Lênh đênh... phận cò

Thời vàng son đã đi qua, chẳng còn mấy người bám lấy nghề. Đa phần các 'cò đất' phải chuyển đổi ngành nghề và không ít người chọn cách xuất ngoại, kiếm tiền.

* Kỳ cuối: Xuất ngoại mưu sinh

Xuất ngoại làm cho các nông trại nho là công việc đang được một số lao động Việt Nam lựa chọn. Ảnh minh họa

Xuất ngoại làm cho các nông trại nho là công việc đang được một số lao động Việt Nam lựa chọn. Ảnh minh họa

Hoàn cảnh anh Trần N. (1979, trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) là một ví dụ. Thời kỳ bất động sản tại Đà Nẵng và các vùng lân cận lên cơn sốt, anh N. tham gia đội ngũ môi giới. Với bản chất nhanh nhẹn, mỗi ngày có thể môi giới bán được vài lô đất và chẳng mấy chốc tiền N. kiếm được tiền "đông như quân Nguyên". Để có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhóm bạn cùng hội với N. rủ nhau hùn vốn mua đất vườn tại các địa phương vùng ngoại ô, như: Hòa Tiến, Hòa Châu (Đà Nẵng), Đại Hiệp (Quảng Nam)... Sau đó làm thủ tục tách thửa, chuyển mục đích sử dụng để bán cho những người có nhu cầu.

Ban đầu, việc đầu tư theo kiểu hợp tác xã này gặp nhiều thuận lợi song càng về sau chính quyền các địa phương ban hành nhiều cơ chế mới nhằm quản lý thị trường bất động sản, việc làm ăn của N. gặp nhiều khó khăn. Hàng găm đã lâu nhưng không thể tiêu thụ, vốn tồn đọng cộng thêm khoản lãi vay ngân hàng. Cứ thế, vòng xoay vay-trả đã đẩy N. cùng những người bạn vào chỗ thua lỗ, từng tài sản tích cóp được cứ "đội nón" ra đi.

Chẳng còn cách nào khác, N. xin visa du lịch với thời gian 3 tháng để sang châu Đại Dương làm nghề bồi bàn kiếm sống... với mức lương 10-12 đô la Australia/giờ. Công việc như vậy cộng với chăm chỉ, mỗi ngày có thể kiếm được khoảng 1,2 đến 1,5 triệu đồng Việt Nam. Không riêng gì N., nhiều người khác chọn sang Australia, New Zealand làm thêm bằng công việc hái nho hoặc nhiều "cò đất" khác còn trẻ, khỏe đã tự kiếm một nghề đàng hoàng, sang các nước châu Á, như: Hàn Quốc, Nhật Bản... làm công nhân theo diện xuất khẩu lao động.

Theo anh Nguyễn M., trú TX Điện Bàn (Quảng Nam), việc "xuất ngoại" làm công nhân cũng có được thu nhập cao, ổn định và thời gian lao động nhiều hơn thời gian ngủ nghỉ nên dễ tích lũy hơn ở Việt Nam. Éo le hơn là trường hợp anh Hoàng T. S., trú H. Hòa Vang. Cuối năm 2019, khi đất lên cơn sốt, S. cùng một số người bạn chung vốn mua đất đầu cơ chẳng được bao lâu đã bị tuột dốc. Thế là tất cả vốn liếng ky cóp bấy lâu bị bốc hơi gần hết dẫn đến cảnh nợ nần, gia đình tan vỡ. S. đành chọn cơ hội xuất ngoại kiếm tiền bù đắp. Bên cạnh một số người có điều kiện tìm kiếm công việc nơi xứ người thì đa số còn lại tìm kiếm công việc "ngoại tỉnh", tại các địa phương phía Nam, như Bình Dương, Đồng Nai... dù thu nhập không được cao nhưng vẫn đủ sống.

Theo một số người, nguyên nhân dẫn đến việc một số "cò đất" lâm vào cảnh thất nghiệp lại chọn cách "tha hương cầu thực" là do tính sĩ diện hão. Theo đó, vào thời hoàng kim, chỉ tốn một ít nước bọt nhưng có thu nhập mỗi ngày từ vài triệu đồng trở lên, tiền ồ ạt chảy vào túi nên các "cò" chi tiêu chẳng cần tính toán, hào phóng chẳng khác đại gia. Ngoài ra, do thói quen ăn chơi nên không ít người lâm vào cảnh nợ nần, đành chấp nhận cảnh xa xứ, kiếm tiền.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn, theo các chuyên gia về xuất khẩu lao động, việc chọn hình thức du lịch để lao động chui tiềm ẩn nhiều rủi ro vì lương thấp hơn nhiều so với lao động có hợp đồng rõ ràng, không được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, tai nạn của nước sở tại. Nhìn vào con số, việc đi xuất khẩu lao động có thể mang về nhiều ích lợi hơn về tài chính song cả hai hình thức lao động trong nước và ngoài nước đều có ưu điểm lẫn nhược điểm mà người lao động cần hiểu sâu mới có thể lựa chọn chính xác. Lao động trong các khu công nghiệp Việt Nam không đòi hỏi cao về tay nghề, cường độ lao động không quá cao, không quá gò bó về kỷ luật hay thời gian. Người lao động không phải xa quê hương, có người không phải xa nhà, nếu có biến cố hay rủi ro cũng dễ dàng giải quyết. Dù thu nhập không cao nhưng cuộc sống ổn định, dễ chịu, ít biến động. Ngược lại, xuất khẩu lao động tại các thị trường khó tính đòi hỏi cao về tay nghề, cường độ lao động nặng, yêu cầu cao về tính kỷ luật, hợp tác, trách nhiệm. Người lao động phải xa quê hương, khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống nên mất nhiều thời gian để thích nghi cùng những biến cố, cám dỗ thường trực...

Có thể nói môi giới bất động sản là công việc được nhiều người nhắm đến. Tuy nhiên, để việc làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng bất động sản thực sự lành mạnh, đòi hỏi Nhà nước cần có những cơ chế, quy định rõ ràng đối với những người hoạt động trong lĩnh vực này. Có như vậy mới tránh được tình trạng nhà nhà làm "cò", người người làm "cò", tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong quá trình mua bán, chuyển nhượng đất đai và tránh những hệ lụy xấu như đã xảy ra.

M.T

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/lenh-denh-phan-co-ky-cuoi-xuat-ngoai-muu-sinh-post283992.html