Trong những năm tới, nếu cấm vận LNG Nga (khí tự nhiên hóa lỏng), thế giới sẽ phải đối diện cuộc khủng hoảng năng lượng rất nghiêm trọng, hãng tin Bloomberg đưa ra nhận định nói trên.
Ấn phẩm truyền thông của Mỹ nhấn mạnh yếu tố gây bất ổn trên thị trường chính là lệnh trừng phạt được Washington áp đặt đối với dự án LNG-2 ở Bắc Cực của Nga, đi kèm với đó là nhu cầu ngày càng tăng.
Khách hàng chính của loại nhiên liệu nói trên hiện bao gồm các quốc gia châu Á. Bên cạnh đó, châu Âu cũng đang tăng cường tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng trong những năm gần đây.
"Hiện nhu cầu về LNG đang tăng lên ở châu Á, khi đây là loại nhiên liệu chính được tiêu thụ, và tiếp theo là châu Âu - nơi đang từ bỏ khí đốt truyền dẫn qua đường ống để chuyển sang sử dụng LNG".
"Ngoài ra việc gia tăng khối lượng cung cấp là điều không thể: các nhà máy LNG mới ở Mỹ và Qatar sẽ chỉ đi vào hoạt động trong vài năm nữa và khoảng 1/4 số cơ sở hiện có trên thế giới đã trên 20 năm, luôn tiềm ẩn nguy cơ gặp sự cố", hãng tin Bloomberg cho biết.
Các nhà cung cấp LNG trên thế giới cũng đồng ý với nhận định trên. Điển hình như Qatar từng thừa nhận rằng họ dự kiến sẽ thiếu nhiên liệu xanh vào giai đoạn 2025 - 2030.
Đáng chú ý, khi nói về nguyên nhân khiến thị trường LNG sắp xảy ra tình trạng thiếu hụt, cả giới phân tích và thương nhân đều nhận xét việc thiếu đầu tư vào sản xuất là một trong những lý do chủ đạo.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia năng lượng không có xu hướng kịch tính hóa tình hình, họ khẳng định rằng giá nhiên liệu tăng mạnh như trường hợp năm 2022 sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên những biến động nhất định trên thị trường là có thể, thậm chí khả năng này ở mức rất lớn. Thực tế trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ví tiền của người tiêu dùng cũng như tâm lý của các nhà giao dịch.
Trong diễn biến mới nhất, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã gần đạt được thỏa thuận trừng phạt khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga, nhưng cuộc đàm phán đã đổ vỡ vào phút cuối.
Một nhà ngoại giao giấu tên cho biết, các nước EU đã không thể đi tới thống nhất về biện pháp trừng phạt mới áp dụng đối với nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga.
Đặc biệt hơn nữa, Đức đã dứt khoát hủy bỏ thỏa thuận này, bước đi nói trên mang tính lịch sử khi quốc gia lãnh đạo Liên minh châu Âu về kinh tế lên tiếng phản đối một cách dứt khoát.
Bản chất của gói trừng phạt mới là cấm các nước tái xuất khẩu LNG của Nga từ các cảng của EU nhằm ngăn chặn việc cấp nhiên liệu cho các trạm LNG ở Bắc Cực và Baltic của Liên bang Nga.
Quyền phủ quyết được đưa ra do sự chia rẽ trong liên minh trung tả 3 đảng, với một bên là Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz, hai đảng còn lại là Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do đồng ý với lệnh cấm vận LNG.
"Họ từng nói rằng chúng ta nên đổ lỗi cho Hungary vì đã ngăn chặn các lệnh trừng phạt, nhưng giờ Đức lại bắt đầu làm điều này", nhà ngoại giao giấu tên nhấn mạnh.
Như vậy hiện tại nguy cơ LNG Nga chịu thêm biện pháp cấm vận mới đã tạm thời bị đẩy lùi, tuy nhiên chưa có gì bảo đảm vấn đề trên không được mang ra xem xét lại trong thời gian tới.
Việt Dũng