Lê Thiết Cương: Sự hài hòa của văn và họa

Cuốn sách 'Nhà & người' được décor theo kiểu rất 'Lê Thiết Cương' khiến cho ấn phẩm trông thật trang nhã, dễ chịu. Nội dung là 54 đoản văn về nhiều chủ đề văn hóa với lối viết đặc sắc, thấm đẫm hồn phách 'giai phố cổ'.

Trước khi cầm cuốn Nhà & người trên tay, thậm chí tôi chưa từng đọc một bài nào mà Lê Thiết Cương viết. Tôi vốn đinh ninh trong đầu, ông ấy là một họa sĩ nổi tiếng, giai phố cổ lừng lẫy chất chơi. Tranh của Lê Thiết Cương tôi đã xem nhiều, tối giản nhưng hàm nghĩa sâu sắc. Bởi vậy, mỗi lần xem tranh Lê Thiết Cương, tôi thường đứng rất lâu, nhìn ngắm rất sâu để cảm nhận vẻ đẹp của sự tối giản.

Đùng một cái, đọc trên Facebook thông báo, Lê Thiết Cương ra mắt sách tại NXB Hội Nhà văn, Hà Nội. Tôi lấy làm tò mò, nhưng không bất ngờ lắm. Vì giới họa sĩ nhảy sang viết văn cũng nhiều, như ông Đỗ Phấn chẳng hạn. Thậm chí là viết rất hay. Và giới nhà văn cũng nhiều ông bà “chán viết”, chuyển sang cầm cọ cũng kha khá. Tôi quyết định sẽ tới, mua một cuốn đọc, để thỏa trí tò mò xem ông họa sĩ tài hoa này viết lách ra sao. Hay, tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc. Bình thường, tôi âm thầm bỏ qua. Còn nếu dở quá chê thẳng cánh trên công luận. Bởi thực lòng, tôi vốn không có tính “cả nể” như nhiều người trong văn giới hay mắc phải, cứ khen ào ào đi!

Họa sĩ, tác giả Lê Thiết Cương.

Họa sĩ, tác giả Lê Thiết Cương.

Cuốn sách chỉ có 333 trang, in khổ 18 x 24 bằng loại giấy dày đẹp thành ra khá “đồ sộ”, nhưng được décor theo một kiểu rất “Lê Thiết Cương” khiến cho ấn phẩm trông vẫn trang nhã, dễ chịu. Nội dung là 54 đoản văn về nhiều chủ đề văn hóa, cùng lời mở đầu của chính tác giả và lời kết của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.

Xưa nay, có nhiều người đã viết về Hà Nội, về khu phố cổ khá hay. Nhưng phải tới khi đọc Lê Thiết Cương, một “giai phố cổ” đặc sệt, nhà ở ngay phố Lý Quốc Sư, tôi mới được nhìn phố cổ Hà Nội từ một góc mới: từ trong nhìn ra. Trước đó, những người khác, dù viết vẫn hay, song hầu như chỉ là cái nhìn của một người ngoài ngó vào. Cái nhìn của một du khách lảng vảng lượn lờ trên phố, nhàn tản ngắm cảnh ngắm người rồi bàn tán vu vơ, trúng trật tùy lòng.

Lê Thiết Cương viết về các con “phố hàng” khác hẳn. 36 Phố - Một Hà Nội, Duyên Hà Nội, Ngõ, Sonata Đông Dương, Ngôi nhà & tiếng dương cầm… đầy cảm xúc và thấm đẫm hồn phách của phố cổ - cái khu phố hầu như độc nhất vô nhị ở nước ta.

Tôi đặc biệt thích những chỗ Lê Thiết Cương luận giải về sự hình thành của khu phố cổ Hà thành: Làng (nghề) lập trước, phố thành sau. Thực ra cả nước Việt mình cũng theo công thức đó: Khai đất lập làng trước, rồi các làng tụ lại thành nước sau. Nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng, sở dĩ nước Việt tồn tại sau mấy ngàn năm bị đô hộ, là bởi cái sự tồn tại của một thực thể địa chính trị, lịch sử, văn hóa đặc sắc có tên là “LÀNG”.

Cái cặp quan hệ biện chứng “phố - làng” ấy, đã được Lê Thiết Cương luận giải thật xuất sắc: “Không có quê Hà Nội. Đằng sau Hà Nội là một cội rễ làng nào đó. Không phải là không có những văn nhân sinh ra ở nơi đây, cha sinh mẹ dưỡng (chất âm) nhiều hơn chất sinh (dương). Ngược lại với xứ Nghệ sinh nhiều hơn dưỡng. Hà Nội là nơi dung dưỡng cho biết bao danh sĩ, giai nhân tài tử nhiều đời nay”.

Một số bức ảnh do họa sĩ Lê Thiết Cương chụp được đưa vào cuốn sách "Nhà & người"

Một số bức ảnh do họa sĩ Lê Thiết Cương chụp được đưa vào cuốn sách "Nhà & người"

Không chỉ viết hay về phố - làng, phố hàng. Những trang viết của Lê Thiết Cương về làng quê cũng đặc sắc không kém. Cái đặc sắc ở đây có lẽ từ con mắt duy mỹ của người họa sĩ, nên tác giả luôn nhìn ra những điểm nhấn đẹp của những ngôi làng mình đã tới, đã ngắm nhìn, chiêm nghiệm rồi yêu mến.

Trong tản văn có cái tên rất hay - Cựu, tôi thích câu: “Hai cây đa già lặng lẽ thả lá xuống mặt sân gạch Bát Tràng” - đầy hình ảnh và âm thanh. Đọc câu văn như nghe thấy cả tiếng lá chạm mơ hồ xuống nền gạch cũ. Rồi những trang viết về Làng Đông Ngạc, Giếng làng Diềm ở trong đó khung cảnh thôn quê làng xóm cũ kỹ thân thương hiện lên đẹp lạ dưới những con chữ của Lê Thiết Cương, giống như tranh của ông, tối giản, kiệm nét kiệm lời nhưng vừa đủ cho người xem, người đọc liên tưởng và thấy được vẻ đẹp đằng sau sự tối giản.

Tôi đặc biệt ấn tượng với Cổng làng. Bởi tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê Kinh Bắc cổ, tuổi thơ trôi đi quanh cái cổng làng, cổng xóm, cổng ngõ, cổng nhà. Chúng tôi đã chơi “ú tim”, đánh trận giả quanh những cái cổng đó. Thế rồi bỗng nhiên một hồi, người ta lần lần phá bay ráo cả cổng làng cổng ngõ… Bọn trẻ ngơ ngác, chẳng hiểu vì sao! Nhưng hình như cổng làng bị phá đi rồi, chẳng còn gì lưu giữ nữa, nên cả lũ như đàn chim tan tổ bay tán loạn khắp nơi. Rủ nhau đi khỏi lũy tre làng. Đến lúc chân chồn gối mỏi lại rủ nhau lê bước về làng, bỗng bàng hoàng nhận ra, làng mình không còn cổng! Không còn “đóng- khép, mở - hé”. Buồn. Nhưng: “Nỗi buồn thường lại đẹp. Hãy biết ơn những cái cổng xây bằng nước mắt”.

Tôi là người viết văn, lại sinh ra lớn lên ở làng. Vậy mà khi đọc Lê Thiết Cương luận về cái cổng làng, tôi như ngộ ra được nhiều điều. Ừ, cổng không chỉ là cổng. Nó còn là chứng nhân bao nhiêu số phận con người, là nỗi niềm đóng mở, là văn hóa. Thực lòng khâm phục ông, giai phố mà viết về cổng làng hay đến vậy!

Thế nhưng câu chuyện phố - làng, chỉ là một phần nhỏ trong Nhà & người.

Đúng như nhan đề, phần lớn nội dung của cuốn sách nói về nhà và người, hai thực thể hữu cơ và vô cơ gắn bó với nhau thành một chỉnh thể thống nhất không thể tách rời. Người phải có nhà mới ra con người đàng hoàng. Nhà phải có người ở mới thành tổ ấm hạnh phúc. “Sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ”, điều này các cụ đã truyền dạy từ xưa.

Luận về nhà hình như là thế mạnh tuyệt đối của Lê Thiết Cương. Có lẽ nó liên quan đến chuyên môn sâu, chuyên nghề kiếm cơm của ông chăng? Nhưng rõ ràng, tất cả những ngôi nhà mà Lê Thiết Cương đề cập đến trong sách, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi, từ thành phố Hội An di sản cho đến thị trấn Carmel xa xôi mãi bên Mỹ quốc. Tất cả đều hiện lên đẹp đẽ, hấp dẫn và đầm ấm thân thương, gần gũi đến lạ lùng.

Tuy nhiên, những trang sách nói về các ngôi nhà trong phố phường Hà Nội, nơi sinh sống của tác giả hình như mới là đặc sắc nhất. Kể, tả mà như khắc họa, “vẽ” vào đầu người đọc, khiến cho người ta khi gấp sách lại, muốn chạy ngay đến nhìn ngắm những ngôi nhà đó.

Với con mắt của một họa sĩ, Lê Thiết Cương đã cho độc giả được “nhìn” thật chi tiết một ngôi nhà phố cổ điển hình ở 15 Hàng Gai. Ngôi nhà mà đi chầm chậm từ ngoài vào trong, từ dưới lên trên chúng ta sẽ chìm dần vào không gian cổ xưa huyễn hoặc, cảm giác như đang làm một chuyến lãng du về quá khứ. Có vô số kiểu nhà trong sách của Lê Thiết Cương, không phải về quy mô và kiến trúc mà là: “Nhà đẹp”, “nhà an”, “nhà chơi”, “nhà cũ”… rồi cả “nhà của người biết đi”!

Ngôi nhà, một biểu tượng hàm súc về một gia đình nên không thể thiếu cái bếp. Có lẽ lần đầu tiên tôi đọc được ở một người viết luận hay về cái bếp như vậy. Vừa đọc vừa phải gật gù tâm đắc. Ra cái không gian bếp quan trọng và thiết yếu cho một gia đình, một tổ ấm đến thế! Đọc Lê Thiết Cương kể về những cái bếp ở khu tập thể thời bao cấp, tôi như ngửi thấy mùi khét hắc vô cùng khó chịu của cái bếp dầu mỗi khi đun xong tắt bếp. Thật sự khó tả.

Song ấn tượng mạnh là chi tiết nhạc sĩ Đặng Đình Hưng xin tác giả bát canh dưa, chỉ để đem về ngửi mùi gia đình. Ôi, người nghệ sĩ cô đơn biết bao! Sống một mình mấy ai cần bếp, mấy ai đỏ lửa hàng ngày. Cái mùi thức ăn thường nhật tỏa ra từ bếp mỗi nhà thành ra nỗi hoài niệm xót xa.

Như mọi nghệ sĩ lãng tử của đất Hà thành, Lê Thiết Cương không thể thiếu bạn tâm giao. Đầy ắp trong cuốn sách này là hình ảnh những người bạn của ông. Có những người tôi cũng biết như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thụy Kha. Có những người tôi chỉ nghe danh lừng lẫy mà chưa hề gặp mặt như nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, điêu khắc gia Khúc Thanh Bình, họa sĩ Trịnh Tú, họa sĩ Vũ Tân Dân, tay chơi đồ cổ Quách Đông Phương, nhà thơ Đào Trọng Khánh, chủ nhà hàng Liên Trần bên mãi Paris xa xôi… Lại có những nhân vật thực mà tác giả vì một điều gì đó, chỉ ký hiệu bằng những chữ cái H, Q, N… nhưng dưới con chữ của ông vẫn hiện lên hầu như đầy đủ hình hài, tính cách, số phận một con người.

Đây là cuốn sách ở dạng “phi hư cấu- nonfiction”, được viết bằng văn phong “tối giản” của một tay họa sĩ cũng lừng danh theo trường phái hội họa “tối giản”: văn hầu như không sử dụng uyển ngữ, tu từ hay các thủ pháp chữ nghĩa mà cánh viết lách “điêu luyện” hay dùng. Lê Thiết Cương viết cứ như thủ thỉ nói, từ tốn kể cho độc giả về những điều ông thấy và cảm nhận được.

Một tác phẩm mà ngay từ khi đọc trang đầu cho đến khi gấp lại, tôi đã cảm nhận được sự đồng điệu của tâm hồn Lê Thiết Cương trong cả văn và họa: đó là sự hài hòa trong tối giản. Nhưng điều đặc biệt là nó mang lại cho người thưởng thức một niềm mỹ cảm lớn lao!

Với tư cách là một nhà văn, khi đọc cuốn sách này, ngoài sự cảm thụ văn chương thuần túy, tôi còn âm thầm tự nạp thêm kiến thức về khá nhiều lĩnh vực mà mình vốn rất lơ mơ: phong thủy, hội họa, kiến trúc, thiết kế nội thất, văn hóa phố - làng, phong tục tập quán các nơi. Xin cám ơn tác giả Lê Thiết Cương về một cuốn sách hay và trân trọng giới thiệu với tất cả bạn đọc!

Nhà văn Trần Thanh Cảnh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/le-thiet-cuong-su-hai-hoa-cua-van-va-hoa-2324352.html