Lệch chuẩn chương trình chất lượng cao - Bài 3: Kiểm soát để phát triển đúng hướng

Chương trình chất lượng cao (CLC) hiện nay dường như chưa được kiểm soát và giám sát chặt chẽ để đảm bảo đúng như tên gọi. Bộ GD-ĐT cần phải hậu kiểm, siết chặt các tiêu chí đầu ra. Đặc biệt, khâu kiểm định chương trình này phải được xem như là điều kiện tiên quyết để được tuyển sinh, đào tạo.

Chưa đồng thuận về quan điểm

Mới đây, tại hội nghị tuyển sinh năm 2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức, giữa Vụ Giáo dục đại học (ĐH) và đại diện các trường đã tranh luận quyết liệt về chương trình CLC.

Ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho rằng: “Tôi cũng làm tuyển sinh nhiều năm, thực tế chương trình CLC hiện nay có những nghịch lý. Không thể gọi là CLC mà là chương trình dịch vụ cao, vì rớt chương trình đại trà thì lại vào chương trình CLC. Theo tôi, các trường hãy thông báo là chương trình có dịch vụ CLC để tuyển sinh. Do đó, năm 2020, chúng tôi điều chỉnh điểm đầu vào của chương trình CLC ít nhất cũng phải từ bằng hoặc cao hơn chương trình đại trà thì mới hợp lý”.

Ngay lập tức, các trường đã đưa ra quan điểm về vấn đề này. Đại diện nhiều trường cho rằng, quy định điểm trúng tuyển chương trình CLC phải bằng hoặc cao hơn chương trình đại trà là không hợp lý. Bộ chỉ cần quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) chương trình CLC, không nên quy định điểm chuẩn. Bởi lẽ điểm chuẩn cao hay thấp còn tùy vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển. Đây là thực tế và quy luật tuyển sinh lâu nay.

Sinh viên hệ chất lượng cao Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) trong giờ học

Sinh viên hệ chất lượng cao Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) trong giờ học

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng: Chương trình CLC thực chất là các chương trình dịch vụ CLC. Đề ra tiêu chí điểm chuẩn vào chương trình CLC phải cao hơn hệ đại trà là sai lầm. Thực tế, với điều kiện đảm bảo CLC như: máy lạnh, giảng viên giỏi, chương trình đào tạo nước ngoài, dạy bằng tiếng Anh, sĩ số lớp ít..., cho dù điểm đầu vào thấp hơn thì sau 4 năm, số sinh viên ra trường của chương trình này sẽ có chất lượng tốt hơn sinh viên chương trình bình thường.

“Nếu tính đúng, tính đủ, một sinh viên học ngành kỹ thuật phải đóng học phí khoảng 50 triệu đồng/năm mới đảm bảo chất lượng được. Trong điều kiện đất nước đang phân tầng, có người giàu, người nghèo, thì phải giữ được hệ đại trà, hệ CLC. Đại trà dành cho người nghèo, có thu nhập trung bình. Còn con nhà giàu, cần học điều kiện tốt hơn thì hãy để họ bỏ đồng tiền học CLC. Ở một chừng mực nào đó, tôi lấy tiền của người giàu, mua sắm thiết bị, con nhà nghèo được hưởng, chất lượng nâng cao lên. Các trường công lập ở phía Nam đều đồng ý với tôi rằng, những năm qua để đầu tư cho sinh viên hưởng lợi là nhờ các chương trình dịch vụ CLC như vậy”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng dẫn chứng thực tế.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, dù chưa rõ ràng về tên gọi cũng như chất lượng thật sự, nhưng việc các trường ĐH công lạm dụng (tuyển nhiều chỉ tiêu hệ CLC) đã làm ảnh hưởng đến cơ hội của thí sinh muốn học hệ đại trà. Bởi lẽ, chỉ tiêu hệ CLC được tính trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho tất cả các hệ. Do đó, nếu chỉ tiêu CLC tăng thì đồng nghĩa chỉ tiêu hệ đại trà phải cắt bớt đi.

Kiểm soát chặt các điều kiện đảm bảo chất lượng

Nhìn từ thực tế, TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021, cho rằng trong bối cảnh giáo dục ĐH hiện nay, khi mà nhu cầu người học tăng cao nhưng điều kiện tài chính (thu từ học phí và từ nguồn ngân sách) và cơ sở vật chất không thể đáp ứng đầy đủ cho mọi sinh viên một cách đại trà, cùng với việc tự chủ của các trường ĐH theo Luật Giáo dục ĐH quy định, thì chương trình CLC như giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Một số người thường nghĩ đây là cách lách luật khi trường chịu chi phối bởi trần học phí (theo Nghị định 86), nên vẽ ra chương trình này để tuyển sinh viên có học lực có thể thấp hơn (qua điểm thi) và thu học phí cao hơn dành cho những sinh viên gia đình khá giả vào học. Nhưng thực chất hoàn toàn không phải như vậy. Giáo dục là ngành dịch vụ nên cũng chịu sự chi phối của quy luật thị trường.

Chương trình CLC thực chất là phân khúc thị trường cho một nhóm đối tượng “khách hàng” nào đó, nhưng ý nghĩa thì lớn hơn, như giúp trường tập trung đội ngũ giảng viên giỏi, tăng cường cơ sở vật chất, quản lý người học và đặc biệt chương trình một số môn dạy bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, chương trình CLC được thực hiện ở các trường cũng là cách cạnh tranh tốt giữa trường trong nước và trường của nước ngoài ở Việt Nam.

Trong khi đó, phó hiệu trưởng một trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM đánh giá: Hiện nay, chương trình CLC chưa đạt chuẩn kiểm định so với chương trình đại trà là rất nhiều. Vậy thì cơ sở gì để minh chứng cho tên gọi chương trình CLC. Nếu chương trình CLC chưa đạt chuẩn kiểm định của Nhà nước thì không thể gọi là chương trình CLC được, mà cần bám sát vào các quy định tại Thông tư 23. Cái này Bộ GD-ĐT cần kiểm soát xem các trường có thực hiện đúng quy định hay không về những điều kiện đảm bảo chất lượng, từ việc triển khai chương trình, đội ngũ giảng viên, tổ chức dạy và học, đến việc quản lý quá trình. Nếu thấy chương trình nào trái quy định thì đóng ngay lập tức.

"Nếu theo đúng định nghĩa về chất lượng giáo dục là đáp ứng các mục tiêu và yêu cầu đầu ra (chứ không phải đầu vào), Bộ GD-ĐT nên để các trường tự chủ về tuyển sinh và chỉ nên đặt ra sàn chất lượng đầu vào ngang với các chương trình sư phạm. Các chương trình kém chất lượng sẽ tự bị đào thải theo quy luật thị trường vì với học phí cao, chương trình nào không có chất lượng sẽ không thể tuyển sinh sau một vài năm. Sinh viên, phụ huynh, doanh nghiệp đã và đang đánh giá cao chất lượng các chương trình đào tạo CLC. Trường đại học sẽ phát huy vai trò tự chủ trong việc xây dựng chương trình đào tạo, vận động và phát triển đáp ứng yêu cầu của xã hội", PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG

Nhiều trường cũng thừa nhận có quan điểm cho rằng thực tế của chương trình CLC là lấy công phục vụ tư vì cơ sở vật chất, con người đều là của công. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy giáo dục là một loại dịch vụ công đặc biệt. Tài sản ban đầu do Nhà nước trang bị và do nhà trường đầu tư, dù hoạt động thế nào cũng vì mục tiêu đáp ứng dịch vụ công. Do đó, chúng ta nên đặt bài toán khác đi là: nếu cứ khư khư giữ tài sản như vậy, học phí thì không được tăng, giảng viên giỏi thiếu động lực nên bỏ trường ra đi, thì nhà trường khó mà phát triển.

Vấn đề là lợi ích thu được từ dịch vụ giáo dục CLC được phân phối điều hòa, minh bạch, có tái đầu tư cơ sở vật chất ngày càng hiện đại thì không lý do gì để nói mang tài sản công làm lợi ích tư (của nhà trường) được. Suy cho cùng, Nhà nước, nhà trường và người học, doanh nghiệp đều có cơ hội hưởng lợi từ những chương trình CLC.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lech-chuan-chuong-trinh-chat-luong-cao-bai-3-kiem-soat-de-phat-trien-dung-huong-649497.html