Lên xứ Lạng đi hội: Lồng tồng và ngắm hoa đào
Đầu năm, khá nhiều người Hà Nội và du khách thập phương thường chọn Lạng Sơn là địa điểm du Xuân. Ngoài việc ngắm hoa đào, vãn cãnh đền chùa, xứ Lạng, một tỉnh ở vùng Đông Bắc Việt Nam, còn có lễ hội Lồng tồng truyền thống của người Tày rất hấp dẫn.
Lễ hội Lồng tồng
Lễ hội Lồng tồng (lễ hội xuống đồng) của người Tày là nét quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của đồng bào các dân tộc biên giới phía Bắc. Được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 4 Tết đến 30 tháng Giêng để mở đầu cho một mùa gieo trồng mới. Khoảng thời gian này, lễ hội được tổ chức rộn rã ở tất cả bản làng, nơi có người Tày sinh sống.
Người dân trong bản từ già trẻ, lớn bé mặc những bộ quần áo đẹp nhất cùng tụ tập, cùng vui chơi trên khoảng đất rộng trong làng.
Lễ hội được chia thành 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm mâm cúng do các vị chức sắc và các thầy cúng trong làng sắp đặt và tổ chức lễ cúng dân gian, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, thóc đầy bồ, lợn, gà đầy chuồng, con người được bình an, mạnh khỏe. Phần hội được bắt đầu bằng các điệu múa và các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc như hát Sli, Then, Dân ca... Các trò chơi ở đây đa số là trò chơi dân gian, trò chơi bịt mắt đập niêu, trò chơi tung còn, kéo co, nhảy bao...
Nhà dù nghèo khó đến đâu cũng cố vay mượn để có mâm cỗ cúng thịnh soạn để làm lễ vật cúng thần đất, thần núi, Thần Nông và Thành hoàng. Lễ vật thường có xôi nếp, rượu trắng và các loại bánh như khẩu sli, bánh dày, chè lam... nhưng không thể thiếu gà trống thiến luộc, thịt lợn quay, xôi, bánh chưng, bánh khảo, bánh bỏng.
Mỗi sản vật được dâng lên cúng trời đất, Thần Nông đều mang một ý nghĩa thể hiện được sự giao hòa của trời đất. Sản vật cúng chính là thành quả lao động của những bàn tay cần cù, chịu khó, chắt chiu làm lụng, thể hiện sự cảm tạ trời đất, các vị tiền nhân, thánh thần luôn phù hộ, che chở cho Nhân dân được thuận lợi và bội thu trong sản xuất, an khang trong đời sống. Hội Lồng tồng được tổ chức ở ngoài trời, trên một thửa ruộng lớn, thuận lợi nhất.
Ngắm hoa đào
Từ ngàn đời nay luôn coi xứ Lạng là xứ sở của hoa đào, bởi nơi đây có rất nhiều giống đào đẹp và quý như đào bạch, bích, phai, thất thốn… Đặc biệt, giống đào tiên, đào chuông là loài hoa đào quý hiếm chỉ có ở vùng núi cao Mẫu Sơn. Sinh trưởng và khoe sắc tại vùng non cao hùng vĩ, đào tiên, đào chuông như tượng trưng cho mảnh đất, con người xứ Lạng: khảng khái, thanh tao, giao hòa giữa đất và trời vùng biên ải.
Đến với Lạng Sơn vào mùa hoa đào nở, du khách được đắm chìm trong không khí lễ hội hoa đào mùa Xuân. Đây là hoạt động thường niên được tỉnh tổ chức vào thời điểm cuối tháng Chạp trước Tết Nguyên đán đến ngày 15 tháng Giêng hằng năm.
Lễ hội có nhiều hoạt động như hội chợ hoa đào, trưng bày các cây hoa đào đẹp, các tour du lịch vườn đào. Với 200 ngàn cây đào trồng trên diện tích 100ha, nơi nào của Lạng Sơn cũng có hoa đào nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là các huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn và thành phố Lạng Sơn.
Lạng Sơn là vùng biên cương phía Bắc Tổ quốc với địa hình núi cao, mùa Đông lạnh giá và những món ẩm thực mang hơi thở của núi rừng. Nhắc đến ẩm thực xứ Lạng, nhiều người nhắc đến lợn quay, vịt quay mác mật, khâu nhục, phở chua, bánh cuốn trứng ăn kèm những loại gia vị nổi tiếng như măng ớt, mác mật, chanh rừng. Ngoài ra, khi đến Lạng Sơn, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc biệt của miền núi phía Bắc như bánh chưng đen, cao xằng, bánh ngải, coóng phù, rau cải ngồng, cải làn, rau bò khai, sau sau.
Tất cả khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều đưa những món ăn truyền thống của xứ Lạng như lợn quay, vịt quay, khau nhục, phở chua, bò khai xào cao khô… vào thực đơn. Điều này đã tạo nên những trải nghiệm ấn tượng, thú vị đối với du khách, nhất là khách nước ngoài với ẩm thực Lạng Sơn.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/len-xu-lang-di-hoi-long-tong-va-ngam-hoa-dao-408390.html