Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT qua các năm tại Việt Nam
Từ năm 2005, Liên hợp quốc chọn ngày Chủ nhật tuần thứ 3 của tháng 11 hàng năm để tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT.
Việt Nam hưởng ứng các hoạt động này từ năm 2012. Năm nay Lễ Tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức từ 7h30 - 8h30 ngày 17/11 (Chủ nhật) trên đường Lê Duẩn (đoạn từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến đường Pasteur), quận 1, TP.HCM.
Năm 2012: Tiếng gọi “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” lay động lòng người
Một bé gái chừng 4 tuổi, ôm di ảnh mẹ, vừa đi vừa gọi tìm “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”, nhưng mẹ cháu đã mất vì TNGT trên đường đi làm về. Đây là hình ảnh trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT được Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức tại Cung Thể thao Quần Ngựa vào tối 19/11/2012. Đây cũng là lần đầu tiên lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT được tổ chức tại Việt Nam.
Phát biểu trong buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia (nay là Thủ tướng Chính phủ) kêu gọi mọi người cùng nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Phó Thủ tướng cho rằng, tất cả chúng ta đều biết về những hậu quả khủng khiếp của TNGT gây ra, mất mát về con người không gì bù đắp được, do vậy mỗi người Việt Nam cần phải nhận thức nghiêm túc về tác hại khôn lường của TNGT đối với quá trình phát triển chung của đất nước, cũng như đối với cuộc sống của mọi người dân, mọi gia đình.
Năm 2013: Bàng hoàng bên dòng Sêrêpốk và biển Cần Giờ
“Lễ tượng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT” được tổ chức vào tối 16/11 tại Chùa Bái Đính (Ninh Bình). Đây là lần thứ hai Việt Nam tổ chức tưởng niệm các nạn nhân TNGT như một hành động chung tay sẻ chia cảm thông của cộng đồng đối với nỗi đau mất mát của nạn nhân và gia đình nạn nhân TNGT.
Với hình thức sân khấu hóa, đan xen biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, ánh sáng, hoạt cảnh… mục đích cảnh báo về nguyên nhân, hậu quả và nỗi đau mất mát do TNGT gây ra được chuyển đến người xem không quá nặng nề, ám ảnh nhưng đầy giá trị nhân văn, ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Đặc biệt, chương trình tái hiện lại hai vụ tai nạn thảm khốc: Vụ tai nạn xe khách bị nạn rơi xuống đầu cầu sông Sêrêpốk (Đắk Lắk) khiến 40 người chết và vụ tai nạn ở vùng biển Cần Giờ khiến 9 người chết, kết hợp với những lời dẫn đầy triết lý sâu xa, như một điểm nhấn, khắc sâu vào lòng mỗi người dân để khi tham gia giao thông có trách nhiệm, ý thức hơn.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) nhấn mạnh, mỗi người Việt Nam phải nhận thức nghiêm túc về hậu quả của TNGT đến toàn bộ tiến trình vươn lên của toàn dân tộc, sự phát triển lành mạnh của giống nòi, hạnh phúc bình an của mỗi gia đình.
Năm 2014: Thông điệp ý nghĩa, lan tỏa nhân văn
Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT được Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức vào tối 16/11. Nhiều hình ảnh, câu chuyện có thật được tái hiện, trong đó có sự xuất hiện của nạn nhân trong vụ tai nạn thảm khốc tại Sa Pa.
Tại lễ tưởng niệm, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) kêu gọi mọi người có trách nhiệm hơn với chính mình và xã hội khi tham gia giao thông: “Hãy vì niềm thương xót những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống. Vì sự phát triển chung của đất nước, vì tương lai của con em chúng ta, vì mạng sống của mỗi cá nhân, các cơ quan tổ chức, các doanh nghiệp ở trung ương và địa phương cùng đồng chí, đồng bào hãy làm những gì có thể để giao thông ở nước ta ngày càng văn minh hơn, an toàn hơn.
Năm 2015: Thể hiện niềm xót thương bằng hành động
Mỗi chúng ta hãy thể hiện niềm xót thương với những nạn nhân tử vong do TNGT bằng những hành động cụ thể: Tự giác tuân thủ quy định pháp luật về ATGT, tôn trọng và nhường nhịn những người trên đường, bảo vệ những cây cầu, con đường khỏi sự phá hoại của xe quá tải… Đây là lời kêu gọi của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia (nay là Thủ tướng Chính phủ) tại lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2015, do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức tối 15/11/2015.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn thể nhân dân cùng tưởng nhớ đến những đồng bào không may qua đời vì TNGT, cùng góp phần chia sẻ những tổn thất, xoa dịu những nỗi đau của các nạn nhân và thân nhân của họ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cùng nhau làm tốt những hành động tự giác tuân thủ quy định pháp luật về ATGT, tôn trọng và nhường nhịn những người trên đường, chính là cách thể hiện chân thành nhất của tình cảm, của sự tiếc thương mà mỗi người dành cho những nạn nhân xấu số, để xây dựng môi trường giao thông an toàn ở Việt Nam.
Năm 2016: Thức tỉnh người ngồi sau tay lái
Lễ tưởng niệm được thể hiện qua hình thức sân khấu hóa các câu chuyện nhân văn có thật, nhằm truyền tải thông điệp mạnh mẽ về lời cảnh tỉnh tới những người ngồi sau tay lái hôm nay và mai sau cần có ý thức hơn nữa để không gây ra những tai nạn thương tâm, những mất mát cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình nhấn mạnh về những di chứng thương đau của TNGT là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong kí ức của mỗi người thân, bạn bè người bị nạn, cũng như những người trực tiếp chứng kiến TNGT, chứng kiến ánh mắt tuyệt vọng của trẻ thơ khi phải chia lìa cha, mẹ hay hình ảnh những người bố, người mẹ tiễn đưa con mình về nơi chín suối.
Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan, đơn vị hãy vì niềm thương xót những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống! Hãy vì những mầm non, chủ nhân tương lai của đất nước, mỗi người cần phải làm nhiều hơn nữa với quyết tâm sắt đá và khát vọng khôn nguôi về một xã hội yên bình, không còn nỗi đau do TNGT.
Năm 2017: Trân quý hơn sự sống thiêng liêng
Lễ tưởng niệm được tổ chức tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai vào ngày 19/11 một lần nữa gửi đi thông điệp tưởng nhớ người đã mất, cảm nhận rõ ràng hơn hậu quả của TNGT gây ra, để mỗi người trong chúng ta trân quý hơn sự sống thiêng liêng, từ đó biến nhận thức thành hành động cụ thể để chung tay đẩy lùi TNGT.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, mỗi chúng ta hãy thể hiện niềm xót thương với những nạn nhân tử vong do TNGT bằng những hành động cụ thể: Tuân thủ quy định pháp luật về ATGT, tôn trọng và nhường nhịn những người cùng tham gia giao thông trên đường, không lái xe quá tốc độ, đã uống rượu bia không lái xe…
Năm 2018: Mỗi người lớn là tấm gương về văn hóa giao thông cho con trẻ
Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2018 với chủ đề “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” được tổ chức tại Hải Dương.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình kêu gọi, nhắn nhủ người dân tuyệt đối chấp hành luật giao thông; luôn nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông; mỗi người lớn phải là tấm gương về văn hóa giao thông và có nghĩa vụ bảo vệ an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông để những tai nạn thương tâm không còn xảy ra, để mỗi ngày khi đi trên đường không còn nỗi lo sợ, phấp phỏng vì TNGT.
Hơn 1.200 người tham gia Lễ Tưởng niệm các nạn nhân TNGT
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM cho biết, năm nay Lễ Tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với UBND TP HCM tổ chức từ 7h30 - 8h30 ngày 17/11 (Chủ nhật) trên đường Lê Duẩn (đoạn từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến đường Pasteur), quận 1, TP HCM với sự tham gia của khoảng 150 đại biểu gồm: Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia; lãnh đạo một số Ban Trung ương Đảng, Ủy ban của Quốc hội và khoảng hơn 1.000 người được huy động từ các cấp ngành…
Hình thức trang trí lễ tưởng niệm chú trọng 2 màu đen và trắng. Đại biểu, khách mời và người dân tham dự cũng phải chú ý đến trang phục nghiêm trang, với 2 sắc màu đen, trắng chủ đạo.
Trong buổi lễ, 1.000 bông hoa trắng sẽ được các đại biểu dâng lên tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT. Buổi lễ sẽ có 3 màn hình Led lớn đặt 3 vị trí để chiếu các phóng sự về TNGT, truyền hình trực tiếp về buổi lễ. Ban tổ chức cũng chuẩn bị 3 tiết mục văn nghệ có chủ đề về ATGT, khát vọng sống, có ý nghĩa nhịp điệu sâu lắng, truyền tải được thông điệp “Tường nhớ người đi - Vì người ở lại”.
Sau buổi lễ, các đoàn xe sẽ diễu hành, tuyên truyền các khẩu hiệu về ATGT trên nhiều tuyến phố.