Lệnh bắt Tổng thống Yoon Suk-yeol khiến chính trường Hàn Quốc thêm hỗn loạn
Các điều tra viên đặc biệt đã bị lực lượng an ninh dinh Tổng thống Hàn Quốc cùng những người ủng hộ ông Yoon Suk-yeol ngăn cản không cho bắt giữ nhà lãnh đạo này vào chiều 3/1. Xã hội và chính trường Hàn Quốc vẫn tiếp tục chia rẽ sâu sắc xung quanh việc luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Vì sao CIO không bắt được ông Yoon?
Các điều tra viên tại Văn phòng Điều tra tham nhũng dành cho các quan chức cấp cao Hàn Quốc (CIO) đã hủy bỏ nỗ lực bắt giữ Tổng thống Yoon Suk-yeol vào ngày 3/1, sau nhiều giờ đối đầu với lực lượng cận vệ của Phủ Tổng thống và hàng nghìn người ủng hộ ông Yoon.
Căng thẳng bắt đầu leo thang vào sáng sớm ngày 3/1, khi các điều tra viên cố gắng đi qua một con đường bị quân đội chặn lại theo chỉ đạo của Cơ quan An ninh Tổng thống (PSS) và những người ủng hộ gần khu nhà ở của ông Yoon tại Hannam-dong, trung tâm Seoul.
Khoảng 2.700 cảnh sát đã được triển khai để duy trì trật tự và ngăn chặn các cuộc đụng độ tiềm tàng giữa các điều tra viên và những người ủng hộ ông Yoon. Theo CIO, một nhóm gồm khoảng 30 điều tra viên phải mất gần 3 giờ mới vào được bên trong khu vực dinh thự của Tổng thống. Nhưng, khi đi được vài trăm mét, họ bị chặn lại bởi “một bức tường” gồm khoảng 200 lính đặc nhiệm và khoảng 10 chiếc xe. Các điều tra viên đã trình lệnh bắt giữ tổng thống và lệnh khám xét nơi ở của ông, nhưng đã bị Giám đốc PSS Park Chong-jun từ chối cho vào với lý do hạn chế các khu vực được bảo vệ.
Viện dẫn những lo ngại về an toàn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, CIO đành hủy bỏ kế hoạch thực thi lệnh của tòa án để bắt giữ ông Yoon. “Chúng tôi đã dừng việc thực thi lệnh bắt giữ vào khoảng 1h30 chiều do lo ngại về an toàn, vì có vẻ như không thể thực hiện được lệnh này trong bối cảnh xảy ra xung đột”, CIO tuyên bố trong một thông cáo vào đầu giờ chiều ngày 3/1 ngay sau khi rút lui. “Các kế hoạch tiếp theo sẽ được quyết định sau khi xem xét. Chúng tôi bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về việc nghi phạm từ chối tuân thủ các thủ tục được thiết lập hợp pháp”.
Bên cạnh đó, nhóm điều tra, bao gồm các thành viên từ CIO, lực lượng cảnh sát và đại diện Bộ Quốc phòng, cho biết họ sẽ buộc tội Giám đốc PSS vì cáo buộc cản trở công lý. Một quan chức cho biết: “Hôm 4/1, chúng tôi đã yêu cầu Giám đốc và Phó Giám đốc PSS phải ra hầu tòa vì hành vi cản trở công lý”.
Theo luật pháp Hàn Quốc, nhiệm vụ của Cơ quan An ninh Tổng thống (PSS) là bảo vệ nhà lãnh đạo của đất nước - và ông Yoon, bị luận tội mặc dù không bị cách chức, vẫn là người đứng đầu được bầu của đất nước trong khi chờ Tòa án Hiến pháp xem xét vụ việc. Do đó, PSS dường như coi vụ bắt giữ này là mối đe dọa đến sự an toàn của Tổng thống, Giáo sư Kim Seon-taek thuộc Đại học Hàn Quốc tại Seoul, chuyên gia về luật hiến pháp, cho biết. “Đây là lý do tại sao có xung đột”, ông Kim nói.
Hàn Quốc chia rẽ vì vụ luận tội Tổng thống
Tổng thống Yoon Suk-yeol, người đang bị điều tra vì tội nổi loạn cùng nhiều tội danh khác sau nỗ lực ban hành thiết quân luật ngắn ngủi hồi tháng trước, đã từ chối 3 lệnh triệu tập để ra hầu tòa. Ông và các luật sư của mình coi việc giám sát pháp lý là bất hợp pháp. Vì thế, ngày 1/1, một tòa án ở Seoul đã ban hành lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo 64 tuổi này.
Nhưng, ông Yoon và các luật sư bào chữa chỉ trích lệnh bắt giữ là “bất hợp pháp và không có giá trị”, đồng thời yêu cầu thẩm phán ban hành lệnh này phải bị điều tra. Họ đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc để đình chỉ lệnh bắt giữ, cũng như đơn phản đối riêng lên tòa án cấp dưới về lệnh này.
Sau nỗ lực bất thành vào ngày 3/1, CIO đã giao cho lực lượng cảnh sát nước này thi hành lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk-yeol. Lệnh này chỉ có hiệu lực đến hết ngày 6/1 và CIO ngay vào sáng 6/1 cũng đã sẵn sàng cho kịch bản xin lại lệnh mới. Nếu bị bắt giữ, Tổng thống Yoon có thể bị giam giữ tới 48 giờ để thẩm vấn theo lệnh hiện hành, liên quan đến các cáo buộc nổi loạn và lạm dụng quyền hạn. Theo luật Hàn Quốc, các điều tra viên có quyền xin lệnh bắt chính thức trước khi hết thời hạn 48 giờ tạm giữ nghi phạm đối với các vụ án hình sự nghiêm trọng. Nếu được tòa án chấp thuận, nghi phạm có thể bị giam giữ tới 6 tháng.
Tất nhiên, ông Yoon không chấp nhận kịch bản như vậy và kiên quyết “kháng cự”. Nỗ lực này của nhà lãnh đạo 64 tuổi cũng như sự bất lực của các nhà điều tra trước lực lượng an ninh bảo vệ tổng thống càng khiến cuộc khủng hoảng chính trị tại xứ sở kim chi thêm trầm trọng.
Các cuộc biểu tình đối đầu vốn đã diễn ra trên khắp Hàn Quốc trong những tuần gần đây, giữa những người ủng hộ hoặc phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol. Những người ủng hộ ông Yoon, bao gồm những YouTuber cực hữu có ảnh hưởng, đã kêu gọi tập hợp một “đội quân nhân dân” để bảo vệ nhà lãnh đạo đang gặp khó khăn này. Họ cũng tụ tập rất đông gần dinh thự của Tổng thống Yoon để phản đối các nhà điều tra từ CIO đến thực hiện lệnh bắt giữ ông.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn Yonhap, hàng chục nghìn người Hàn Quốc đã xuống đường tại thủ đô Seoul hôm 4/1, với 2 phe: một bên bày tỏ sự ủng hộ lệnh bắt giữ ông Yoon và bên còn lại, phản đối việc này.
Thậm chí, hàng trăm người với quần áo ấm để chống chọi với thời tiết giá lạnh và tuyết rơi dày, đã tập trung suốt đêm 4/1 và rạng sáng 5/1 gần dinh thự của Tổng thống Yoon Suk-yeol, kêu gọi phế truất và bắt giữ ông. Còn trên nghị trường, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập chính, ông Park Chan-dae, cũng hối thúc cơ quan chống tham nhũng hành động nhanh chóng để bắt giữ ông Yoon, đồng thời cáo buộc cơ quan này “do dự và để thời gian trôi qua”.
Hỗn loạn đến bao giờ?
Sự hỗn loạn chính trị xảy ra vào thời điểm cực kỳ nhạy cảm với Hàn Quốc, khi nước này đối diện với nhiều khó khăn kinh tế cũng như tâm lý nặng nề của công chúng sau những thảm kịch liên tiếp xảy ra gần đây, từ vụ tai nạn máy bay của Jeju Air khiến 179 người thiệt mạng hôm 29/12 đến vụ lật phà ở vùng biển gần thành phố Seosan hôm 30/12 và mới nhất là vụ một người đàn ông cố tình đâm xe vào đám đông ở Seoul hôm 31/12 làm 13 người bị thương.
Nổi lên ở trung tâm của bối cảnh hỗn loạn hiện tại, vụ luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol được xem như mồi lửa cho một chuỗi các sự kiện rung chuyển chính trường Hàn Quốc mà hiện vẫn chưa biết khi nào kết thúc. Bởi, sau khi ông Yoon bị luận tội, Thủ tướng Han Duck-soo, người được giao kiêm nhiệm chức vụ quyền Tổng thống cũng bị Quốc hội do phe đối lập kiểm soát luận tội sau vì từ chối bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Hiến pháp, nơi mới chỉ có 6 trong 9 ghế được lấp đầy.
Cơn lốc sự kiện đã khiến ông Choi Sang-mok, người đứng thứ ba trong danh sách kế nhiệm tổng thống, nắm giữ tới 4 vị trí hàng đầu của đất nước: quyền Tổng thống, quyền Thủ tướng và các vai trò trước đây của ông là Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính. Nhằm “chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị và xung đột xã hội càng sớm càng tốt”, ông Choi hôm 1/1 đã bổ nhiệm các thẩm phán cho 2 trong số 3 ghế đang bỏ trống tại Tòa án Hiến pháp. Nhưng, điều đó ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền: nhiều trợ lý tổng thống cấp cao từng phục vụ ông Yoon Suk-yeol đã nộp đơn từ chức.
Giáo sư Kim Seon-taek cho biết thêm: ông Choi Sang-mok, với tư cách là quyền Tổng thống, có thể chỉ đạo lực lượng an ninh bảo vệ dinh thự của Tổng thống bị luận tội Yoon Suk-yeol tránh sang một bên và cho phép các nhà điều tra tiến vào bắt giữ ông Yoon. Nhưng, đã không có động thái như vậy xảy ra và ông Choi cũng chưa có bất cứ bình luận công khai nào về vấn đề này.
Bất luận diễn biến tiếp theo liên quan đến vụ bắt giữ ông Yoon như thế nào thì sự nghiệp chính trị của nhà lãnh đạo 64 tuổi này vẫn phải chờ phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Nếu tòa nhất trí với việc luận tội, Tổng thống Yoon Suk-yeol, người đã đi được một nửa chặng đường trong nhiệm kỳ 5 năm dự kiến kết thúc vào năm 2027, sẽ bị phế truất khỏi chức vụ và mất quyền miễn trừ của tổng thống, quyền này bảo vệ các nhà lãnh đạo Hàn Quốc khỏi mọi cáo buộc ngoại trừ một số ít cáo buộc, chẳng hạn như tội nổi loạn hoặc phản quốc.
Trong trường hợp đó, một cuộc bầu cử để tìm ra tổng thống mới sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày và ứng cử viên sáng giá nhất hiện nay là lãnh đạo phe đối lập Lee Jae-myung, đối thủ chính trị của ông Yoon, người đã dẫn đầu chiến dịch luận tội nhà lãnh đạo này. Nhưng, trên lý thuyết, Tòa án Hiến pháp có 6 tháng để xem xét vụ việc và từ giờ cho đến khi các thẩm phán đưa ra phán quyết cuối cùng, chưa biết còn những diễn biến hỗn loạn nào xảy ra thêm nữa với chính trường Hàn Quốc.