Lệch khớp cắn, sụt 3 kg sau khi làm răng thẩm mỹ
Sau hai lần chỉnh sửa răng sứ thẩm mỹ, chị N.T.M buộc phải đến Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương khám vì đau nhức, khó nhai và ê buốt hai bên hàm.
Không ăn, không ngủ được vì ê buốt
Tìm đến Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương khám vì tình trạng đau nhức răng sau một thời gian làm răng thẩm mỹ, chị N.T.M (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Sau 2 lần chỉnh để mong có hàm răng trắng, sáng ưng ý, nhưng kết quả tôi nhận được là hàm răng rất dày, mất thẩm mỹ. Chỉ một thời gian ngắn sau đó xuất hiện tình trạng đau nhức, thậm chí tôi không thể nhai và ê buốt dọc hai bên cơ hàm lên tận thái dương".
Tại bệnh viện, chị M được chẩn đoán lệch khớp cắn mà nguyên nhân chính là do lắp răng thẩm mỹ không đúng kỹ thuật.
Cô gái trẻ N.T.L (Bắc Ninh) cũng phải đến viện khi không chỉ lệch khớp cắn sau khi làm răng thẩm mỹ mà còn bị mài răng sai kỹ thuật, sai giải phẫu. Sau khi lắp răng thẩm mỹ chừng 3 tháng, L cho hay: "Đẹp đâu chưa thấy chỉ biết rằng suốt 3 tháng sau đó em không ăn, không ngủ được vì răng ê buốt, hai tai ù và hàm rất mỏi".
Ngay trong tháng đầu sau làm răng, cô gái trẻ này sụt đi hơn 3 kg.
Còn chị N.P.A (Hà Nội) do hay dùng thuốc tetraxylyn nên men răng đen xỉn. Trong một lần đi lấy cao răng ở cơ sở nha khoa gần nhà, chị được tư vấn bọc răng mới bằng chất liệu kim loại.
"Làm răng xong, tôi không thấy mình đẹp hơn vì răng trắng nhưng rất dày, khiến miệng trông hơi hô, thiếu tính thẩm mỹ. Tôi thậm chí thiếu tự tin hơn hàm răng cũ của mình. Đáng nói, tôi còn viêm lợi rất nặng, đánh răng và chạm nhẹ cũng chảy máu… chính điều này khiến miệng luôn hôi", chị A chia sẻ.
Chị A cũng đi nhiều phòng khám để điều trị tình trạng viêm lợi nhưng không hiệu quả, cứ hết thuốc, viêm lại tái phát. Quyết định tìm đến bệnh viện, chị A mới biết nguyên nhân là do chất liệu răng không đảm bảo, lắp không đúng kỹ thuật.
Sau khi được chỉ định làm lại răng bọc sứ thẩm mỹ, lợi chị A đã hồng hào, không tím và viêm như trước, răng thẩm mỹ.
Theo PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, hiện nay, trên thị trường các cơ sở thẩm mỹ răng "nở như hoa", đâu đâu cũng thấy làm răng thẩm mỹ. Nhiều trường hợp biến chứng đã xảy ra.
Cân nhắc kỹ khi làm răng thẩm mỹ
Hiện nay, tìm đến phục hồi, làm răng thẩm mỹ chủ yếu là người có hàm răng nhiễm tetracycline, men răng bị tối, xỉn, yếu. Phương pháp khắc phục là mài cùi răng sau đó bọc răng sứ. Tuy nhiên, cách làm này tiềm ẩn một số nguy cơ như tổn thương mô răng, đặc biệt là kích thích tủy, thay đổi khớp cắn, ảnh hưởng tổ chức nha chu… Ngoài ra, để thực hiện bệnh nhân cần phải tiêm tê.
Chia sẻ thêm về hệ lụy lệch khớp cắn sau bọc răng thẩm mỹ, BS Nguyễn Văn Hòa, Hiệp hội răng hàm mặt Việt Nam, cho hay: "Khi sai khớp cắn như vậy thì lực nghiến rất mạnh. Ban đầu nó tạo phản ứng rắc rắc, lục cục ở trong khớp, khi bắt đầu tổn thương, dẫn tới ù tai, càng để sẽ ảnh hưởng đến thính lực, tai không nghe thấy gì".
Theo BS Hòa, không phải răng của ai cũng có chỉ định làm thẩm mỹ. Những trường hợp răng yếu không được phép làm, vì khi mài răng sẽ dẫn đến ê buốt, một số phải điều trị tủy. Bên cạnh đó, việc chỉ định làm răng thẩm mỹ không đúng có thể dẫn đến viêm nha chu kéo dài, thời gian điều trị lâu tốn kém, ảnh hưởng đến tủy răng.
BS Phạm Thanh Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, cũng khuyến cáo, "có bác sĩ thường lấy tủy răng trước khi làm răng thẩm mỹ, trong khi việc lấy tủy răng đấy phải có chỉ định thật sự cần thiết mới làm. Việc lạm dụng lấy tủy răng có thể gây những biến chứng sau này, ví như tình trạng viêm tủy răng, viêm quanh chóp răng, thậm chí là viêm xương hàm có những nang răng phức tạp".
Theo BS. Hà, răng sứ thẩm mỹ là xu hướng làm đẹp được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi công nghệ cao, bác sĩ thực hiện phải có kinh nghiệm và chuyên môn vững chắc, bên cạnh việc lựa chọn chất lượng của răng sứ để đảm bảo kết quả tốt, hạn chế các biến chứng sau khi hoàn thành.
Do vậy, trước khi quyết định bọc răng sứ, bệnh nhân nên tìm hiểu rủi ro có thể xảy ra, nên chọn cơ sở uy tín, bác sĩ có chuyên môn… Sau khi thực hiện bọc răng sứ cũng cần lưu ý giữ gìn và khám định kỳ, sàng lọc nguy cơ 6 tháng, 1 năm/lần đề phòng ngừa biến chứng sau bọc răng sứ có thể xảy đến.
Những ai không nên bọc răng sứ?
- Những trường hợp sai lệch khớp cắn (hô, móm) do cấu trúc xương hàm thì phương pháp bọc răng sứ thẩm mỹ không có tác dụng. Trường hợp này phải phẫu thuật, đưa xương hàm về đúng vị trí khớp cắn.
- Những người có hàm răng quá nhạy cảm; răng bị lung lay; răng bị sâu nghiêm trọng, viêm lợi, nhiễm trùng nặng; răng bị gãy vỡ, hoặc mắc một số bệnh lý như: động kinh, máu khó đông, tim mạch…