Lệnh cấm dầu chưa phải 'đòn chí mạng' của EU, Nga 'hết cửa' ung dung tìm khách hàng mới

Lệnh cấm nhập khẩu 90% lượng dầu Nga của EU vào cuối năm nay không phải là 'đòn' đau nhất giáng xuống Moscow. Giới chuyên gia nhận định, hoạt động xuất khẩu dầu của Nga sẽ bị tác động mạnh bởi điều khoản thứ hai trong gói trừng phạt thứ 6 của EU.

EU muốn loại bỏ dần tất cả dầu của Nga qua đường biển, bao gồm cả các chuyến hàng từ Bắc Cực. (Nguồn: Gazprom)

EU muốn loại bỏ dần tất cả dầu của Nga qua đường biển, bao gồm cả các chuyến hàng từ Bắc Cực. (Nguồn: Gazprom)

Nga ung dung "lách" lệnh cấm dầu

Ngày 30/5, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý ngay lập tức ngừng nhập khẩu đối với 2/3 lượng xăng dầu từ Nga. Khối này có kế hoạch dừng nhập khẩu khoảng 90% dầu Nga vào cuối năm nay.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc EU cấm dầu Nga có thể sẽ không quá ảnh hưởng đến "túi tiền" nền kinh tế Moscow. Các nước khác, bao gồm các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ vẫn sẽ nhập khẩu nhiên liệu của Nga và cung cấp cho Điện Kremlin một nguồn thu nhập thay thế.

Alan Gelder, phó chủ tịch thị trường lọc dầu, hóa chất và dầu tại công ty nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie cho biết: “Chúng tôi nhận thấy, phần lớn khối lượng dầu Nga đã tìm thấy thị trường mới, trong đó châu Á là thị trường triển vọng nhất. Điều này giúp doanh thu của Nga vẫn ổn định".

Nhà nghiên cứu Kristine Berzina, trưởng nhóm địa chính trị tại Liên minh bảo vệ dân chủ (ASD) cho rằng, lệnh cấm dầu Nga không có hiệu lực ngay lập tức, vì vậy, quốc gia này có thêm thời gian để tìm kiếm khách hàng mới.

Theo bà Kristine Berzina, giá dầu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này mang lại lợi ích cho Nga khi quốc gia này vẫn tiếp tục bán dầu và khuyến khích Trung Quốc, Ấn Độ mua thêm dầu.

Theo dữ liệu từ Refinitiv, tháng 5/2022, Trung Quốc đã nhập 800.000 thùng xăng dầu mỗi ngày của Nga. Khối lượng đã tăng hơn 40% so với tháng 1/2022.

Con số này cho thấy, Trung Quốc đang “săn lùng” giá dầu thô giá rẻ của Nga.

Nhập khẩu dầu từ đường biển của Ấn Độ đối với dầu của Nga cũng tăng vọt từ mức 0 trong tháng 1/2022 lên gần 700.000 thùng/ngày vào tháng 5/2022.

Takayuki Nogami, nhà kinh tế trưởng tại Japan Oil, Gas and Metals National Corp., cho biết: "Các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga đã khiến giá dầu tại quốc gia này giảm mạnh và các quốc gia khác có thể mua dầu thô của Moscow với giá rẻ”.

Dầu thô Urals của Nga - hầu hết được bán sang thị trường châu Âu, hiện giao dịch quanh mức 90 USD/thùng. Dầu thô Brent chuẩn quốc tế bán cao hơn khoảng 35 USD/thùng.

Dầu thô ESPO của Nga - chủ yếu xuất khẩu sang châu Á có giá khoảng 94 USD/thùng, thấp hơn khoảng 20 USD so với dầu thô Dubai, vốn được coi là chuẩn mực của châu Á. Trước đó, giá chỉ chênh lệch vài USD.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giá dầu thô Urals đã tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Cùng với việc giá dầu thế giới tăng, Trung Quốc và Ấn Độ tăng mua dầu Nga đã tác động đến giá dầu của đất nước này, bất chấp các lệnh trừng phạt.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu từ tháng 1/2022 đến tháng 4/2022 đã tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Than của Nga được hưởng lợi từ một động lực tương tự. Theo dữ liệu từ công ty Argus Media, bất chấp lệnh cấm nhập khẩu của phương Tây, giá than dao động quanh mức 148 USD/tấn vào cuối tháng 5/2022.

Mặc dù giá trị thấp hơn nhiều so với khoảng 330 USD/tấn đối với than ICE Rotterdam nhưng giá than của Nga vẫn cao gấp đôi so với một năm trước đó.

Ấn Độ, Trung Quốc và một số nhà nhập khẩu mạnh tay mua than Nga, giúp sản phẩm này tăng giá.

Đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), Giám đốc điều hành kinh doanh hàng hóa của Goldman Sachs Toshiyuki Makabe cho hay, giá LNG châu Á nằm trong khoảng 20 USD/1 triệu BTU (đơn vị nhiệt của Anh), nhưng LNG của Nga ở Trung Quốc "đang được giao dịch với mức chiết khấu đáng kể".

Hiện tại, Mỹ và châu Âu đang "thúc giục" Trung Quốc và Ấn Độ hạn chế mua dầu và than của Nga. Nhưng nguồn cung cấp giá rẻ của Nga mang lại một lợi thế kinh tế to lớn cho Bắc Kinh và New Delhi do giá năng lượng toàn cầu đang tăng cao.

"Đòn" đau nhất giáng xuống Moscow

Ben Cahill, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, lệnh cấm vận dầu Nga của EU có thể khiến Nga mất 1 triệu thùng dầu/ngày. Năm ngoái, Nga xuất khẩu gần 5 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, "đòn" giáng mạnh hơn nhiều vào hoạt động xuất khẩu dầu của Nga, gây ra những hậu quả đáng kể trên thị trường tàu chở dầu toàn cầu và giá dầu đến từ điều khoản thứ hai trong gói trừng phạt thứ 6 của EU.

Điều khoản này cấm các nhà khai thác trong khối tài trợ, đảm bảo vận chuyển dầu Nga tới các nước bên thứ ba. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm không được bán bảo hiểm cho các tàu chở dầu Nga trên khắp thế giới. Anh cũng tham gia vào điều khoản này.

Các nhà phân tích nhận định, lệnh cấm trên sẽ đặc biệt làm khó Moscow trong việc tiếp tục xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của họ tới phần còn lại của thế giới. Bên cạnh đó, xuất khẩu của Nga từ các dự án dầu ở Bắc Cực sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì rủi ro nợ phải trả cao hơn.

Các tàu chở dầu thường có hai loại bảo hiểm. Thứ nhất là bảo hiểm thân tàu và máy móc, để phòng trường hợp có tổn thất vật lý đối với tàu. Thứ hai là bảo hiểm bảo vệ và bồi thường (P&I), phòng trường hợp phát sinh trách nhiệm đối với bên thứ ba.

Theo đại diện của International Group of P&I Clubs - tổ chức gồm các câu lạc bộ bảo hiểm thành viên ở Na Uy, Anh, EU và một số quốc gia khác nói rằng, tổ chức này sẽ ngừng cung cấp bảo hiểm cho những con tàu chở dầu Nga nếu lệnh cấm của EU được đưa ra.

Các nhà phân tích cho rằng, gần như không có công ty nào sẵn sàng chở dầu nếu con tàu bị các hãng bảo hiểm từ chối.

Erik Broekhuizen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tàu chở dầu tại Poten & Partners nhận định, lệnh cấm nhà khai thác EU tài trợ hoặc đảm bảo vận chuyển dầu Nga là "một vấn đề lớn" và có thể có tác động đáng kể đến hoạt động buôn bán dầu và các sản phẩm dầu của Nga qua đường biển.

Ông Erik Broekhuizen nhấn mạnh: "Đó là một cú đấm có một không hai. EU muốn loại bỏ dần tất cả dầu của Nga qua đường biển, bao gồm cả các chuyến hàng từ Bắc Cực của Nga.

Nga đang cố gắng chuyển hướng xuất khẩu dầu sang châu Á nhưng khi EU đưa ra lệnh cấm bảo hiểm, người Nga sẽ khó bán dầu thô sang các quốc gia khác".

(theo The Hill, Nikkei Asia, High North News)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lenh-cam-dau-chua-phai-don-chi-mang-cua-eu-nga-het-cua-ung-dung-tim-khach-hang-moi-186559.html