Leo thang xung đột Syria - Thổ Nhĩ Kỳ
Cộng đồng quốc tế cần có hành động cứng rắn hơn nữa trước sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Bắc Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14-10 ký sắc lệnh trừng phạt các quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ, áp thuế 50% lên thép nhập khẩu từ nước này và ngưng đàm phán thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỉ USD với Ankara. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông Trump cũng ký sắc lệnh cho phép Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao thực thi các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân, thực thể hoặc nhân sự trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến các hành động gây nguy hiểm cho dân thường hoặc dẫn đến sự suy giảm an ninh và ổn định ở Đông Bắc Syria.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien dự kiến tới Ankara sớm nhất có thể trong nỗ lực đàm phán giải quyết khủng hoảng. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho hay các lệnh trừng phạt sẽ làm tổn thương nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang suy yếu trong khi ông Pence cảnh báo Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các lệnh trừng phạt nếu Thổ Nhĩ Kỳ không sẵn sàng ngừng bắn, đàm phán và chấm dứt bạo lực.
Theo trang Bloomberg, một số quốc gia châu Âu, như Ý, Pháp, Đức, Hà Lan, Phần Lan và Thụy Điển đã hoãn bán vũ khí cho chính phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhưng Liên minh châu Âu vẫn do dự về lệnh cấm vận quân sự toàn diện. Tuy nhiên, những nỗ lực của Mỹ và châu Âu chưa đủ để ngăn chặn chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ dẫn đến thảm họa nhân đạo. Hàng chục ngàn người không phải là người Kurd đang chạy trốn khỏi cuộc chiến, dấu hiệu cảnh báo một cuộc khủng hoảng tị nạn mới. Một cơn ác mộng về vấn đề an ninh cũng chực chờ khi hàng trăm tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể thoát khỏi các trại giam của lực lượng người Kurd.
Tại Syria, các lực lượng phiến quân Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã tiến hành chiến dịch nhằm chiếm quyền kiểm soát thành phố chiến lược Manbij từ lực lượng người Kurd. Song song đó, quân đội chính phủ Syria cũng tiến về biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Damascus đạt được thỏa thuận với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Nga làm trung gian nhằm chống lại Ankara.
Thỏa thuận nói trên đánh dấu sự đảo chiều lớn đối với lực lượng người Kurd, một đồng minh lâu đời của Mỹ, đang trở nên gần gũi hơn với Iran và Nga - những quốc gia ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, việc lực lượng chính phủ Syria trở lại khu vực này có thể giúp tổng thống Syria tăng cường khả năng kiểm soát đất nước cũng như tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa các lực lượng trung thành với ông Assad và lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu.
Dù Tổng thống Erdogan giảm nhẹ khả năng quân đội của ông cùng các đồng minh sẽ chiến tranh với các lực lượng chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn nhưng nhấn mạnh tăng cường hành động quân sự chống lại các lực lượng người Kurd. Về phía Syria, hãng thông tấn SANA (Syria) cho hay lực lượng chính phủ có kế hoạch đối đầu cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ.