Lễ Vu Lan mùa của tình thương!
Lễ Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng tình mẫu tử, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn.
353
Ngọc Huyền - Miền Bắc
Lễ Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng tình mẫu tử, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn.
Tác giả: Võ Đào Phương Trâm
Việt Nam ta là đất nước có truyền thống tôn sư trọng đạo, nhân lễ nghĩa và thờ kính cha mẹ từ ngàn xưa. Lễ Vu Lan được xem là ngày Lễ thiêng liêng của những người con đối với bậc sinh thành, đây là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo, xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu Mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.
Lễ Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng tình mẫu tử, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn. Lễ Vu Lan tiếng Anh là “Parents’ Day” hoặc “Yulan Festival”, diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm, trùng với Tết Trung nguyên và ngày lễ Xá tội vong nhân. Đây là ngày lễ quan trọng của Phật giáo (Đại thừa Bắc tông) và trong phong tục, văn hóa Á Đông. Lễ Vu Lan 2023 năm nay rơi vào Thứ Tư, ngày 30 tháng 8 Dương lịch.
Theo Kinh Vu Lan Bồn, Lễ Vu Lan phát xuất từ thời đức Phật; Ngài đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục Kiền Liên, một trong 10 vị đệ tử xuất chúng của đức Phật.
Với ý nghĩa giải thoát, cúng giỗ vong hồn, Lễ Vu Lan còn được xem là ngày cầu siêu cho vong linh trong tín ngưỡng dân gian. Cho nên nhân mùa Lễ này, một số gia đình sẽ đến Chùa cầu nguyện cho người đã khuất.
Ngày Lễ Vu Lan để mỗi người con nhớ đến sự hy sinh, tình thương bao la và công ơn của cha mẹ, trong ngày này, khi đến Chùa, người ta sẽ được cài hoa hồng đỏ khi còn Mẹ, hoa hồng trắng cho người không còn Mẹ, đó như một lời nhắc nhở mỗi người con phải biết tôn kính, quý trọng và yêu thương cha mẹ trong những ngày Người còn hiện hữu trên đời cũng như khi cha mẹ đã không còn ở bên ta nữa.
Xã hội ngày nay, người ta thường chạy theo guồng quay của cơm áo gạo tiền và bị cuốn theo vật chất thái quá mà quên rằng ở nhà còn có bậc sinh thành luôn mong ngóng, chờ đợi, tiếc thay nhiều người lại dành rất ít thời gian để ở bên cha mẹ, đến khi trở về thì cha mẹ đã già yếu hoặc không còn. Cũng có người vì bận việc làm ăn, vì gia đình riêng mà đem gửi cha mẹ vào Viện dưỡng lão và ít có sự quan tâm, để những ngày cuối đời cha mẹ phải sống cô quạnh, buồn tủi không có người thân bên cạnh. Tôi vẫn nhớ câu nói của một bạn trẻ “thành công mà không có Mẹ thì cũng không có vui”, điều này như một như lời nhắc nhở nếu chúng ta có chạy theo bao nhiêu hào nhoáng cho đến khi đã có trong tay mọi thứ nhưng người thương yêu nhất không còn thì mọi thứ chúng ta tạo ra cũng trở nên vô nghĩa.
Dù chúng ta có làm bao nhiêu điều phước báu đi nữa nhưng nếu không báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ thì mọi phước báu ngoài kia cũng không thể trọn vẹn bởi cha mẹ cũng chính là “Phật ở trong nhà”, thờ Cha kính Mẹ luôn là phước báu mà trong nhà Phật luôn nhắc nhở, đề cao. Lòng hiếu đạo mà chúng ta dành cho cha mẹ từ sự quan tâm chăm sóc và hiếu thuận chính là đạo hạnh quan trọng của mỗi con người. Tiền tài con người có thể làm ra nhiều nhưng không ai có thể mua lại được tuổi thanh xuân, sức khỏe của cha mẹ, con người dù giàu có, chức cao vọng trọng bao nhiêu cũng không thể mang những thứ đó để tìm được một người Cha, người Mẹ thứ hai. Bởi thế cho nên, hạnh phúc lớn nhất trong đời mỗi người, không phải là ta giàu bao nhiêu, ta thành đạt bao nhiêu mà là ta vẫn còn cha mẹ ở bên cạnh.
Dẫu bao nhiêu năm qua đi, dẫu mỗi người có lớn lên bao nhiêu tuổi thì trong mắt cha mẹ, ta vẫn là những đứa trẻ nhỏ luôn cần sự quan tâm, lo lắng của đấng sinh thành, bởi khi chúng ta đi đâu, cha mẹ cũng mong ngóng chúng ta về, cũng lo sức khỏe của chúng ta, lo chúng ta có an toàn ngoài xã hội hay không, và câu chuyện mỗi năm những người con tha hương, xa quê trở về trong đáy mắt rưng rưng của cha mẹ là minh chứng thiêng liêng nhất cho tình mẫu tử.
Hãy luôn yêu thương cha mẹ khi còn có thể bởi không ai yêu thương ta vô điều kiện, sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho ta ngoài cha mẹ của ta, nhưng tiếc rằng những gì chúng ta dành cho cha mẹ thường chỉ là một phần thật nhỏ so với những gì ta đã được nhận. Hãy trân quý những ngày còn được nghe tiếng cười nói, trách giận, những lời thăm hỏi, nhắc nhở ngọt bùi, hãy nâng niu gìn giữ những tháng ngày ta còn được thấy bóng dáng cha mẹ trong căn nhà quen thuộc bởi thời gian sẽ không chờ đợi một ai, cuộc đời mỗi người ngày một ngắn lại, cũng không ai tránh khỏi quy luật sinh tử vô thường. Hãy thương yêu cha mẹ bằng tất cả những gì có thể để một ngày nào đó, ta không phải hối hận vì đã lãng quên cha mẹ, không phải dằn vặt lòng mình vì đã phí phạm khoảng thời gian đếm ngược để được ở cạnh bên người thương yêu ta nhất!
Mùa Vu Lan về! Mong những người con hãy làm những điều tốt đạo đẹp đời, hãy dành thời gian nghĩ về cha mẹ như cách để tri ân và thương nhớ đến bậc sinh thành, dù Người còn ở bên ta hay đã xa ta về miền mây trắng!
Tác giả: Võ Đào Phương Trâm
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/le-vu-lan-mua-cua-tinh-thuong.html