Lễ Thượng cờ 'Thống nhất non sông' tại đầu cầu Hiền Lương
Ngày 30-4, tại Khu Di tích đặc biệt quốc gia Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ Thượng cờ 'Thống nhất non sông' nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2017) và 45 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị (1-5-1972 - 1-5-2017).
Ðến dự, có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Ðức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Trị; các tướng lĩnh và cựu chiến binh tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị năm xưa cùng đông đảo người dân địa phương.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ mở ra một giai đoạn mới trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tháng 7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của cả dân tộc. Với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, phá hoại nền độc lập của dân tộc ta, thế lực cầm quyền hiếu chiến Mỹ đã xóa bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, đưa quân xâm lược miền nam, biến miền nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền bắc Việt Nam. Bến Hải, con sông hiền hòa, thơ mộng trở thành dòng sông chia cắt.
Tỉnh Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền bắc xã hội chủ nghĩa và là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền nam; cũng là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất giữa ta và địch. Với quyết tâm "một tấc không đi, một ly không rời", lá cờ Tổ quốc ở phía bắc cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, anh dũng bám trụ của quân và dân ta để làm nên chiến thắng cuối cùng. Chiến thắng ngày 1-5-1972 giải phóng tỉnh Quảng Trị là mốc son chói lọi làm rạng rỡ thêm trang sử vẻ vang của dân tộc, là kỳ tích thiêng liêng, bền vững trong ký ức của quân và dân ta.
Lễ Thượng cờ được tổ chức trang nghiêm tại Kỳ đài lịch sử mà suốt 20 năm, quân và dân cả nước đã bảo vệ lá cờ như bảo vệ chính trái tim Tổ quốc. Trong không khí trang nghiêm và nền quốc thiều, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ Hiền Lương mở đầu cho các hoạt động văn hóa - thể dục, thể thao chào mừng Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước và Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị. Sau lễ Thượng cờ, tại Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội đua thuyền truyền thống "Thống nhất non sông" trên dòng sông Bến Hải.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đến dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Ðường 9, Ðài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị để tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
* Tối 30-4, kỷ niệm 45 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị, tại Khu Di tích đặc biệt quốc gia Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị), Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật "Quảng Trị - Ký ức những dòng sông". Ðến dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Ðức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Trị; các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và cựu chiến binh tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị năm xưa cùng đông đảo người dân địa phương.
Chủ tịch nước Trần Ðại Quang gửi lẵng hoa chúc mừng.
Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Nhân Dân và được sáu Ðài Phát thanh và Truyền hình địa phương tiếp sóng.
Phát biểu ý kiến tại buổi giao lưu, đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh: Ngày 1-5-1972, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở miền nam được giải phóng, làm nức lòng quân dân cả nước. Chiến thắng Quảng Trị như hồi kèn xung trận, thôi thúc những cuộc tiến công chiến lược trên khắp miền nam, khích lệ toàn quân, toàn dân ta xốc tới "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Cùng với quân và dân cả nước, nhân dân Quảng Trị đã không tiếc máu xương, tô thắm truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, thỏa nguyện khát vọng thống nhất non sông, giang sơn nối liền một dải.
45 năm sau ngày giải phóng, những người con của mảnh đất Quảng Trị đã phát huy truyền thống bất khuất, kiên cường trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động để chung sức chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp, cuộc sống ngày càng ấm no. Từ một tỉnh nghèo khó, Quảng Trị đã thay da đổi thịt, sánh vai với các tỉnh bạn trong khu vực, đạt những thành tựu đáng ghi nhận trên tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng…
Ðồng chí Thuận Hữu nêu rõ: Ðây là dịp để chúng ta bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh - các anh hùng liệt sĩ, các cựu chiến binh, các thương, bệnh binh, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Tất cả những hy sinh lớn lao và thầm lặng, không thể nào kể xiết, chúng ta mãi mãi tự hào, ghi nhớ và bằng mọi cách để đền đáp.
Chương trình giao lưu nghệ thuật "Quảng Trị - Ký ức những dòng sông" được dàn dựng dựa trên ý tưởng chủ đạo là câu chuyện về quá khứ gắn liền hai con sông lịch sử trên mảnh đất Quảng Trị: sông Bến Hải và sông Thạch Hãn, nỗi đau chia cắt hai bờ nam - bắc với những bến đò lưu giữ ký ức bi tráng, hào hùng của một thời lửa đạn và ý nghĩa hòa hợp dân tộc trong Ngày hội thống nhất non sông. Những ký ức và nhiều câu chuyện chưa được kể, nhiều nhân vật chưa được biết đến, tạo nên những bất ngờ xúc động trong chương trình về sự hy sinh mất mát và sức mạnh của dân tộc...
Trong đêm giao lưu nghệ thuật, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Trị và người dân địa phương thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972.
Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao 800 triệu đồng cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh, để xây 10 nhà tình nghĩa tặng đồng bào Quảng Trị.
* Tối 30-4, tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt chủ đề "Khúc ca khải hoàn".
Tại chương trình, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, sau 42 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, thành phố mang tên Bác đã đạt những thành tựu trong các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội, giáo dục… là đầu tàu phát triển của cả nước. Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục phát huy, xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh nghĩa tình, phát triển, hội nhập thế giới.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật quy tụ hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, với nhiều tiết mục ca múa nhạc truyền thống đặc sắc, như "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn", "Lời anh vọng mãi ngàn năm", "Tự nguyện", "Bão nổi lên rồi"… tái hiện chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc.
* Tối 29-4, tại Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng ở TP Ðiện Biên Phủ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðiện Biên tổ chức chương trình nghệ thuật "Tổ quốc trong tim", chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước; hướng đến kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.
Chương trình thu hút sự tham gia của hơn 50 diễn viên, ca sĩ đến từ Ðoàn Nghệ thuật Hoa Ban Trắng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh Ðiện Biên, với 13 tiết mục, 17 ca khúc được dàn dựng công phu, chủ đề ca ngợi Ðảng, ca ngợi Bác Hồ; niềm vui ngày hội thống nhất non sông; ca ngợi Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.