Leo thang căng thẳng Nga - Ukraine
Điện Kremlin cảnh báo việc Ukraine cố gắng gia nhập khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào thời điểm hiện nay sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở miền Đông, trong khi chính quyền Kiev quả quyết đó là cách duy nhất kết thúc cuộc chiến với phe ly khai.
Thông tấn Nga TASS ngày 7/4 cho biết, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky vừa có cuộc điện đàm với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg về tình hình miền Đông Ukraine, trong đó ông Zelensky khẳng định việc Ukraine trở thành thành viên của khối quân sự này là cách duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông.
"NATO là con đường duy nhất kết thúc cuộc chiến ở Donbass. Một Kế hoạch hành động tư cách thành viên (MAP) dành cho Ukraine sẽ là tín hiệu thật sự gửi tới Nga", Tổng thống Ukraine phát biểu và bày tỏ hi vọng được mời tham gia cơ chế MAP, chương trình được thiết kế để hỗ trợ các nước mong muốn gia nhập NATO.
Ông Stoltenberg chưa đưa ra hồi đáp nào với lời đề nghị gia nhập NATO của Tổng thống Ukraine, song khẳng định khối sẽ duy trì các cam kết với Kiev, AlJazeera đưa tin. Trong khi đó, từ Moscow, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov cùng ngày cảnh báo việc gia nhập NATO sẽ chỉ khiến tình hình ở Ukraine thêm phức tạp.
"Chúng tôi nghi ngờ việc Ukraine có thể tự giải quyết vấn đề nội bộ. (Việc gia nhập NATO) sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình", ông Peskov nói. Quan chức Nga cũng cho rằng, nếu "hỏi ý kiến của vài triệu người ở các nước cộng hòa tự xưng" ở miền Đông Ukraine, mọi người "sẽ đều hiểu rằng việc Ukraine trở thành thành viên của NATO là không thể chấp nhận được đối với những người đó".
Sau hơn nửa năm yên ắng từ khi lệnh ngừng bắn mới nhất ở Đông Ukraine có hiệu lực hồi tháng 7/2020, căng thẳng đã leo thang trở lại từ hôm 26/3 sau khi 4 binh sĩ của quân đội chính phủ thiệt mạng trong vụ việc mà Kiev đổ lỗi cho phe ly khai thân Nga, còn lực lượng này bác bỏ cáo buộc. Hai bên đối đầu sau đó tiếp tục khai hỏa về phía đối phương rồi lên tiếng chỉ trích phía kia.
Theo TASS, cách đây vài ngày, một cậu bé trong khu vực do phe ly khai kiểm soát đã thiệt mạng do trúng đạn từ máy bay không người lái của quân đội Ukraine, khiến Nga nổi giận.
Hôm 30/3, trong cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine sẽ trầm trọng hơn nếu Kiev không kiềm chế. Một ngày sau, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, nếu cuộc xung đột ở Ukraine bị khơi dậy một lần nữa thì điều đó sẽ "hủy hoại" chính Ukraine.
Ở chiều ngược lại, chính quyền Ukraine từ cuối tháng 3 cáo buộc Nga đã tăng cường khí tài quân sự tới khu vực biên giới và bán đảo Crimea để đe dọa nước này. Kiev cũng kêu gọi Mỹ cùng các nước lên án Nga và đã nhận được sự hưởng ứng từ Washington cũng như một số quốc gia phương Tây khác.
Hôm 29/3, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin điện đàm với người đồng cấp Ukraine Andrei Taran, hai quan chức này đã chỉ trích việc Nga tăng cường lực lượng gần biên giới Ukraine.
Theo Reuters, vài ngày sau, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 2/4 đã trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Ukraine Zelensky, trong đó ông Biden tiếp tục "khẳng định sự ủng hộ không lay chuyển của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine" trước các động thái của Nga ở vùng Donbass.
Đáp lại những thông điệp trên, Điện Kremlin không bác bỏ thông tin về các hoạt động quân sự ở biên giới với Ukraine, nhưng nhấn mạnh Moscow không có nhu cầu đe dọa bất cứ ai.
Về sự hậu thuẫn dành cho Kiev của Washington, phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov nhấn mạnh, Nga sẽ buộc phải đáp trả nếu Mỹ điều quân đến Ukraine.
"Không nghi ngờ gì, tình huống đó sẽ dẫn đến gia tăng căng thẳng gần biên giới Nga. Dĩ nhiên, điều này sẽ dẫn đến những biện pháp từ phía Nga nhằm đảm bảo an ninh", ông nhấn mạnh nhưng không nêu rõ biện pháp được sử dụng.
Xung đột vũ trang giữa quân đội Chính phủ Ukraine và các lực lượng đòi ly khai ở miền Đông nước này nổ ra năm 2014, với Donbass là chiến trường chính, sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền Viktor Yanukovich ở Kiev và cùng thời điểm Nga sáp nhập Crimea sau một cuộc trừng cầu dân ý trên bán đảo. Kiev lâu nay cho rằng Nga hậu thuẫn và cung cấp vũ khí cho dân quân miền Đông, nhưng Moscow bác bỏ.
Năm 2015, lãnh đạo các nước Nga, Pháp, Đức, Ukraine nhóm họp theo định dạng 4 bên ở Minsk và thông qua thỏa thuận về việc yêu cầu các bên đối địch ở Ukraine ngừng bắn. Tuy nhiên, thỏa thuận Minsk và khoảng 30 thỏa thuận ngừng bắn khác đã bị vi phạm nhiều lần. Tính đến nay, cuộc xung đột 7 năm ở Đông Ukraine đã tước đi sinh mạng của 14.000 người, đẩy hàng trăm ngàn người khác vào cảnh nguy hiểm.
Được biết, theo tinh thần thỏa thuận Minsk, Nga và Ukraine năm 2019 đã thống nhất Kiev sẽ trao quy chế tự trị đặc biệt cho miền Đông Ukraine và để các cuộc bầu cử địa phương diễn ra ở đó. Tuy nhiên, trước áp lực của các chính trị gia và hàng ngàn người biểu tình ở Kiev rằng việc cấp quy chế tự trị là hành động đầu hàng phe ly khai, chính quyền ông Zelensky sau đó nói các cuộc bầu cử sẽ chỉ được tổ chức sau khi Ukraine giành toàn quyền kiểm soát miền Đông.
Giới chuyên gia nhận định Ukraine dường như đang cân nhắc khả năng khởi động một cuộc chiến mới nhằm đẩy lùi lực lượng ly khai và việc Nga tăng cường lực lượng gần biên giới giống như một lời cảnh báo với Kiev.
Dù nguy cơ Nga và Ukraine đối đầu trực diện ở Donbass không nhiều, song căng thẳng bùng lên lần này cho thấy triển vọng sớm giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine còn rất xa vời, nhất là khi Nga và Ukraine chưa thể tìm được tiếng nói chung, còn Mỹ cùng phương Tây tỏ ý sẵn lòng giúp Kiev đối đầu Moscow.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/leo-thang-cang-thang-nga-ukraine-636685/