Lều Phương Anh trước mối nguy mất giọng hát vĩnh viễn
Căn bệnh polyp dây thanh của Lều Phương Anh không gây nguy hiểm tính mạng nhưng sẽ làm rối loạn giọng nói, khiến công việc ca hát của cô ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo cảnh báo của bác sĩ, những người thường xuyên lạm dụng giọng nói có nguy cơ cao mắc bệnh này.
Như bị dán băng dính vào miệng
Lều Phương Anh sinh năm 1985, từng lọt vào top 3 cuộc thi Vietnam Idol 2010 và theo nghề ca sĩ, đã ra mắt một số sản phẩm âm nhạc được nhiều người yêu thích. Bên cạnh ca hát, cô còn livestream bán hàng, kinh doanh quán cà phê... Trên trang cá nhân ngày 16.5, Lều Phương Anh thông báo hiện cô đã có phương án điều trị thanh quản để làm sao vẫn giữ được giọng hát mà ít phải động tới dao kéo nhất, cô sẽ sang Hàn Quốc để bác sĩ đánh giá mức độ bệnh.
Chia sẻ với báo chí trước đó, Lều Phương Anh cho biết trong nửa tháng qua, cô có dấu hiệu khan tiếng, đàm ra nhiều nhưng chủ quan nghĩ do liên tục nói nhiều khi livestream bán hàng nên cô chỉ mua kháng sinh uống. Khi giọng nói trở nên rất khó nghe, có những lúc nói không thành tiếng, cô quyết định đi khám bệnh.
Kết quả chẩn đoán cô bị u xơ và polyp dây thanh quản bên trái. Với tình trạng này, nếu phẫu thuật thì chỉ có 50% cơ hội hồi phục giọng nói, đồng nghĩa cô không thể ca hát như trước. Cô chọn cách điều trị dùng thuốc để đỡ viêm nề, sau đó sẽ gặp lại bác sĩ để xem xét polyp dây thanh quản ở tình trạng ra sao rồi đưa ra quyết định cuối cùng.
“Ban đầu tôi sốc, không tin nhưng cũng dần chấp nhận và động viên bản thân mạnh mẽ tìm cách xử lý. Tôi không muốn vĩnh viễn mất đi giọng hát nên cố gắng tìm cách điều trị, thay vì phẫu thuật. Hiện tôi phải kiêng nói hoàn toàn, cảm giác bí bách, bất lực như bị dán băng dính vào miệng. Khi bị bệnh, tôi gần như không thể làm việc, buộc phải hủy bốn show ở Hà Nội và một show tại Hàn Quốc. Lịch hát phòng trà hàng tuần giờ cũng phải bỏ. Ảnh hưởng kinh tế hiện tại và cả trong tương lai là điều không tránh khỏi. Tôi là trụ cột gia đình, ba con đều đang ở giai đoạn ăn học tốn kém. Tuy nhiên, bây giờ chưa phải lúc tôi nghĩ đến những điều này. Miễn có thể tìm lại giọng hát, tôi chấp nhận chi tiền, không tiếc gì hết.
Mỗi ngày, tôi đều đặn uống hai cữ thuốc, mỗi cữ gần một vốc thuốc các loại. Tôi cũng gửi hồ sơ sang các bệnh viện lớn có người quen làm bác sĩ ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản để tìm thêm phương án. Họ chỉ định tôi uống thuốc, theo dõi khoảng ba tuần rồi đi khám lại, quay video, chụp ảnh gửi qua để thảo luận tiếp. Dù 10 bác sĩ nói phải mổ, chỉ một người khuyên kiên trì điều trị, tôi cũng chọn điều trị…”, Lều Phương Anh nói.
Vì đâu bị polyp dây thanh?
PGS-TS-BS. Trần Việt Hồng (Phó chủ tịch Hội Tai Mũi Họng TP.HCM) cho biết, thanh quản là một đoạn của hệ hô hấp nằm ở ngã ba ngay bên dưới nơi đường hầu họng tách ra thành khí quản và thực quản. Phía trong thanh quản được phủ bởi các lớp niêm mạc và có hai dây thanh. Khi thở hai dây này giãn ra cho không khí đi qua và khi phát âm hai dây này khép kín lại.
Polyp dây thanh xuất hiện do có tổn thương gây phù nề niêm mạc - là những cục u nằm mặt trên bờ trong lòng thanh quản. Kích thước polyp có thể to hoặc nhỏ, có cuống hoặc không có cuống. Polyp thường to bằng hạt tấm hoặc có khi kích thước bằng hạt đậu xanh; hình dáng nhẵn bóng, mọng, màu trắng hồng.
“Chức năng của thanh quản là phát âm, tham gia thở và nuốt. Khi có ảnh hưởng gì đến các chức năng này thì sẽ cho ra những triệu chứng của bệnh lý”, BS. Hồng giải thích.
Cụ thể, rối loạn giọng xuất hiện đầu tiên với hai triệu chứng cơ bản là khàn tiếng và hụt hơi liên tục, kéo dài. Ngoài ra, nếu polyp to thì có trường hợp bệnh nhân còn bị khó thở. Khàn tiếng lúc đầu chỉ xảy ra từng đợt, dần dần xảy ra liên tục bởi hai dây thanh không khép kín được, dây thanh rung động không đều.
Mức độ nặng nhẹ của khàn tiếng tùy thuộc polyp to hay nhỏ. Do khàn tiếng nên càng nói càng mất hơi nhiều, người bệnh thường nói mệt, hụt hơi và không nói được lâu. Với loại polyp có cuống, khi nói polyp có thể di động khiến người bệnh có cảm giác vướng vùng cổ họng như có sợi tóc hay dị vật cản trở nên hắng giọng nhiều, càng làm cho polyp phù nề và giọng càng khàn đặc.
Không trở thành u ác tính
Theo ThS-BS-CK2. Trần Thị Thúy Hằng (Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM), tổn thương phù nề niêm mạc dây thanh kéo dài sẽ dẫn đến thoái hóa niêm mạc, tạo polyp dây thanh bởi nhiều nguyên nhân khác nhau: nói nhiều, nói to kéo dài, lạm dụng giọng nói hoặc do đặc thù nghề nghiệp (giáo viên, ca sĩ, hướng dẫn viên du lịch, phát thanh viên, kinh doanh, buôn bán…), bị viêm nhiễm vùng họng thanh quản… Những người thường xuyên hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia cũng có nguy cơ ảnh hưởng vùng họng và dây thanh bị phù nề, gây viêm dây thanh kéo dài, tổn thương nặng lâu ngày dẫn đến hình thành polyp dây thanh.
Ngoài ra, còn có yếu tố thuận lợi được đề cập đến là có sự kích thích cơ học bởi tác động làm dây thanh căng quá mức, từ đó dẫn đến các mạch máu nhỏ trên dây thanh bị vỡ gây tụ máu, phù nề và hậu quả là polyp xuất hiện (như trường hợp xem bóng đá cổ vũ la hét quá to tiếng). Polyp dây thanh cũng có thể xuất hiện do bị viêm thanh quản mạn tính kéo dài… “Polyp dây thanh không trở thành u ác tính như nhiều người lo lắng, nhưng để có thể khẳng định chính xác thì bác sĩ sẽ cắt u gửi giải phẫu bệnh, kết quả quan sát polyp đã nhuộm mô học trên kính hiển vi sẽ xác định chắc chắn không phải tổn thương ác tính”, BS. Hằng cho biết.
Điều trị và phòng ngừa
BS. Hằng lưu ý polyp dây thanh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng người bệnh không nên chủ quan, nếu có các dấu hiệu nghi ngờ polyp thì cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa thăm khám kịp thời.
Để phòng ngừa nguy cơ mắc polyp dây thanh, cần lưu ý: tránh sử dụng gắng sức dây thanh (hạn chế nói nhiều, nói to, la hét, hát liên tục); giảm hút thuốc, giảm caffeine, giảm uống rượu bia; bổ sung đầy đủ nước (uống 2 lít nước mỗi ngày); tránh để trào ngược dạ dày thực quản (ăn đúng bữa, tránh ăn khuya, …); những người phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, ô nhiễm nên sử dụng khẩu trang phòng hộ và vệ sinh mũi họng thường xuyên…
BS. Hồng cho biết không phải tất cả polyp dây thanh đều phải can thiệp điều trị bằng phẫu thuật. Tùy mức độ, giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp nhất. Nếu polyp nhỏ, chưa có biểu hiện triệu chứng gì thì người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, tạm ngưng hoặc hạn chế nói đến mức tối đa, vệ sinh họng miệng; xông thuốc hoặc dùng những thuốc kháng viêm, chống phù nề theo chỉ định của bác sĩ.
Điều trị ngoại khoa được thực hiện khi điều trị nội khoa không có kết quả. Khi đó cần phẫu thuật cắt bỏ polyp. Hoặc nếu polyp đã tăng kích thước, gây ra những triệu chứng khó chịu thì cũng cần sớm đến bác sĩ để thực hiện nội soi, chẩn đoán bệnh. Có nhiều phương phát cắt bỏ polyp dây thanh, áp dụng phương pháp nào sẽ tùy từng nơi điều trị và người bệnh lựa chọn sau khi được bác sĩ tư vấn. Nếu phẫu thuật cắt bỏ polyp dây thanh thực hiện đúng cách, giọng nói của người bệnh sẽ được cải thiện ngay khi vừa mổ xong, hồi phục giọng nói gần như bình thường.
“Trời sinh ra cho mình một âm lượng nói vừa phải thì mình không nên nói quá cỡ lên. Nếu làm những công việc phải nói nhiều như giảng viên thì nên trang bị micro để nói âm lượng vừa mà sinh viên vẫn nghe được. Nếu đặc thù công việc phải thường xuyên nói hai ba tiếng đồng hồ liên tục thì cần ngắt quãng, nói khoảng 15 - 20 phút thì ngừng lại đi ra uống chút nước để đừng bị khô họng. Theo cách dân gian cũng có thể pha nước trà gừng, trà mật ong ấm uống. Nói chung là đừng để họng khô và nói liên tục...”, BS. Hồng tư vấn.
Hữu Đức - Tấn Khải