Lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất ô tô của Nga
Các nhà máy Volkswagen, Renault và Stellantis ở Nga có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt nếu phương Tây chính thức áp đặt.
Theo Reuters ngày 25/2/2022, các hãng xe Volkswagen, Renault và Stellantis đều có nhà máy lắp ráp ô tô ở Nga, với tư cách cổ đông sở hữu từng phần hoặc toàn phần.
Dieter Zetsche của Daimler, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier tại lễ khai trương nhà máy Mercedes Benz
Cụ thể, tập đoàn Renault là đáng ngại nhất khi hãng xe Pháp sở hữu cổ phần kiểm soát tại AvtoVAZ, công ty chuyên sản xuất xe Lada, thương hiệu phổ biến nhất ở Nga.
CEO của Renault, ông Luca de Meo cho biết hầu hết linh kiện phụ tùng của nhà máy chế tạo xe Lada đều có sẵn tại Nga, tuy nhiên cũng phải dự trù nguồn cung cấp vi mạch dự phòng, trong trường hợp các lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng đến việc giao hàng vi mạch tới Nga.
Trong khi đó, Volkswagen và Stellantis đều có nhà máy ở Kaluga, một thành phố cách Moscow 180 km về phía tây nam, nơi được coi là một trung tâm ô tô của Nga.
Volkswagen chế tạo dòng xe Tiguan, Polo và Skoda Rapid, đồng thời lắp ráp xe Audi Q7 và Q8 SUV ở đó.
Trụ sở văn phòng điều hành của Volkswagen tại Nga
Stellantis và Mitsubishi cùng vận hành một nhà máy chuyên sản xuất và xuất khẩu xe tải Mitsubishi sang châu Âu.
Kaluga cũng là nơi đặt nhà máy của các nhà cung cấp linh kiện phụ tùng lớn như Continental, Magna và Visteon.
BMW không có nhà máy sản xuất xe hơi hoàn thiện ở Nga, nhưng họ chế tạo các thành phần khung gầm tại nhà máy Avtotor ở Kaliningrad.
Gần đây, Mercedes đã đầu tư hơn 284 triệu đô la vào một nhà máy ở Kaluga để chế tạo dòng E-Class và SUV.
Người phát ngôn của Mercedes nói với tờ Automotive News Europe: “Chúng tôi rất lo ngại về những diễn biến gần đây của chiến sự, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của chúng tôi ở Nga".