Leo thang căng thẳng ngưỡng mới trong quan hệ Mỹ - Trung

Quan hệ Mỹ-Trung rớt xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, khi hai bên liên tiếp đóng cửa Tổng lãnh sự quán của Trung Quốc tại Houston và Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.

Ngày 27/7, Trung Quốc chính thức tiếp quản tòa nhà nơi từng là Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) sau thời hạn chót đưa ra trước đó để nhân viên ngoại giao Mỹ rời khỏi cơ sở ngoại giao này. Bắc Kinh nhấn mạnh việc đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô là phản ứng chính đáng và cần thiết để đáp trả các biện pháp vô lý của Mỹ.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, tháng 6/2019

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, tháng 6/2019

Trước đó ngày 22/7, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Trung Quốc trong vòng 72 giờ phải đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại Houston. Lý giải cho quyết định của mình, giới chức Mỹ cho rằng cơ sở ngoại giao này là “ổ hoạt động tình báo”, nhân viên của Trung Quốc tại đây tìm cách đánh cắp những bí mật, nghiên cứu khoa học và y tế độc quyền của công ty Mỹ. Giới chức Trung Quốc hoàn toàn bác bỏ cáo buộc này.

Các nhà phân tíc nhìn nhận, đây là mốc mới đánh dấu xu thế đối đầu đáng quan ngại giữa hai nước, đẩy quan hệ song phương đứng trước nguy cơ rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, dường như cả Mỹ và Trung Quốc đều có ý theo đuổi leo thang căng thẳng một cách có kiểm soát. Theo điều tra của tờ Foreign Policy (Mỹ), việc chọn Houston để gắn cáo buộc “Trung Quốc hoạt động tình báo” không thực sự thuyết phục, bởi hoạt động do thám của Bắc Kinh tại Mỹ được cho là tập trung mạnh nhất ở San Francisco, kế đó là New York và Chicago. Điều đó cho thấy Mỹ có kiềm chế nhất định.

Đề xuất ban đầu được đưa lên nhắm đến đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco, nhưng không được chấp nhận do quy mô và tầm mức quan trọng của cơ sở ngoại giao này. Đây là nơi tập trung một lượng lớn người Mỹ gốc Hoa, phần lớn thị thực được xử lý tại bộ phận lãnh sự. Trong khi đó, “mục tiêu” Houston ít có giá trị hơn, do nơi đây chủ yếu xử lý giấy tờ thị thực qua mạng.

Về phần mình, Bắc Kinh đáp trả cũng tương đối kiềm chế khi nhằm vào Tổng lãnh sự quán Thành Đô, thay vì các cơ sở lãnh sự khác của Mỹ ở Quảng Đông, Thượng Hải hay Thẩm Dương. Lựa chọn Thành Đô cho thấy Trung Quốc muốn giảm tác động tiêu cực đến quan hệ song phương. Hoạt động của Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô không thực sự nổi bật so với các phái bộ ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc, như trong tương quan so sánh với Thượng Hải. Tất cả điều đó cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc vẫn muốn kiểm soát căng thẳng và để ngỏ cơ hội cho đối thoại.

“Cuộc chiến Tổng lãnh sự quán” lần này là tổng hợp của nhiều nguyên nhân. Ngoài xu thế gia tăng căng thẳng thường trực trong một loạt các vấn đề từ thương mại, công nghệ, tôn giáo, Covid-19, Hồng Kông cho tới Biển Đông… yếu tố chính trị nội bộ cũng không thể bỏ qua.

Cuộc khẩu chiến cùng với hành động trả đũa lẫn nhau vừa qua cho thấy nhiều khả năng Mỹ vẫn chọn cách tiếp cận cứng rắn chống Trung Quốc, bất kể người lên nắm quyền tại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tháng 11 tới là ông Trump hay Joe Biden. Theo giới quan sát, những phản ứng chống lại Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng. Căng thẳng đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực công nghệ, nhất là những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo hay vi mạch.

Các nhà phân tích cho rằng quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi, nhưng điểm tồi tệ nhất còn ở phía trước. Đây là xu thế căng thẳng rất đáng quan ngại, không tốt cho quan hệ song phương cũng như tình hình khu vực và thế giới.

Bình Minh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/leo-thang-cang-thang-nguong-moi-trong-quan-he-my-trung-81204.html