Lên bản Mông vui hội Gầu Tào

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Lễ hội Gầu Tào, nhưng tiết trời se lạnh, lắc rắc mua phùn khiến lòng người thấy nhớ. Muốn sách ba lô lên đường, vượt qua những con dốc kỳ vỹ đến với Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) - nơi vẫn vẹn nguyên bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông để vui hội Gầu Tào.

Sắc xuân bản Mông trong Lễ hội Gầu Tào (Mai Châu).

Theo ngôn ngữ của người Mông, Gầu Tào có nghĩa là chơi núi mùa xuân, để cầu may, cầu phúc. Lễ hội Gầu Tào được xem là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Mông. Có thời gian dài, lễ hội bị thất truyền. Để khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học cũng như sự cần thiết bảo vệ và phát huy di sản này, tháng 12/2012, Bộ VH-TT&DL đã đưa Lễ hội Gầu Tào vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 10/2016, tỉnh cũng ban hành chủ trương phục dựng Lễ hội Gầu Tào. Theo đó, từ năm 2017, lễ hội chính thức được phục dựng tại 2 xã Hang Kia và Pà Cò.

Lễ hội được tổ chức gồm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ bắt đầu từ nghi lễ trồng cây nêu (biểu tượng linh thiêng nối trời với đất). Cây nêu được trồng để tránh những xui xẻo, mang lại may mắn cho những người nguyện cầu. Cây nêu được trồng trên bãi đất rộng, bằng phẳng, ngọn cây hướng về hướng Đông - là hướng sinh với mong muốn cầu sinh con, cũng là hướng của mặt trời với mong ước mùa màng bội thu. Khi dựng xong cây nêu, thầy cúng bắt đầu làm lễ với những nghi thức đơn giản: lễ tế thắp hương và cúng xung quanh cây nêu cầu xin thần linh phù hộ cho năm mới mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu chúc cho mọi người, mọi nhà yên vui, khỏe mạnh, ăn nên làm ra, trồng trọt, chăn nuôi sinh sôi, được mùa.

Sau nghi thức dựng cây nêu, trai gái bản Mông cùng nắm tay nhau nhịp bước theo điệu khèn. Tiếng khèn lúc dìu dặt, khi trầm hùng thôi thúc lòng người khiến vòng người tham gia điệu múa khèn ngày càng mở rộng. Ngoài ra, Lễ hội Gầu Tào còn có nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, các trò chơi dân gian, môn thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: bắn nỏ, ném pao, đẩy gậy… Du khách còn có thể ghé thăm các gian hàng ẩm thực để thưởng thức món thắng cố độc đáo, món bánh dày dẻo mịn và trực tiếp xem các chàng trai người Mông khỏe mạnh thực hiện việc giã bánh dày. Đến với Lễ hội Gầu Tào không thể không nếm thử chén rượu ngô thơm nồng, mua sản vật địa phương về làm quà cho bạn bè, người thân.

Đồng chí Hà Thị Hòa, Trưởng Phòng VH-TT huyện Mai Châu chia sẻ: Đồng bào dân tộc Mông có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú và đặc sắc, nét tín ngưỡng độc đáo ấy được thể hiện đầy đủ, rõ nét qua Lễ hội Gầu Tào. Để lưu giữ nét văn hóa đặc sắc đó, Phòng VH-TT đã tham mưu cho UBND huyện đề nghị UBND tỉnh cho phép phục dựng lễ hội và đã được thông qua. Việc phục dựng lại Lễ hội Gầu Tào, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Mông, xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh cho nhân dân. Bên cạnh đó, thông qua việc tổ chức lễ hội tăng cường quảng bá, giới thiệu lịch sử, văn hóa và tiềm năng du lịch của 2 xã Pà Cò và Hang Kia đến với du khách thập phương.

Thúy Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/135607/len-ban-mong-vui-hoi-gau-tao.htm