Lên Điện Biên nhớ họa sĩ - NSND Ngô Mạnh Lân

Trong dịp lên Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) vừa qua cùng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, trong hành trang của tôi ngoài chùm bài hát về Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng của nhà văn Hữu Mai, còn là những bức ký họa rất đẹp của người họa sĩ mặt trận Điện Biên Ngô Mạnh Lân…

1. Năm 1953, sau khi tốt nghiệp khóa học đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc do họa sĩ Tô Ngọc Vân phụ trách, họa sĩ - NSND Ngô Mạnh Lân cùng với các họa sĩ khác như Thế Vỵ, Lê Huy Hòa… xung phong vào quân đội, được vinh dự cùng các đại đoàn đi chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ). Sau này, họa sĩ - NSND Ngô Mạnh Lân tâm sự: “Cuối năm 1953, đơn vị được lệnh hành quân đi chiến dịch. Ngày nghỉ ở bìa rừng, đêm đi, ngót một tháng mới đến Điện Biên Phủ. Với tôi, đây là những ngày gian khổ nhất: trèo qua hết ngọn núi này lại tiếp ngọn núi khác, lội suối lấy nước uống, đói khát, mệt mỏi rã rời… Nhưng sau này nhìn lại, với tôi, đây cũng là những ngày đáng nhớ nhất”.

 Họa sĩ Ngô Mạnh Lân

Họa sĩ Ngô Mạnh Lân

Họa sĩ - NSND Ngô Mạnh Lân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò một họa sĩ nhưng mang tâm thế của một người chiến sĩ. Ông cùng ăn, cùng ở với bộ đội, cũng khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Có lẽ đây chính là khoảng thời gian mang lại cho ông nhiều cảm xúc nhất, tích lũy được nhiều thực tế chiến trường nhất. Và trong dòng thác lũ những điều được tận mắt thấy đó, ông đã cầm bút vẽ. Do điều kiện chiến trường, ông không có nhiều thời gian để hoàn thiện các tác phẩm, chỉ tập trung ký họa với hơn 100 bức. Có những bức đã trở thành những tác phẩm độc lập, có những bức còn là những nét phác thảo nhanh. Tuy nhiên, qua những tác phẩm ông để lại, người xem có thể cảm nhận được một tinh thần Điện Biên xuyên suốt, gần như chảy trong huyết quản của ông.

“Cha tôi nói ông còn mắc nợ Điện Biên vì chưa có cơ hội biến những bức ký họa của mình thành những tác phẩm hoàn chỉnh. Bởi, sau khi chiến dịch kết thúc, năm 1955, cha tôi được cử đi tu nghiệp ở Liên Xô, về nước trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh phim hoạt hình thiếu nhi ở Việt Nam. Một công việc mới lại lôi cuốn đam mê, tình yêu của ông, khiến ông dồn vào đấy tất cả thời gian, công sức của mình”, tiến sĩ Ngô Phương Lan (con gái họa sĩ - NSND Ngô Mạnh Lân) nhớ lại.

2. Thật ra, với hơn 100 bức ký họa của “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của họa sĩ - NSND Ngô Mạnh Lân, bản thân các tác phẩm đã chứa đựng những ý nghĩa, giá trị nghệ thuật đầy lớn lao.

Những tác phẩm ký họa của ông ghi lại đầy chân thực cuộc chiến đấu hào hùng của các chiến sĩ ta ở Điện Biên Phủ, hình ảnh những người dân công đang vượt qua những trận bom, bùn lầy để đưa lương thực, đạn được vào chiến địa. Những bức ký họa đó cũng là nguồn tư liệu quý báu để sau ngày toàn thắng, góp phần tạo nên những bức tranh nghệ thuật hoành tráng về một trong những chiến dịch quân sự vĩ đại nhất của dân tộc.

“Ký họa của họa sĩ - NSND Ngô Mạnh Lân rất đặc biệt, khả năng tạo hình của ông bắt được vẻ đẹp hình tượng của người lính Điện Biên, của anh bộ đội Cụ Hồ trong mọi hoàn cảnh khác nhau. Con mắt biết tìm cái đẹp của ông tạo nên những bức ký họa mà hôm nay thế hệ chúng tôi nhìn lại vẫn thấy xúc động, vì đây là những khoảnh khắc không thể có lần thứ hai. Ký họa kháng chiến, đặc biệt là ở chiến trường Điện Biên Phủ của họa sĩ Ngô Mạnh Lân sẽ luôn có một giá trị đặc biệt không chỉ đến lúc này mà còn trường tồn theo thời gian”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, ghi nhận.

Một người con rể của ông - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từng tâm sự: “Tôi là thế hệ sau giải phóng Điện Biên nên không được chứng kiến những gì xảy ra ở nơi này. Rất may mắn là trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được đưa bố trở lại chiến trường xưa, nơi cụ từng tham gia chiến dịch với tư cách là một họa sĩ và được nghe cụ kể lại những hình ảnh, những sự thật và những gì diễn ra ở Điện Biên Phủ thời điểm đó. Các bức ký họa, các tác phẩm thể hiện rất rõ tinh thần lạc quan của bộ đội, của nhân dân và của chính tác giả. Đấy là sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của chiến thắng và chúng tôi cũng cảm nhận được tinh thần ấy. Qua những bức ký họa của bố, tôi phần nào cảm nhận được những tâm trạng, những băn khoăn khi bố bảo: “Tôi còn mắc nợ với Điện Biên”. Tôi hiểu cái mắc nợ mà bố nói, bởi ông có rất nhiều ý định, đó là khi chiến thắng sẽ có những tác phẩm để mô tả về quy mô, mô tả sự vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng bố chưa làm được”.

3. Tôi viết những dòng này nhân ngày giỗ lần thứ ba của họa sĩ - NSND Ngô Mạnh Lân (15-9-2021). Đã ba năm ông đi xa, nhưng hơi ấm của ông vẫn nguyên vẹn trong tình cảm lớn của gia đình, của người vợ NSND Ngọc Lan, cũng là một nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng, của những người con, người cháu, của các con dâu và con rể cùng các cháu nội, ngoại yêu quý của ông.

Với đất nước, ông không chỉ là một người họa sĩ Điện Biên Phủ quả cảm và tài hoa, một họa sĩ lớn của nền mỹ thuật cách mạng, mà còn là một người có công lao hàng đầu tạo dựng nên sự nghiệp phim hoạt hình nước nhà với những tác phẩm “…thấm đẫm tinh thần phương Đông, đẹp cả về tạo hình và màu sắc. Có thể xếp vào hàng kinh điển của thể loại phim hoạt hình của Việt Nam”.

Là người yêu hội họa, tôi yêu vô cùng những bức tranh, ký họa của ông, cả những bức tranh Nga ông vẽ trong những ngày học tập ở Liên Xô, mà từ đó, có người ví ông như “Levitan của Việt Nam” (Isaac Levitan, họa sĩ Nga nổi tiếng với khả năng miêu tả chân thực vẻ đẹp của thiên nhiên). Những tác phẩm tiêu biểu của ông thời kỳ này, như: Bên bìa rừng (1957), Cảnh làng Tarutxa (1957), Nắng cuối hè (1959), Nhà thờ Saint Isaac (1959), Bà lão nông dân trong trang phục truyền thống Nga (1960)…

Là người lính nhiều năm chiến đấu nơi mặt trận, tôi trân trọng đặc biệt những bức ký họa của họa sĩ - NSND Ngô Mạnh Lân vẽ nơi chiến hào Điện Biên Phủ. Trong tâm hồn mãi là trẻ thơ của chúng tôi, những đứa trẻ lớn lên từ những phố phường Hà Nội, ông luôn trong chúng tôi với hình ảnh chú Dế mèn phiêu lưu, Thánh Gióng, Thạch Sanh, Chú mèo đi hia, Mèo con hay chú sáo biết nói… Ông mãi mãi trong tình yêu của chúng ta là vậy…

CHÂU LA VIỆT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/len-dien-bien-nho-hoa-si-nsnd-ngo-manh-lan-post758970.html