, nhân viên mai táng tới đưa thi thể ông đi và thông báo với gia đình về lễ hỏa táng được tiến hành ngay lập tức.

"Tới hôm nay, chúng tôi vẫn không biết người ta đã xử lý thi hài ông như thế nào. Chúng tôi thậm chí cũng chẳng biết họ đến từ nhà tang lễ nào", Yingwei nói, theo Washington Post.

Dấu hỏi với số liệu chính thức

Trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ tái bùng phát, nhà chức trách nhiều địa phương Trung Quốc đã cấm người dân thăm mộ tại các nghĩa trang, để tránh tụ tập đông người.

Bắc Kinh và Thượng Hải là số ít các thành phố cho phép số lượng giới hạn người dân được tới thăm mộ, hoạt động tương tự hoàn toàn bị cấm tại Vũ Hán. Các nghĩa trang tại thành phố thủ phủ tỉnh Hồ Bắc sẽ đóng cửa cho tới tháng 5.

Dù lệnh cấm rõ ràng vì lý do sức khỏe cộng động, việc hạn chế các hoạt động thờ cúng cũng phần nào phản ánh mục tiêu của Bắc Kinh, tránh tạo điều kiện cho các gia đình nạn nhân tụ họp và than phiền về đại dịch.

 Người xếp hàng nhận tro cốt tại một nhà tang lễ ở Vũ Hán. Ảnh: Caixin.

Người xếp hàng nhận tro cốt tại một nhà tang lễ ở Vũ Hán. Ảnh: Caixin.

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng 2.563 người tại Vũ Hán. Thế nhưng, những chứng cứ dần lộ diện 2 tháng qua làm dấy lên nghi vấn số người thiệt mạng thực sự tại Vũ Hán cao hơn những gì nhà chức trách công bố.

Hàng dài người dân chờ đợi tại nhà tang lễ ở Vũ Hán chờ đến lượt nhận tro cốt của người thân được quan sát thấy trong những ngày qua. Một số người phải chờ tới 6 tiếng mới có thể nhận về bình tro cốt.

Nhà hỏa táng Hán Khẩu tại Vũ Hán được miêu tả hoạt động tới 19 tiếng mỗi ngày, theo thông tin từ nhân viên phục vụ nhà tang lễ. Chỉ trong 2 ngày, nhà tang lễ đã nhận thêm 5.000 bình đựng tro cốt, tạp chí Caixin nổi tiếng của Trung Quốc cho biết.

Thông qua hình ảnh trên Internet, người sử dụng mạng xã hội ước tính các nhà tang lễ ở Vũ Hán đã trả khoảng 3.500 bình tro cốt mỗi ngày kể từ 23/3. Điều này cho thấy số người tử vong ở Vũ Hán do Covid-19 có thể cao gấp nhiều lần con số công bố chính thức.

Các cơ quan tình báo Mỹ từ lâu đã kết luận số liệu do Bắc Kinh công bố thấp hơn nhiều so với thực tế.

Hôm 2/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Bắc Kinh luôn cởi mở và minh bạch về các số liệu liên quan tới đại dịch. Bà Hoa cáo buộc các quan chức Mỹ đã đưa ra những bình luận "không biết xấu hổ" khi làm dấy lên nghi ngờ đối với số liệu của Trung Quốc.

Những ca tử vong vì Covid-19 bị bỏ qua

Ông nội họ Gao đã bị sốt và khó thở trong 2 tuần, tuy nhiên gia đình ông không thể giúp ông được nhập viện điều trị. "Đó là thời gian tăm tối và hỗn loạn nhất của Vũ Hán, mỗi người đều chỉ vì bản thân mình", cháu nội ông Gao cho biết.

Ông Gao chưa bao giờ được xét nghiệm virus corona, tuy nhiên gia đình ông không hề nghi ngờ khả năng ông tử vong vì Covid-19. Vợ của ông Gao sau đó đổ bệnh vào cuối tháng 2 và được tiến hành xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy vợ ông Gao dương tính với virus corona. Đến nay, bà vẫn đang điều trị trong bệnh viện.

Tình trạng tương tự được ghi nhận ở nhiều gia đình khác tại Vũ Hán.

Khi người đàn ông 49 tuổi tên Liu Cheng tử vong hôm 12/2, với nguyên nhân chính thức là "viêm nhiễm nghiêm trọng 2 lá phổi", người em trai Liu Xiaobo chỉ có nửa giờ để tới cơ sở chăm sóc y tế của Li Cheng. Liu Xiaobo đã không thể đến kịp trước khi lễ hỏa táng diễn ra.

 Nhiều ca tử vong vì Covid-19 tại Vũ Hán có thể đã không được xác nhận chính thức. Ảnh: Xinhua.

Nhiều ca tử vong vì Covid-19 tại Vũ Hán có thể đã không được xác nhận chính thức. Ảnh: Xinhua.

Giống như trường hợp của ông Gao, cái chết của Liu Cheng không nằm trong danh sách chính thức nạn nhân tử vong vì virus corona. "Anh trai tôi sẽ mãi mãi nằm trong số hàng nghìn người chết không rõ nguyên nhân", Liu Xiaobo nói.

Các nghĩa trang công cộng tại Vũ Hán cũng như tại những khu vực khác ở Hồ Bắc cho biết nhân viên của họ sẽ dọn dẹp các ngôi mộ trong dịp lễ Thanh minh. Một số công ty tang lễ tư nhân cũng có dịch vụ tương tự, việc dọn dẹp và đặt hoa trên mộ được chiếu trực tiếp cho các thân nhân.

Dịch vụ dọn dẹp hay viếng thăm mộ phần dù có lợi, nhưng nó đồng thời lấy đi cơ hội để các gia đình Trung Quốc tưởng nhớ người đã khuất, cũng như tụ họp và cùng nhau trò chuyện.

Tại Trung Quốc hiện đại, các siêu đô thị đã xây dựng những nghĩa trang khổng lồ ở ngoại ô. Thăm mộ người thân vào lễ Thanh minh được rất nhiều người dân thực hiện, nhiều người chấp nhận đi những chặng đường rất xa dọc đất nước, để gia đình có một ngày tụ họp.

Tang lễ trực tuyến nở rộ

Bộ Nội vụ Trung Quốc đã yêu cầu nhà chức trách địa phương "tối đa hóa" hoạt động trực tuyến của các tang lễ và thăm mộ, giúp người dân có thể thờ cúng trực tuyến mà không cần tới tận nghĩa trang.

Trên website của Nghĩa trang Thiên đường, khách hàng có thể đăng tải ảnh và video của người thân đã mất, thờ cúng họ với một ly rượu táo hoặc một điếu thuốc ảo, chỉ với giá vài xu.

Fu Shou Yuan, một trong những công ty tang lễ lớn nhất Trung Quốc, đã ra mắt dịch vụ viếng một trực tuyến từ vài năm trước, dù trước đây không thực sự thu hút khách hàng.

"Đại dịch đã khiến khách hàng tìm tới dịch vụ mới của chúng tôi", Zhou Chen, đại diện công ty Fu Shou Yuan, cho biết.

 Dịch vụ viếng mộ trực tuyến nở rộ. Ảnh: Xinhua.

Dịch vụ viếng mộ trực tuyến nở rộ. Ảnh: Xinhua.

Tang lễ hay thăm mộ trực tuyến giúp người dân tránh đổ xô tới các nghĩa trang, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

"Tang lễ là khoảng thời gian buồn thảm. Các gia đình có thể sẽ đổ lỗi vì những cái chết đột ngột, dù đó là tai nạn giao thông hay vì dịch bệnh", Andrew Kipnis, giáo sư nhân chủng học từ Đại học Hong Kong, cho biết.

Sự đau buồn của người dân, cũng với mối hoài nghi về con số người tử vong thực sự, được cho là sẽ tạo sức ép.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/le-thanh-minh-voi-hang-nghin-gia-dinh-tq-chua-chon-cat-duoc-nguoi-than-post1068531.html