'Lên đời' cho bối cảnh phim Việt

Quá trình chuẩn bị cho bộ phim Cám, đạo diễn Trần Hữu Tấn khẳng định: 'Chúng tôi không ngại khó, miễn đạt được hiệu quả cho bộ phim thì bối cảnh khó khăn đến mấy chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng khảo sát và ghi hình'.

Tìm lạ trong quen

Trước khi ghi hình vào tháng 3 và 4 tại các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, nhà sản xuất (NSX) Hoàng Quân chia sẻ muốn tìm những bối cảnh mới, độc đáo để hiện thực hóa trí tưởng tượng về một dị bản kinh dị của truyện Tấm Cám. “Chúng tôi đặc biệt muốn quay ở Quảng Trị bởi dường như hiếm có phim điện ảnh chọn nơi này làm bối cảnh”, NSX Hoàng Quân cho biết. Đó là lý do 3/4 bối cảnh chính của bộ phim được quay tại đây gồm: đình làng Hà Trung (huyện Gio Linh), đầm sen Trường Phước (huyện Hải Lăng) và rừng tràm ngập mặn. Bối cảnh chính còn lại được quay tại làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế).

 Bối cảnh làng muối được dàn dựng công phu trong Hai Muối

Bối cảnh làng muối được dàn dựng công phu trong Hai Muối

Mới và lạ vừa là mục tiêu đồng thời là thách thức lớn nhất trong khâu bối cảnh đối với các nhà làm phim Việt hiện nay. Và để giải đáp bài toán cố hữu đó, không ít ê kíp đoàn phim đã tốn rất nhiều tâm sức. Trước phim Cám, khi thực hiện Tết ở làng Địa Ngục và Kẻ ăn hồn, đạo diễn Trần Hữu Tấn và NSX Hoàng Quân đã tìm ra được ngôi làng Sảo Há còn đầy nét hoang sơ giữa rừng núi Hà Giang hiểm trở bất chấp nhiệt độ luôn dưới 4-5oC (có lúc giảm sâu xuống 0oC) kèm mưa to gió lớn. Hay trước đó là bối cảnh Tà Năng - Phan Dũng trong Rừng thế mạng, một trong những cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam.

Trên thực tế, không phải đoàn phim nào cũng may mắn tìm được các bối cảnh chưa từng xuất hiện trên màn ảnh rộng đồng thời phù hợp với kế hoạch, chi phí sản xuất. Đặc biệt, với những địa phương từng ghi dấu ấn trên màn ảnh qua các dự án trước đó, áp lực càng lớn hơn. “Chúng tôi tiếp tục khám phá, đi khắp các nẻo đường, những ngôi làng để tìm ra những góc của Phú Yên mà vẫn giữ lại được không khí đặc trưng của những năm 1990 đến đầu năm 2000”, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ về quá trình chọn cảnh cho Ngày xưa có một chuyện tình. Trước đó, Phú Yên là bối cảnh chính của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và đã tạo nên cơn sốt sau khi phim ra rạp.

Hay như với đoàn phim Làm giàu với ma, dù được thực hiện ngay tại TPHCM nhưng đoàn phim đã kỳ công mất đến 14 ngày để xây dựng 14 căn nhà. Địa điểm được chọn là khu vực nhìn ra sông Sài Gòn và các tòa nhà cao tầng ngay phía đối diện. Đây là ý đồ của đạo diễn Trung Lùn có liên quan đến nội dung phim, cho thấy được sự đối lập giữa giàu và nghèo, ước mơ đôi khi chỉ cách có một con sông nhưng mãi không chạm tới được.

Cầu toàn vì khán giả

Với mong muốn các cảnh quay trong Hai Muối phải “mộc và mặn”, đạo diễn, NSƯT Vũ Thành Vinh yêu cầu ê kíp phải thiết kế, thi công nhiều bối cảnh ở cả nội thành TPHCM và ấp đảo Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ) trước 2 tháng để duyệt và chỉnh sửa. Với đại cảnh cháy nhà, anh không muốn sử dụng hiệu ứng mà đã tự xây và tự đốt luôn căn nhà thật. Đặc biệt, nhiều phân cảnh trong phim sử dụng rất nhiều muối. Đoàn phim đã mua lại hàng tấn muối của bà con nơi đây chỉ để phục vụ cho các cảnh quay. “Để đám cháy có thể diễn ra đúng ý đồ, chúng tôi đã dựng căn nhà chứa muối từ trước đó 3 tháng để đến lúc quay, nó đã cũ đi giống như nhà chứa muối thật”, đạo diễn Vũ Thành Vinh chia sẻ.

Có thể thấy, khi thị hiếu khán giả ngày càng cao và khó tính hơn đã buộc các nhà làm phim cũng phải tự ý thức và nghiêm khắc với chính mình là điều dễ hiểu. Đạo diễn Trung Lùn chia sẻ về quá trình thực hiện Làm giàu với ma: “Dù bối cảnh là xóm lao động không phải khó tìm nhưng chúng tôi vẫn quyết định xây căn nhà mới hoàn toàn. Lý do là tôi muốn trong cái nghèo vẫn có chất thơ của riêng nó”. Ngôi nhà sau đó được chăm chút đến từng chi tiết để mang đến cảm giác các nhân vật đã thực sự sinh sống tại đây hàng chục năm trời.

Quá trình ghi hình thực tế luôn không hề dễ dàng khi đoàn phim bị chi phối bởi các yếu tố ngoại cảnh, đặc biệt là thời tiết. Tuy nhiên, theo đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ: “Ai cũng biết quay ngoại cảnh vừa tốn kém vừa nhiều rủi ro, nhưng phải quay ở những bối cảnh như vậy mới có thể mang đến hình ảnh, cảm xúc chân thật cho khán giả”.

Đó cũng là lý do, dù có thể quay trong nhà, nơi có điều kiện thuận lợi, nhưng nhiều đoàn phim vẫn lựa chọn những điều khó hơn như Kẻ ăn hồn quay trong rừng với cái lạnh có lúc dưới 0oC; Cám quay giữa trời Quảng Trị, nơi nhiệt độ có khi lên tới 42oC-44oC; diễn viên phim Ma da phải ngâm mình dưới nước gần 13 giờ đồng hồ, có khi là trong đêm lạnh buốt… tất cả nỗ lực đều nhằm hướng đến tạo nên những sản phẩm điện ảnh chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khán giả hiện nay.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/len-doi-cho-boi-canh-phim-viet-post759834.html