Lebanon: Lạm phát tăng vọt biến dầu ô liu thành vật phẩm xa xỉ

Lạm phát leo thang và sự thống trị của đồng đô la Mỹ khiến những người dân nghèo Lebanon buộc phải chia tay với những món ăn truyền thống. Một trong số đó phải kể đến dầu ô liu.

Imad Waresbi, cư dân 43 tuổi của Tripol, miền Bắc Lebanon, người làm công việc sản xuất và buôn bán dầu ô liu để kiếm sống. Mỗi lít dầu ô liu bán buôn, ông sẽ thu được 5 đô la (4,50 euro).

“Đây là một mức giá khá hợp lý cho sản phẩm này”, ông Imad Waresbi nói.

Tuy nhiên, tại các cửa hàng bán dầu ô liu ở quốc gia Trung Đông, mỗi lít dầu ô liu sẽ được bán với giá khoảng 10 đô la hoặc thậm chí hơn, ông nói với DW.

 Giá dầu ô liu đắt đỏ khiến nhiều người dân Lebanon chuyển sang sử dụng dầu ăn giá rẻ. Ảnh: DW.

Giá dầu ô liu đắt đỏ khiến nhiều người dân Lebanon chuyển sang sử dụng dầu ăn giá rẻ. Ảnh: DW.

Lebanon có một lịch sử phong phú về cả sản xuất và tiêu thụ dầu ô liu. Đây không chỉ là một thành phần quan trọng trong nhiều món ăn truyền thống của đất nước, chẳng hạn như Tabbouleh, Fattoush và Mujadara Hamra, mà bản thân cây ô liu đã ăn sâu vào văn hóa của người dân xứ này.

Hơn nữa, là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, dầu ô liu là một trong số ít mặt hàng mà Lebanon có thể xuất khẩu.

Người trồng ô liu điêu đứng

Cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở Lebanon, bao gồm cả những khó khăn về tiền tệ khiến đồng đôla Mỹ trở thành phương tiện thanh toán hợp pháp được ưa chuộng, điều này đã đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói.

Waresbi cho biết mặc dù bán dầu ô liu cho hàng chục khách hàng nhưng ông chỉ kiếm được khoảng 500 USD mỗi tháng. Với chi phí sinh hoạt ở Lebanon ngày càng tăng, đôi khi tiểu thương 43 tuổi này phải vật lộn để mua dầu ô liu, thậm chí buộc phải sử dụng dầu ăn rẻ hơn để thay thế.

"Số tiền tôi kiếm được không đủ vì tôi phải trả các hóa đơn, tiền thuê nhà, thức ăn và các chi phí khác", ông nói.

Các số liệu lạm phát mới nhất do Cục Thống kê Trung ương Lebanon công bố cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm đối với thực phẩm và đồ uống không cồn đã vượt quá 350%. Vào tháng 3, tỷ lệ này đã tăng 264% trong năm, bất chấp quyết định chính thức vào tháng 2 là phá giá 90% đồng bảng Lebanon.

 Khủng hoảng kinh tế bào mòn túi tiền của người dân. Ảnh: DW.

Khủng hoảng kinh tế bào mòn túi tiền của người dân. Ảnh: DW.

Tỷ giá hối đoái chính thức hiện trả 15.000 bảng Lebanon cho một đô la Mỹ - cao hơn đáng kể so với tỷ giá trước đó chỉ hơn 1.500. Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái thị trường song song hiện ở mức khoảng 96.000 bảng Lebanon tại ngày 8/5.

Các thị trường bán lẻ ở quốc gia này bán dầu ô-liu với giá từ 7 USD đến 11 USD/lít, hoặc thậm chí cao hơn, tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm.

Con số này tương đương với từ 672.000 đến 1.056.000 bảng Lebanon, vượt xa khả năng của nhiều người với mức lương tối thiểu quốc gia cho nhân viên tư nhân là 9 triệu bảng Lebanon mỗi tháng - tương đương khoảng 93 đôla hoặc 84 euro.

Những người không có khả năng mua dầu ô liu trong các cửa hàng sử dụng dầu ăn khác, chẳng hạn như dầu hướng dương, hoặc mua dầu ô liu ở chợ đầu mối.

Giá dầu ô liu bán buôn dao động từ 65 đôla đến hơn 100 đôla cho mỗi hộp 16 kg (35 pound).

Mặc dù giá dầu ô liu tăng lên, người dân tại quốc gia Trung Đông này vẫn không từ bỏ sự gắn bó lịch sử của họ với nó. Dù gặp bao thử thách, họ vẫn tiếp tục tự hào về sự xuất sắc của các nguyên liệu truyền thống của đất nước.

Gian nan ngành công nghiệp dầu ô liu

Trong thời điểm khủng hoảng kinh tế leo thang, nhiều doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn trong vấn đề kinh doanh, xuất khẩu dầu ô liu, mà còn phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến sản xuất.

 Dầu ô liu của Lebanon là một trong những loại tốt nhất trên thế giới. Ảnh: DW.

Dầu ô liu của Lebanon là một trong những loại tốt nhất trên thế giới. Ảnh: DW.

Kể từ khi Chính phủ nước này dỡ bỏ trợ cấp và khan hiếm nguồn cung chai thủy tinh, ngành công nghiệp dầu ô liu lại càng trở nên khó khăn.

Một trong những doanh nghiệp đó phải kể đến công ty của bà Bechara. Chia sẻ với DW, bà chưa biết phải vật lộn để tìm lực lượng lao động có trình độ trong làng, vì nhiều người đã rời khỏi đất nước hoặc ít quan tâm đến nông nghiệp.

Một vấn đề khác là tình trạng cắt điện thường xuyên. “Tình trạng thiếu điện khiến tôi thất vọng vì người dân trong làng không đủ tiền mua máy phát điện hoạt động 24/24 và chúng tôi phải phân bổ công việc theo nguồn điện sẵn có, tập trung vào tổ chức hơn là chất lượng sản phẩm,” nữ giám đốc doanh nghiệp nói.

Bechara cho biết lý do chính khiến giá dầu ô liu ở Lebanon tăng cao hơn là do lạm phát tăng vọt, cả trong nước và quốc tế. Đồng thời, bà cảnh báo không nên sử dụng các loại dầu hạt rẻ tiền để nấu ăn vì "nó đã được tinh chế trong quá trình chế biến và giết chết tất cả các chất dinh dưỡng".

"Nếu bạn muốn chăm sóc vùng đất của mình, bạn phải tính đến việc giá phân bón và nhiên liệu đã tăng lên. Điều đó xảy ra đồng thời khi sức mua của người dân Lebanon giảm. Vì vậy, nếu mọi người từng mua ba hoặc bốn hộp ô liu dầu mỗi năm, bây giờ họ hầu như không đủ tiền mua một chai, số lượng không đủ cho một gia đình," bà nói.

Khánh Vy (Theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lebanon-lam-phat-tang-vot-bien-dau-o-liu-thanh-vat-pham-xa-xi-post246967.html