Lệnh trừng phạt không đủ giáng 'đòn chí tử', kinh tế Nga vẫn gặp rắc rối trên chính sân nhà
Nhận định về kinh tế Nga trong một cuộc phỏng vấn với CNN, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus nói rằng, mọi chuyện không tệ như nhiều người mong đợi, nhưng đất nước này đang gặp rắc rối trên sân nhà.
Cựu Giám đốc CIA trích dẫn một loạt diễn biến cho thấy, nền kinh tế Nga đang chịu tổn thất không nhỏ. Đơn cử như thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng, sự rút lui của hơn 1.000 công ty lớn của phương Tây và sự chia cắt với với nhiều quốc gia châu Âu.
Hãng tin Reuters cũng dẫn số liệu từ Bộ Tài chính Nga cho rằng, doanh thu từ dầu khí nước này đã giảm 47% xuống còn 3,38 nghìn tỷ Ruble (37,4 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2023, so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, ông Petraeus nhận thấy, Moscow cũng phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám do quá nhiều nhân tài rời khỏi đất nước, kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022.
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực công nghệ, Washington Post đưa tin, có tới 70.000 chuyên gia đã rời Nga.
Trước làn sóng rời đi của các chuyên gia công nghệ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua luật xóa bỏ thuế thu nhập từ nay đến năm 2024 đối với những cá nhân làm việc cho các công ty công nghệ thông tin. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để "lôi kéo" các chuyên gia trở về nhà.
Song song với đó, theo cựu Giám đốc CIA, dù không giáng một "đòn chí tử" vào nền kinh tế Nga nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến nước này gặp khó.
Kể từ tháng 2/2022, Mỹ và nhiều đồng minh đã áp lệnh trừng phạt được cho là mạnh mẽ chưa từng thấy lên Moscow.
Các biện pháp này cũng được thắt chặt trong thời gian qua, từ hạn chế khả năng Nga giao dịch với các ngân hàng trên thế giới, cho tới áp lệnh cấm nhập khẩu công nghệ, "tẩy chay" các sản phẩm năng lượng và áp giá trần dầu mỏ nhằm ngăn chặn nguồn doanh thu hàng đầu của Moscow.
Mục tiêu đằng sau các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga là khiến nước này không đủ nguồn lực để tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
Ông Petraeus nhận thấy, chiến dịch trừng phạt Nga của phương Tây “rất ấn tượng” và Mỹ cần tiếp tục thắt chặt các lệnh trừng phạt này. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cần "để mắt đến" bên thứ ba - những đất nước đang giúp cho Moscow "né" trừng phạt.
Một báo cáo do công ty tư vấn rủi ro Corisk có trụ sở tại Na Uy công bố cho thấy, Nga có cách để các công ty nước ngoài bán hàng của phương Tây sang đất nước này.
Dữ liệu hải quan từ 12 quốc gia EU, Na Uy, Anh, Mỹ và Nhật Bản chứng minh, việc lách các lệnh trừng phạt xuất khẩu đối với Nga lên tới 8,5 tỷ USD vào năm 2022.
Trong số các quốc gia được nghiên cứu, Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - là nước xuất khẩu hàng hóa bị trừng phạt lớn nhất sang Nga; tiếp theo là Lithuania. Hai nước này đã cung cấp một nửa số hàng hóa mà phương Tây không cho phép Moscow tiếp cận.
Không chỉ thế, các doanh nghiệp châu Âu đã tận dụng các nước thứ ba để bán sản phẩm của họ cho Nga. Điều này thể hiện rõ ràng qua việc phân tích dữ liệu xuất khẩu của các hàng hóa bị cấm như đồ xa xỉ, nước hoa, công nghệ tiên tiến, chất bán dẫn, thiết bị vận tải...
Đầu năm 2022, xuất khẩu những mặt hàng này của phương Tây sang Nga giảm mạnh nhưng sang các nước láng giềng lại tăng vọt. Gần một nửa số hàng "xuất khẩu song song" này được chuyển qua Kazakhstan và phần còn lại qua Gruzia, Armenia, Kyrgyzstan và các nước khác.
Về phía Nga, theo hãng tin RT, ngày 5/7, Tổng thống Putin đánh giá, nền kinh tế nước này đang hoạt động tốt hơn mong đợi.
Trong buổi làm việc tại điện Kremlin, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã báo cáo với ông Putin rằng, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này có thể lên tới hơn 2%, trong khi lạm phát có thể ở mức không vượt quá 5% trong năm nay.
Năm 2022, nền kinh tế Nga cũng chỉ suy giảm 2,1%, thay vì giảm hai chữ số như nhiều nhà kinh tế dự đoán. 17 tháng qua, Moscow đã thực thi loạt chính sách kinh tế quyết liệt để phục hồi kinh tế và đối phó lệnh trừng phạt phương Tây.
Thủ tướng Mishustin nhấn mạnh, nếu không có trường hợp bất khả kháng nào xảy ra, nền kinh tế Nga sẽ hoạt động tốt trong năm nay.
Ông nói: "Nền kinh tế tiếp tục phục hồi một cách tự tin, bất chấp các lệnh trừng phạt và mọi trở ngại mà đất nước phải đối mặt".