LHQ cảnh báo sự can thiệp của nước ngoài gây chia rẽ nội bộ Libya
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Libya Ghassan Salame ngày 18/1 đã kêu gọi các quốc gia bên ngoài chấm dứt can thiệp vào cuộc xung đột ở Libya.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trước thềm hội nghị của các cường quốc thế giới ở thủ đô Berlin (Đức) nhằm tìm cách chấm dứt cuộc xung đột ở Libya, đặc phái viên Salame nhấn mạnh: Tất cả những sự can thiệp của nước ngoài đều có khả năng mang đến tác động xoa dịu nào đó trong ngắn hạn, song điều Libya cần là chấm dứt mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Đó là một trong những mục tiêu của hội nghị này.
Theo ông Salame, Libya kêu gọi sự giúp đỡ của các thế lực nước ngoài, tuy nhiên "sự của quốc tế chỉ khoét sâu thêm sự chia rẽ trong nội bộ người Libya" và do đó "vòng luẩn quẩn này cần phải được chấm dứt".
Đặc phái viên Salame cho biết, hội nghị tại Berlin do Liên Hợp Quốc bảo trợ vào ngày 19/1 cũng sẽ tìm cách củng cố lệnh ngừng bắn tại Libya, thành "một lệnh ngừng bắn thực sự với sự giám sát, chia tách (các nhóm đối địch), tái bố trí vũ khí hạng nặng" ra khu vực bên ngoài các khu đô thị.
“Và đó là lý do tại sao chúng ta có hội nghị Berlin này, để nói với ông Haftar và nói với những người khác rằng, nhiều quốc gia ủng hộ chiến tranh, cho phe này hay phe kia. họ đang mạo hiểm bằng cách thúc đẩy cuộc chiến này. Tôi hy vọng rằng, các bên sẽ đạt được kết quả tại hội nghị này", ông Salame nói.
Ngày 14/1 vừa qua, Chính phủ Đức thông báo tổ chức hội nghị thượng đỉnh về cuộc xung đột tại Libya vào cuối tuần này. Nước chủ nhà đã mời đại diện 11 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, tới tham dự hội nghị. Đức cũng mời đại diện của các bên đối lập tại Libya, gồm Tướng Haftar và người đứng đầu Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya Fayez al-Sarraj.
Libya hiện đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar . Tại nước này đang tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.
Trong khi đó, lực lượng Quân đội miền Đông Libya do Tướng Haftar đứng đầu ủng hộ chính quyền ở miền Đông. Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp./.