Leo dốc phải bám vào gốc cây để đến nhà vận động học sinh đi học
Theo cô Giang: 'Các em phải băng núi vượt sông, đi bộ cả 5 tiếng đồng hồ để tới trường, cuộc sống khó khổ, các em đâm ra chán nản rồi dễ bỏ học'.
Cô giáo Huỳnh Thị Xuân Giang là giáo viên tiêu biểu của tỉnh Bình Định tham gia vào chương trình chia sẻ cùng thầy cô năm 2019.
Hơn 11 năm dạy tiếng Anh cho con em đồng bào dân tộc Ba Na ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học, trung học cơ sở Vũ Kim – điểm trường khó khăn nhất của huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định.
Kể về hành trình đi dạy học ở vùng núi, cô Giang cho biết,đoạn đường cô đi qua, để đến trường là con đường đầy dốc và đá.
Giáo viên ở trường cô thường nói đùa với nhau là: “Tội cho chiếc xe của mỗi giáo viên quá! Trên xe, cái gì cũng kêu chỉ trừ cái còi xe”.
Con đường dài dẫn tới xã Vĩnh Kim cách thị trấn Vĩnh Thạnh khoảng 40 km ngày nay không khác mấy so với cách đây 11 năm, vẫn những con dốc, ổ gà, trơn trợt và đầy bụi…
Kể về những tháng ngày đầu tiên lên nhận nhiệm vụ nơi đây cô Giang chia sẻ: “Ngồi lên chiếc xe đi mất hơn hai tiếng dưới cơn mưa tầm tã để đến ngôi trường - nơi mà trước kia tôi chưa biết đến.
Lúc đó tôi đang mang thai đứa con đầu lòng, sức khỏe không được tốt, trên đường đi tôi cảm thấy rưng rưng nước mắt.
Trong lòng nghĩ…tại sao mình lại đăng ký lên vùng sâu, vùng xa này làm gì..?
Khi đến làng K7, lúc này mới 6 giờ sáng, tôi thấy những em nhỏ quần áo lấm lem, ướt át, chân dính bùn vì mưa to, mang chiếc cặp cũ rớt quai…tự trong lòng thấy rất thương.
Tôi thầm nghĩ, mọi nguời dân ở đây, các em ở đây đều khó khổ như vậy, mà các em đều muốn đi học, thì tại sao bản thân tôi không thể không vượt qua được con đường mà các em hằng ngày đi”, cô Giang kể.
Cảm nhận đầu tiên khi tới điểm trường của cô giáo này chính là tình cảm ấm áp của các đồng nghiệp.
Hồi đó, khi cô Giang đến khu tập thể (gọi là khu tập thể thôi, chứ lúc đó là một cái nhà nhỏ, có vài ba phòng, anh em đồng nghiệp sống chung với nhau) được các thầy cô chào đón, trò chuyện quan tâm làm lòng cô ấm lại.
“Chắc em đi đường vất vả lắm! Tự nhiên tôi thấy ấm lòng lại, mọi mệt mỏi xua tan đi” – sự chia sẻ của các đồng nghiệp đi trước khiến tôi cảm thấy ấm áp vô cùng.
Những hành động quan tâm đó giúp tinh thần của cô trở nên phấn chấn hơn.
Quá trình dạy học, được hòa mình với các em nhỏ cô Giang càng hiểu hơn sự vất vả mà các em đã và đang trải qua để được đi học.
Càng ngày cô càng có thêm động lực dạy học và càng mạnh mẽ và bền vững cho tới bây giờ.
Đáp lại tình cảm của cô Giang là sự tin yêu của học trò. Năm học 2008-2009, nhà trường tổ chức cuộc bầu chọn giáo viên các em yêu quý nhất.
Trước buổi lễ chào cờ cuối cùng của năm học khi tên cô được xướng lên, cô Giang càng hạnh phúc.
Cô càng tâm huyết dành tình yêu thương và tuổi trẻ để giáo dục các em hơn.
Theo cô Giang, mỗi giáo viên Trường bán trú tiểu học, trung học cơ sở Vĩnh Kim đều giành tình yêu thương đặc biệt của mình đối với các em, bản làng và ngôi trường mến yêu này.
Họ vượt qua mọi khó khăn, vươn lên hoàn cảnh sống để được cắm bản, dạy cái chữ cho các em.
Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều chung là xa gia đình, xa con cái, đường sá đi lại vất vả, khó khăn.
Vào những đợt mưa to, có khi cả 2 tuần, 3 tuần ở trường vì đường đất trơn trợt, lở đường, cây đổ.
Đặc thù học sinh nơi trường cô Giang dạy là các em dân tộc thiểu số, thường vào dịp cuối năm hay các lễ cúng lúa mới,… học sinh thường bỏ học ở nhà phụ bố mẹ cắt lá chuối, bẻ cây đót bán, có em thì lấy chồng không muốn đi học.
Đặc biệt các em ở các điểm làng xa đường sá đi lại khó khăn, các em phải băng núi vượt sông, đi bộ cả 5 tiếng đồng hồ để tới trường, cuộc sống khó khổ, các em đâm ra chán nản rồi dễ bỏ học.
Do đó, có học sinh có nguy cơ bỏ học thì nhà trường đều tổ chức các cuộc vận động học sinh ra lớp.
Cô Giang kể về vận động học sinh tới trường ở bản làng O2: “Có những lần đi vận động học sinh đi học, phải mất 5 tiếng đồng hồ băng rừng đi bộ. Có đoạn dốc thắng đứng, dường như cô không thể đứng thẳng lên được vì sợ mất thăng bằng, phải bám vào rễ cây, gốc cây bên đường để bò lên tới đỉnh dốc.
Khi các em thấy mặt thầy cô thì bỏ chạy, sợ sệt, mãi đến khi chiều tối chờ gia đình các em đi làm về thì mới đến gặp các em.
Các em ở làng O2 xuống trường đi học đã là một kỳ tích, một thành tích lớn lao. Mong thầm có một con đường thuận lợi để các em ở đây đến trường đỡ vất vả”.
Đã 11 năm bám vùng cao dạy học có lúc cũng nghĩ chùn bước nhưng động lực giúp vượt qua, gắn bó với nghề, với mái trường thân yêu, các con nhỏ trên mảnh đất đầy sương mù và bụi này chính là tình “yêu nghề, yêu trò”.