LHQ: Bạo lực tại Yemen giảm đáng kể nhờ thỏa thuận ngừng bắn
Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Yemen, ông Hans Grundberg ngày 6/4 cho biết thỏa thuận ngừng bắn hiện nay giữa các phe phái đối địch tại Yemen đã giúp giảm đáng kể các hành động thù địch.
Đặc phái viên Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) về Yemen, ông Hans Grundberg ngày 6/4 cho biết thỏa thuận ngừng bắn hiện nay giữa các phe phái đối địch tại Yemen đã giúp giảm đáng kể các hành động thù địch, bất chấp các báo cáo về việc lực lượng Houthi vi phạm lệnh ngừng bắn xung quanh thành phố Marib.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phát biểu tại cuộc họp báo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, ông Grundberg cho biết: "Chúng tôi nhận thấy tình trạng bạo lực đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là hiện đã có các báo cáo về một số hoạt động thù địch của Houthi xung quanh Marib. Chúng tôi đang thiết lập một cơ chế phối hợp với các bên để duy trì các kênh liên lạc mở và giúp ngăn chặn các hoạt động leo thang."
Đặc phái viên Grundberg cho biết thêm Liên hợp quốc không giám sát thỏa thuận ngừng bắn trên thực địa, mà giao việc thực hiện cho các bên liên quan, đồng thời bày tỏ hy vọng thỏa thuận ngừng bắn sẽ mở đường cho việc đạt được một giải pháp toàn diện nhằm chấm dứt chiến tranh ở Yemen.
Quan chức Liên hợp quốc nhấn mạnh: "Chúng ta cần tận dụng tốt nhất cơ hội mà thỏa thuận ngừng bắn mang lại để nỗ lực chấm dứt xung đột. Thời hạn 2 tháng sẽ là bài kiểm tra cam kết của các bên trong việc đạt được một giải pháp hòa bình."
Trong khi đó, giới chức và các tổ chức nhân quyền của Yemen đã hối thúc các nhà hòa giải quốc tế yêu cầu lực lượng Houthi chuyển giao các bản đồ hiển thị vị trí nhiều bãi mìn mà lực lượng này đã gài trên khắp đất nước. Ngay trước khi chiếm giữ thủ đô Sanaa vào cuối năm 2014, Houthi đã gài hàng trăm nghìn quả mìn trên khắp Yemen.
Bom mìn đã cướp đi sinh mạng và làm bị thương hàng nghìn người Yemen, phá hủy nhiều ngôi làng và trang trại, và cản trở nhiều người dân phải đi sơ tán trở về nhà của họ. Các quan chức quân sự Yemen cho biết việc xác định vị trí các bãi mìn có thể phải mất nhiều năm./.