Lệch lạc tình dục và mối liên quan bệnh lý tâm thần
Hiện nay, những thông tin về sàm sỡ, cưỡng dâm trẻ em, chỉ thích quan hệ với người lớn hơn mình nhiều tuổi, hiếp tử thi... không còn xa lạ với nhiều người.
Đó là những hành vi tình dục lệch lạc và nhiều hành vi được y học xếp dạng bệnh lý tâm thần.
Nhận diện hành vi lệch lạc tình dục
Lệch lạc tình dục (LLTD) là một dạng bệnh tâm thần khá phức tạp. Những bệnh nhân gây nên những hành vi này bị xã hội lên án và xa lánh nhiều nhất trong số các bệnh nhân tâm thần vì đôi khi gây những ảnh hưởng làm xáo trộn xã hội. Theo các nghiên cứu thì LLTD có đến 780 loại bệnh khác nhau, rất phức tạp có thể tóm tắt như sau:
Lệch lạc đối tượng
Ái nhi còn gọi là ấu dâm: Bệnh này thể hiện ham thích tình dục hướng tới đối tượng là trẻ em thay vì người trưởng thành. Bệnh thường kết hợp với một số rối loạn LLTD khác như phô dâm và thị dâm.
Ái lão là ngược với ái nhi: ở những người này, đối tượng tình dục mà họ hướng đến là người già, không do nguyên nhân lợi dụng vật chất hay lý do khác.
Ái vật: Thỏa mãn tình dục với các đồ vật vô tri vô giác như giày, găng tay, thường gặp nhất là quần áo hoặc đồ nội y của phụ nữ.
Ái tử thi: Thỏa mãn tình dục đối với các xác chết.
Loạn dục với súc vật: Hay còn gọi là ái thú, thỏa mãn tình dục bằng cách quan hệ với động vật.
Lệch lạc mục tiêu
Ác dâm: Thỏa mãn tình dục khi gây đau đớn về thể xác hay tinh thần cho người cùng quan hệ tình dục. Cách thức rất đa dạng có thể là cắn, cào hay chửi bới.
Khổ dâm: Ngược với ác dâm, đối tượng chỉ thỏa mãn thực sự khi người khác hành hạ mình. Trong quan hệ thì một đối tượng ác dâm có thể dễ dàng chuyển qua khổ dâm và ngược lại.
Phô dâm: Thích phô bày cơ quan sinh dục của mình cho người khác xem, thường là đối tượng khác giới. Đối tượng càng lúng túng, người bệnh càng tỏ ra thích thú.
Thị dâm: Thỏa mãn tình dục bằng cách nhìn trộm người khác trong các tình huống riêng tư như khi thay quần áo, tắm, quan hệ tình dục...
Thính dâm: Thỏa mãn tình dục bằng cách nghe những âm thanh có khả năng kích dục điển hình là việc làm tình qua điện thoại.
Loạn dục cọ xát: Thỏa mãn tình dục bằng cách cọ xát bộ phận sinh dục hoặc một bộ phận cơ thể của họ vào những người khác giới không quen biết hoặc sờ mó vào bộ phận sinh dục của những người ấy.
Loạn dục cải trang: Thỏa mãn tình dục bằng cách mặc quần áo của người khác giới. Nó giống với ái vật ở chỗ cả hai đều tìm kiếm sự thỏa mãn thông qua vật vô tri nhưng khác là ở người ái vật, họ thường không có ham muốn mặc quần áo người khác giới.
LLtd và hội chứng tâm thần
Các nhà tâm thần học Hoa Kỳ xếp các LLTD vào nhóm rối loạn nhận dạng giới tính. Mỗi biểu rối loạn kỳ quặc được xếp là một loại rối loạn riêng. Tình trạng bệnh lý này ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, đến học hành nghề nghiệp và cả quan hệ tình cảm nam nữ. Người bị LLTD thường xuyên lo lắng và che giấu hành vi của mình vì đó là những biểu hiện bất thường.
Nguyên nhân và hướng xử trí
Nguyên nhân gây LLTD thường do rối loạn quá trình phát triển tâm lý trong thời thơ ấu: từng bị lạm dụng tình dục hoặc trẻ bắt chước hành vi lệch lạc này từ người lớn, từ phim ảnh. Ngoài ra, trong một số trường hợp, người ta thấy có các bất thường về hormon, nhiễm sắc thể... Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, 74% số người bị LLTD có rối loạn hormon, 27% có dấu hiệu tổn thương thần kinh, 24% có rối loạn gene.
Việc điều trị LLTD chủ yếu là tâm lý liệu pháp và phối hợp với thuốc khi cần thiết. Với liệu pháp phân tâm, thầy thuốc sẽ giúp người bệnh hiểu được các động lực và hoàn cảnh gây ra bệnh, đặc biệt là giúp bệnh nhân nhận thức được các sự kiện hằng ngày nào gây kích thích, tác động khiến họ thực hiện các xung động. Phương pháp điều trị này cũng giúp họ lấy lại sự tự tin, cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội và dùng các liệu pháp hành vi để giúp đương sự cắt đứt các hành vi LLTD. Ngoài ra, thầy thuốc còn dùng thêm các loại thuốc chống loạn thần và chống trầm cảm để điều trị các bệnh lý tâm thần kết hợp như tâm thần phân liệt, rối loạn trầm cảm hoặc các thuốc chống lại tình trạng gia tăng hoạt động tình dục quá mức mà vượt quá khả năng kiểm soát của người bệnh.
Thực tế, các bác sĩ rất ít “được” tiếp cận với những bệnh nhân có biểu hiện LLTD, càng ít hơn đối với thanh thiếu niên vì sự kỳ thị nặng nề về khía cạnh đạo đức và tâm lý người bệnh. Khi thấy bản thân có các biểu hiện bất thường về hành vi tình dục, người bệnh nên “dũng cảm” đi khám sớm để điều trị kịp thời.