Lênh đênh nghiệp biển

Nhiều người ra khơi mãi mãi không về, nhưng nghiệp biển đối với con dân vùng quê này vẫn là niềm đam mê.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân Thuận An

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân Thuận An

Làng Thai Dương Thượng Hạ Giáp với 5 tổ dân phố (TDP) thuộc phường Thuận An, TP. Huế, nằm trải dài từ cửa biển Thuận An đến đập Hòa Duân. Ngôi làng bao đời nay con dân sống nhờ biển cả giờ đây cuộc sống có vẻ đã khấm khá hơn. Nếu xưa kia đâu đâu cũng là cát thì nay nhà cửa khang trang, mọc lên san sát. Dưới bến là những con tàu cá dài hàng chục mét sẵn sàng rẽ sóng ra khơi.

Sinh tử

Căn nhà của gia đình bà Phan Thị Tẹt (65 tuổi, TDP Hải Bình, phường Thuận An) nay không còn cảnh “phên dậu” như trước. Giờ đây, nó được xây cất kiên cố và cứ mỗi cuối tuần lại đón con cháu về chơi.

Vá lưới sau chuyến ra khơi

Vá lưới sau chuyến ra khơi

Ngày đông trời nhanh tối. Cơn mưa nặng hạt kéo dài lê thê khiến bà Tẹt hồi nhớ đến câu chuyện buồn cách đây hơn 30 năm. Đó là buổi chiều ngày 12 tháng 11 năm Canh Ngọ (1992), trong một lần bám biển, chồng bà Tẹt mãi mãi ra đi ở tuổi 37. Bà kể rằng vào sáng hôm đó trời yên, gió nhẹ, 4 giờ sáng thì chồng cùng đứa con trai đầu mới 16 tuổi, 2 người em trai, một người em rể và một người bà con gánh dầu xuống chiếc tàu nhỏ đi đánh cá.

Tàu của họ chỉ đánh cách bờ chừng 6-7 hải lý, rồi tầm 11 giờ trưa bắt đầu quay vào. Ông Trần Công – chồng bà Tẹt cầm lái, chiếc tàu chầm chậm vào cửa Thuận An khi tiết trời không được thuận. Biển động, sóng cao. Một con sóng lớn vỗ vào mạn khiến con tàu bị nghiêng bên phải.

Ông Trần Công cùng người đi bạn rơi xuống biển, 3 người còn lại cố gắng bấu víu thành tàu, mặc cho con sóng xô. Ông Trần Sấm (em trai ông Công) lấy hết sức men theo mạn tàu ra phía sau rồi hạ chiếc xuồng câu xuống nước, “đạp” sóng cố tìm người mất tích. Sau một thời gian “quần thảo” với sóng lớn, ông Sấm chỉ cứu được người đi bạn, còn anh trai mình chìm dần theo con nước.

 Tàu cá ông Trần Quân trong một lần đánh bắt cá trên biển

Tàu cá ông Trần Quân trong một lần đánh bắt cá trên biển

Bà Tẹt nghe chồng gặp nạn liền lội bộ ra tới cửa Thuận An để ngóng trông. Trên bờ người đông nghẹt. Khói hương nghi ngút như cầu mong một sự lành cho người mất tích. Trời tối, mưa lạnh, nhưng bà Tẹt vẫn ngồi ở cửa biển. Sóng vỗ mạnh hơn, người thân khuyên bà nhiều hơn nhưng có lẽ bà không còn nhận thức được điều gì cả.

Để bà Tẹt vào nhà, một người em trai chồng bèn nghĩ ra cách nói dối rằng thi thể của ông đã được tìm thấy, dân làng đang đưa vào nhà lo hậu sự. Bà nghe theo mà nhảy lên chiếc ghe nhỏ để từ cửa Thuận An theo phá Tam Giang vào nhà. Chiếc ghe nhỏ đi được nửa chặng đường, phía trên bờ nhiều người thấy cứ ngỡ thi thể ông Công đã tìm thấy nên cố hỏi: “Tìm thấy rồi à? Ở mô rứa?”. Mọi người trên ghe xua tay, cố ra hiệu hãy im lặng nhưng bà Tẹt đã nhận ra mình bị lừa nên bất ngờ nhảy xuống phá Tam Giang như người vô hồn và lội vào bờ.

Thời điểm đó giao thông cách trở, người thân, hàng xóm phải chia thành hai hướng, một hướng đi bộ dọc bãi biển xuống phía nam, nhóm còn lại lên phương bắc để tìm kiếm thi thể chồng bà Tẹt. Hai ngày sau, chính quyền địa phương nhận được thông báo dân làng ở xã Điền Môn, huyện Phong Điền phát hiện một thi thể nam trôi dạt vào bờ biển.

Căn nhà nhỏ của bà Tẹt khi ấy không chứa nổi chiếc quan tài nên đám tang của chồng đành tổ chức ở trên khu đất trống cạnh bên. Chồng ra đi, bà Tẹt một mình chèo chống nuôi 6 người con, người lớn nhất khi đó mới 16 tuổi, nhỏ nhất 6 tuổi.

Sau chuyến đi biển kinh hoàng đó, ông Trần Sấm quyết định chuyển sang nghề bủa lưới trong phá Tam Giang. Nhưng thu nhập bấp bênh, dù sao nghề biển vẫn dễ kiếm tiền nên nghỉ được vài tháng thì ông quyết định trở lại đi bạn cho các tàu cá trong vùng.

2 giờ chiều ngày 12 tháng 10 năm Nhâm Thân (1992), trời nắng, gió nhẹ, biển êm. Con tàu 200CV của ông Võ Điểu chở 8 ngư dân bắt đầu “đạp” sóng ra khơi. Rời cửa Thuận An, họ nhằm hướng đông bắc mà đi, khi cách bờ tầm 25-30 hải lý thì bắt đầu bủa cá. “Trước khi đi chúng tôi đã nghe đài báo biển sẽ động sau đó vài ngày. Hồi đó đi biển chỉ vô trong ngày, đánh bắt không có thì mới ở đến ngày sau là vào bờ thôi” - ông Sấm kể lại.

Sáng ngày hôm sau, con tàu ông Võ Điểu cùng với đoàn tàu đánh cá ở Thuận An nối đuôi nhau vào bờ. Thời tiết chuyển xấu, biển động. Tại cửa Thuận An sóng khá cao, biển “mòi”. Trên cabin tàu, ông Điểu đứng một bên vô lăng, bên kia là một ngư dân khác, họ cùng nhau điều khiển chiếc tàu cá vượt cửa vào bờ. Sóng xô bên này thì người lái bên kia ghì lại. Cứ vậy, hai người dùng hết sức để lái con tàu chống chọi với sóng. Nước cạn chưa tới 3m nhưng sóng khá cao khiến con tàu nghiêng từ từ rồi lật úp. Họ nhảy khỏi tàu. Chủ tàu cá Võ Điểu và người cháu Võ Cường nhanh chóng chìm xuống nước, mất tích ngay sau đó.

6 ngư dân còn lại bị sóng xô ra xa rồi lại đẩy vào cửa. Mọi người cố thả mình theo con sóng. Kinh nghiệm đi biển nên các ngư dân biết cách không hoảng loạn, dành sức. Sóng lớn ập vào thì họ lặn xuống, sóng qua lại ngoi lên túm lấy tấm phao mà thở. Sóng đẩy ra xa thì họ chụm lại với nhau để cùng hợp sức chống chọi. Họ cố gắng tìm kiếm những thứ gì từ tàu cá rơi xuống đang nổi trên mặt nước để bám víu. Ngư dân Trần Sấm vớ được chiếc thùng, ông nhanh chóng mở nắp đổ hết nước bên trong rồi đậy lại làm phao…

Từ trong phá Tam Giang, hàng chục chiếc tàu cá của ngư dân chạy hết tốc lực ra ứng cứu. Nhưng ở khoảng giao giữa biển và phá, sóng vỗ mạnh, cao 2-3m nên họ không thể tiếp cận những người đang chới với giữa sóng. Họ đành đứng từ xa, dùng hết sức quăng những sợi dây thừng xuống nước với hy vọng người gặp nạn vớ được để kéo lên.

Trên bờ, đoạn ở doi cát sát cửa biển, người thân, hàng xóm đứng chen kín cả một khoảng. Họ đội mưa cầu mong cho người chồng, người cha của mình được cứu sống. Gần 3 giờ trôi qua, từng người một đã may mắn túm lấy được sợi dây và sống sót. Trong vụ tai nạn này người dân Thuận An lại mất đi 2 người con, vài ngày sau thi thể của chú cháu ông Võ Điểu được tìm thấy tại bờ biển Đà Nẵng.

Sống với nghề

Ba năm một lần, làng Thai Dương Thượng Hạ Giáp lại tổ chức lễ hội cầu ngư để tưởng nhớ vị Thành hoàng của làng là Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều) – người có công dạy cho dân nghề đánh cá và buôn bán ghe mành.

Theo lịch sử của làng, những năm giữa thế kỷ XVI, ngài họ Trương từ Gia Miêu ngoại trang (Thanh Hóa), theo chúa Nguyễn Hoàng tiến vào trấn thủ đất phương Nam. Ông được sai bảo về đại Trường Sa (dải cát dài ven biển) khai khẩn đất đai lập làng Thai Dương ở Thuận An và xã Hải Dương (TP. Huế) bây giờ. Trải qua hàng trăm năm, nghề đánh cá biển dù bao vất vả nhưng nhiều người ở ngôi làng này vẫn mê biển, sống với nghề.

Thời cha ông của họ đi biển theo mùa, thấy trời quang mây tạnh, biển êm thì “đạp” sóng ra khơi kiếm con cá vào ăn. Ra giữa biển khơi, họ chỉ biết lấy ngọn núi Kim Phụng – cách cửa Thuận An tầm 15km về phía Tây - để đánh dấu vị trí ra vào cửa. Nhưng giờ đây, ngư dân của làng đã sở hữu những con tàu lớn, công suất lên đến 1.000CV với trang thiết bị hiện đại như máy định vị, điện thoại vệ tinh, máy dò cá…

Sau đợt không khí lạnh suy yếu, hai chiếc tàu cá TTH - 9555TS có công suất 410CV và TTH - 95599 TS (650CV) của ngư dân Trần Quân (SN 1975; trú ở tổ dân phố Hải Tiến, làng Thai Dương Thượng Hạ Giáp) nhanh chóng ra khơi bám biển. Trên mỗi con tàu chở đầy nhu yếu phẩm như gạo, nước mắm, mì tôm, nước uống… đủ cho hơn 30 ngư dân trong 20 ngày trên biển.

Hai chiếc tàu cá ông Quân sau hơn một ngày chạy liên tục thì cũng đến vùng đánh cá. Trời yên, sóng nhẹ, từng đàn cá bắt đầu nổi. Ban đêm họ chong một bóng điện rồi đặt trên một chiếc bè. Một ngư dân chèo ra giữa để thu hút cá. Nhìn thấy ánh sáng, hàng chục đàn cá bơi tới. Chúng bơi cách mặt nước tầm 40-50m. Chiếc tàu cá chạy hết tốc lực và mất khoảng 10 phút để thả hết những tấm lưới dài 1,2km bao quanh đàn cá.

Tiếng máy nổ vang vọng cả một khu biển, những ngư dân trên tàu nhanh chóng thu lưới để bắt cá. Ông Quân nói rằng nghề biển có khi hên, gặp cá nổi ngày đầu thì không có sức để bắt. “Có lúc tôi đánh được mẻ cá đến hơn 20 tấn. Khi mới sắm tàu theo Nghị định 67 tôi đánh bắt được lắm, năm đầu lợi nhuận đến 2 tỷ đồng” - ông Quân cho biết.

Vốn sinh ra từ vùng quê gắn liền với con cá, con tôm bên cửa Thuận An. Lúc nhỏ, ông Quân thường thấy sáng nào mẹ cũng gánh nước xuống ghe cho cha và chị đi biển. Chiều lại cùng mẹ quẩy gánh ra bến đưa cá vào khi ghe cập bến. Nhưng rồi khi vừa mới 5 tuổi, ông Quân mãi mãi mất cha. Đó là một ngày sau Tết Đoan Ngọ năm 1980, những người dân trong làng hớt hải chạy tới báo rằng chiếc ghi của cha và chị ông đã bị ghe khác tông, 2 người chết trên biển.

Khi lớn lên, ông Quân theo học nhiều nghề như thợ may, sửa máy để kiếm sống chứ không dám theo nghiệp biển vì ám ảnh. Nhưng một lần cùng tàu cá người quen trong làng ra khơi, ông Quân thích thú khi nhìn thấy biển rộng bao la, cá từng đàn bơi lặn trên mặt nước. Ông bàn với vợ và quyết định vay tiền mua tàu để gắn với nghiệp biển. Từ một chiếc tàu nhỏ đầu tiên, ông làm lụng tích cóp rồi sắm tàu lớn, có lúc ông sở hữu 3 chiếc để đánh cá.

Đối với ông, nghề đi biển dù có lênh đênh, hiểm nguy nhưng không chỉ là nghiệp mưu sinh mà còn là sự đam mê, đã “ăn” vào máu thịt.

Bài, ảnh: Thuận Hải

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/lenh-denh-nghiep-bien-136965.html