'Lên đời'… cho đất nông nghiệp từ những đồi chè bị 'xẻ thịt'
Những nhóm người cùng những chiếc ô tô biển số Lâm Đồng, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương cứ chạy vòng vòng khi thấy chúng tôi rẽ vào một khu đất được phân lô, trên một ngọn đồi trồng trà (chè), cà phê ở xã Đạm B'ri (Bảo Lộc, Lâm Đồng). 'Toàn là cò đấy', một nông dân cảm thán với chúng tôi sau khi nhóm người kia rời đi.
Bất cập trong quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản tại nhiều địa phương
Đường vào thác Đamb’ri, không ai nói về con thác
Những con đường dính đầy bùn đất tại các xã của TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) không ngăn được nhiều nhóm người nượp nượm đổ về… xem đất, ngay cả khi cơn mưa miền cao nguyên ập đến, vài đoạn đường lầy lội, chiếc xe du lịch mà chúng tôi sử dụng không cách nào đi qua được.
Những con đường nhỏ chốn làng quê trở nên chật chội khi hai chiếc ô tô ngược chiều nhau. Ở đây, không khó để thấy những chiếc xe mang biển số ngoại tỉnh ngược xuôi, nhất là ven những khu đất, đồi trà (chè), vườn cà phê đã được “quy hoạch” bằng các con đường nội bộ vài chục mét.
Trên internet và các mạng xã hội, những lời rao “có cánh” như vầy không ít.
Tại huyện xã Đam Bri, thật ngạc nhiên khi chúng tôi ghé vào khu đất nào thì một lúc sau, vài chiếc ô tô khác lại ghé qua và một nhóm vài người cũng xuống xe, đi vòng vòng hỏi mua đất làm khu nghỉ dưỡng. Ban đầu, chúng tôi cũng nghĩ đó là sự trùng hợp nhưng trong suốt buổi sáng 7-11, những chiếc xe và nhóm người này cứ vòng vòng, chạy qua chạy lại khu vực các lô đất được rao bán, nơi mà đường giao thông còn chưa thể gọi là hoàn chỉnh.
Anh N., một nông dân đang chăm sóc cà phê gần đó chẳng buồn nhìn chúng tôi khi chúng tôi lân la làm quen. Trò chuyện với anh thì được biết, những nhóm người kia và những chiếc xe kia thường xuyên có mặt ở đây. Cứ lâu lâu có xe từ TPHCM ghé vào là nhóm người kia cũng ghé vào. “Cò đấy”, anh N., nói và cho biết nhóm người kia chủ yếu đi vòng vòng cho khách mua đất thấy khu này đang… sốt đất.
Khi được hỏi vì sao khẳng định vậy thì anh N. cho biết anh nhớ luôn dáng đi từng người, nhớ luôn biển số xe vì “gặp hoài, lạ gì”.
Ở vùng ngoại thành TP Bảo Lộc, đi đâu cũng thấy các biển treo bán đất. Ảnh: Lê Vũ
Từ trung tâm TP Bảo Lộc đi vào xã Đạm Bri, có thể ví von rằng những tấm bảng nhỏ, những tờ giấy ép nhựa ghi số điện thoại người bán đất nhiều không kém gì các ngôi nhà dọc đường. Vùng quê tưởng chừng yên bình nhưng đụng đâu cũng nghe nói về đất.
Lúc dừng chân ở một quán nước ven đường giáp TP Bảo Lộc và xã Đạm B’ri, khi nghe chúng tôi hỏi đường vào dòng thác nổi tiếng nơi đây thì người chủ quán hỏi ngay rằng: “Các anh vào đó mua đất à?” và sau vài ba câu trao đổi thì anh này giới thiệu luôn mảnh đất mình đang bán.
Khi nghe chúng tôi hỏi đường để vào thăm thác Đamb’ri thì chủ quán nước khá ngạc nhiên bởi theo anh, xe thành phố (ý nói xe đến từ TPHCM – PV) lên đây thì ai cũng hỏi vào mua đất. “Xe thành phố lên đây toàn hỏi mua đất. Ở đây, giờ hỏi đường vào thác Đamb’ri là hỏi đường vào để đi mua đất chứ ai mà hỏi về thác. Thác đó chỉ có mấy người đi phượt bằng xe máy vào chơi. Các anh đi du lịch vào thì… hơi lạ”, anh bộc bạch.
Nằm lọt trong các khu trồng trà, đâu đó lại xuất hiện một khoản đất được phân lô như vầy. Cây nông nghiệp không còn, đường nội bộ được làm và chỉ loanh quanh trong khu đất. Ảnh: Lê Vũ
Trước đó, trong quá trình chờ làm thủ tục kiểm soát, phòng chống dịch ở một địa điểm thuộc TP Bảo Lộc, các hàng quán ven đường đều từ chối bán hàng cho chúng tôi với lý do… “e ngại không tuân thủ quy định phòng dịch”. Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi nói muốn đi mua đất thì ngay lập tức một số chủ quán lấy ghế ra mời ngồi và nhân tiện… giới thiệu về những mảnh đất mà theo họ, đó là các khu đất giá rẻ, có tiềm năng phát triển ở xã Đạm B’ri hay phường Lộc Tân tại huyện Bảo Lâm.
Muốn xem giấy tờ thì… đặt cọc
Từ trung tâm xã Đam B’ri đi vào các khu trồng trà, cà phê, không khó để thấy những khu đất được phân lô ngay thẳng. Điểm chung của các khu đất này là nằm giữa các vườn trồng cây như trà, cà phê và cả bắp (ngô). Các khu đất đều có địa hình thoai thoải và điểm thấp nhất đều có một cái hồ, có lúc là hồ tự nhiên nhưng cũng có lúc là hồ nhân tạo, hoặc ao nuôi cá…
Một căn nhà xây kiểu “nhà tiền chế” kèm đất được rao bán 1,2 tỉ đồng ở khu đất được bao bọc bởi cà phê trên địa bàn xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm. Ảnh: N.H
Đất ở đây được rao bán từ 600-800 triệu đồng/nền. Theo lời những người môi giới, đất đã có “thổ” (đất thổ cư được phép xây nhà ở – PV). Tuy nhiên, khi hỏi là xây nhà thế nào thì đa phần các câu trả lời đều vòng vo. Cũng có người môi giới tiết lộ là chỉ được phép xây nhà dạng tiền chế, trong giấy phép sẽ ghi là “công trình phụ”.
Ở một khu đất thuộc xã Lộc Tân, khi chúng tôi hỏi mua thì người bán đưa ra các hình chụp “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – PV). Đáng lưu ý, các hình chụp này không phải là hình chụp trang giấy mà là hình được thiết kế bài bản, trong đó nổi bật là bản vẻ từng nền đất.
Hầu hết các khu đất này đều có những cái tên rất “kêu” với những cụm từ bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về thông tin dự án thì chỉ nhận được các câu trả lời vòng vo. Khi chúng tôi đòi xem sổ thì tất cả người bán ở các khu đất đều yêu cầu làm giấy đặt cọc 10% giá trị rồi mới cho xem giấy tờ bản cứng.
Khi chúng tôi đặt vấn đề là cần mua cả “dự án” nên muốn xem thông tin chi tiết về khu đất, một người bán tên Đ.D (giới thiệu là nhân viên kinh doanh của một công ty bất động sản ở Bảo Lộc) nói rằng khách hàng cần cặt cọc một khoản tiền thì nhân viên mới có thể “xin sếp đưa giấy tờ”. Anh Đ.D còn hứa hẹn là khách hàng không cần lo lắng mất tiền cọc đâu vì công ty anh làm việc thuộc hàng uy tín nhất Bảo Lộc. “Các anh cần chứng minh thiện chí thì bọn em lo hết nơi ăn, nghỉ cho các anh, miễn phí. Đặt cọc xong không mua thì bọn em làm thủ tục hoàn trả lại, anh về Sài Gòn thì em chuyển khoản, ký kết giấy tờ đàng hoàng, công ty em to đùng, không lo”, nhân viên này khẳng định.
Khi chúng tôi hỏi về cơ sở hạ tầng của khu đất thì Đ.D cho biết muốn có nước thì phải khoan giếng; muốn làm hệ thống nước thải thì… đào hầm trong nhà; muốn dùng điện thì… kéo điện vào như nhà dân. Với rác sinh hoạt, anh này tư vấn rằng nếu chúng tôi muốn sự tiện ích thì chỉ cần vài chục ngàn đồng mỗi tháng, sẽ có xe rác dân lập vào gom. “Nếu anh muốn tiết kiệm thì… đào hầm chứa rác rồi đốt. Đất rộng, làm gì cũng dễ mà”, anh này nói.
Khi chúng tôi thể hiện sự lo lắng khi đã đọc được các thông tin về việc Thanh tra tỉnh Lâm Đồng vừa công bố gần đây, Đ.D cho rằng đó là những “dự án” sai phạm chứ đất mà anh đang rao bán là đất “sạch”. “Anh yên tâm, đất bọn em bán đất sạch lắm, anh mua rồi sau này muốn làm gì thì bọn em sẽ có người lo. Bây giờ chưa xây được nhưng anh mua thì bọn em tính cho, kiểu gì cũng lo cho”, anh này khẳng định với một nụ cười… bí hiểm.
Liên quan đến tình trạng bát nháo phân lô bán nền, “xẻ thịt” các đồi chè để làm đường, rao bán đất. Giữa tháng 10-2021, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã có thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc trong công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn thời kỳ 2018 – 2020.Theo kết luận thanh tra được công bố, việc các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư hạ tầng (như mở đường, dựng trụ điện) nhằm mục đích phân lô, tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc có diễn biến phức tạp. Đặc biệt là trên các trang mạng xã hội có nhiều thông tin, quảng cáo về các “dự án bất động sản”, nhưng thực chất là do một số đối tượng môi giới bất động sản tự đặt tên và đăng tin quảng cáo nhằm thu hút người mua. Trên thực tế, các “dự án” này đều không được cơ quan thẩm quyền cấp phép.
Kỳ sau: “Đất đẹp view hồ”, có đợt thanh tra thì… giấu
Hoàng Bảo - Lê Vũ