Lebanon nỗ lực khôi phục nền kinh tế

Chính phủ Lebanon nỗ lực đưa ra một kế hoạch giải cứu nền kinh tế đang chìm sâu vào khủng hoảng. Quốc gia này cũng đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một sự hỗ trợ kỹ thuật của thể chế tài chính đối với quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, với những khó khăn chồng chất mà Lebanon phải đối mặt hiện nay, một thỏa thuận giữa Beirut và IMF nhằm có được khoản tài chính giúp Lebanon vượt qua khủng hoảng cũng được đề cập như một lựa chọn.

Thủ tướng Lebanon H.Diab làm việc với phái đoàn IMF tại Beirut. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Lebanon H.Diab làm việc với phái đoàn IMF tại Beirut. Ảnh: Reuters

Chính phủ Lebanon nỗ lực đưa ra một kế hoạch giải cứu nền kinh tế đang chìm sâu vào khủng hoảng. Quốc gia này cũng đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một sự hỗ trợ kỹ thuật của thể chế tài chính đối với quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, với những khó khăn chồng chất mà Lebanon phải đối mặt hiện nay, một thỏa thuận giữa Beirut và IMF nhằm có được khoản tài chính giúp Lebanon vượt qua khủng hoảng cũng được đề cập như một lựa chọn.

Lebanon lâm vào khủng hoảng kinh tế và tài chính nghiêm trọng, với nợ công hơn 86 tỷ USD. Theo ước tính của IMF, nợ công của Lebanon chiếm khoảng 155% GDP vào cuối năm 2019 và là một trong những gánh nặng nợ lớn nhất trên thế giới. Những tháng qua, nước này trong tình trạng khan hiếm đồng USD do suy thoái kinh tế và sụt giảm nguồn tiền mặt do kiều hối giảm, làm giảm dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương. Các ngân hàng ở nước này phải áp đặt hạn mức rút tiền tiết kiệm, gây lo ngại cho người gửi. Hiện Lebanon đứng bên bờ vực vỡ nợ, trong khi kỳ thanh toán 1,2 tỷ USD trái phiếu châu Âu đáo hạn trong tháng 3.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Trung ương Lebanon, cuộc khủng hoảng đối với niềm tin của người gửi tiết kiệm là do tác động thị trường sau các vụ tiến công nhằm vào hai cơ sở lọc dầu thuộc Công ty Aramco của A-rập Xê-út vào tháng 9 năm ngoái, cũng như do các biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ đối với ngân hàng Jammal Trust Bank tại Lebanon và việc máy bay không người lái của Israel tiến công khu vực ngoại ô phía nam thủ đô Beirut. Các ngân hàng đã nhận được yêu cầu tăng vốn tổng cộng bốn tỷ USD vào tháng 6 tới mà không chia cổ tức cho cổ đông để bảo đảm đạt tổng vốn 5,5 tỷ USD. Nếu tình hình chính trị trong nước ổn định, ngành ngân hàng sẽ ngừng áp đặt hạn mức rút tiền và cho phép tất cả khách hàng chuyển tiền đến các quốc gia khác theo lộ trình mà Ngân hàng Trung ương Lebanon đã hoạch định.

Sau thời gian lâm vào bế tắc chính trị, Chính phủ mới ở Lebanon do Thủ tướng H.Diab thành lập đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Yếu tố quyết định thắng lợi của Chính phủ được cho là kế hoạch giải cứu tài chính, trong đó ưu tiên duy trì nguồn ngoại tệ cần thiết để nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu. Tân Thủ tướng Lebanon cam kết, Chính phủ sẽ nỗ lực để đáp ứng những yêu cầu của phong trào biểu tình kéo dài suốt nhiều tháng qua đòi cải cách mạnh mẽ, qua đó quyết tâm đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Nhằm giúp nền kinh tế Lebanon vượt qua “cơn bĩ cực”, IMF đã cam kết huy động hơn 11 tỷ USD hỗ trợ với điều kiện Lebanon đẩy nhanh các biện pháp cải cách kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ở Lebanon cho rằng, các yêu cầu cải cách của IMF không phù hợp cho tình hình trong nước. Lebanon chỉ đề nghị IMF tư vấn về kế hoạch kinh tế. Theo người phát ngôn IMF G.Rice, nhà chức trách Lebanon đã đề nghị IMF hỗ trợ “tư vấn và chuyên môn kỹ thuật đối với những thách thức kinh tế vĩ mô mà nước này đang phải đối mặt”. Tuyên bố của IMF không đề cập hỗ trợ tài chính đối với Lebanon. Thực tế, một phần nhiệm vụ của IMF là tư vấn cho các nước thành viên về những chính sách và cải cách nhằm khôi phục sự ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, việc vay nợ là do nhà chức trách các nước quyết định với sự tham vấn từ các cố vấn tài chính và pháp lý của họ. Trong bối cảnh hiện nay, khi lạm phát của Lebanon đã lên tới 30%, đồng bảng nước này mất giá tới 40% và số người thất nghiệp tăng lên mỗi ngày, các nhà phân tích cho rằng, chỉ một thỏa thuận với IMF nhằm giải ngân hàng chục tỷ USD mà Lebanon đang cần mới là giải pháp phù hợp.

THANH HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43691802-li-bang-no-luc-khoi-phuc-nen-kinh-te.html