LHQ đánh giá hàng tỷ người không có đủ nước ngọt để sử dụng
Trong báo cáo hằng năm lần đầu tiên về Tình trạng nguồn nước toàn cầu, WMO nêu rõ các khu vực lớn trên Trái Đất trong năm 2021 đã ghi nhận tình trạng khô hạn hơn so với thông thường.
Ngày 29/11, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của LHQ cho biết tất cả các khu vực trên toàn cầu đã hứng chịu các hiện tượng cực đoan liên quan tới nước trong năm ngoái, bao gồm cả tình trạng lũ lụt và hạn hán, và hàng tỷ người đã không có đủ nước ngọt để sử dụng.
Trong báo cáo hằng năm lần đầu tiên về Tình trạng nguồn nước toàn cầu, WMO nêu rõ các khu vực lớn trên Trái Đất trong năm 2021 đã ghi nhận tình trạng khô hạn hơn so với thông thường. Mực nước tại các sông ở Paraguay và miền Nam Brazil đã giảm xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử. Trái lại, Tây Âu và khu vực có rừng mưa Amazon (trải dài trên lãnh thổ 9 quốc gia) đã hứng chịu các đợt lũ lụt kỷ lục.
Thông qua đánh giá dòng chảy trong 30 năm qua, báo cáo chỉ ra rằng các khu vực giảm lưu lượng nước cao gấp 2 lần so với các khu vực tăng lưu lượng nước. Các lưu vực sông lớn tại châu Mỹ và Trung Phi ghi nhận lưu lượng nước giảm. Trái lại, lưu lượng nước các sông tại miền Bắc Ấn Độ và miền Nam châu Phi tăng trên mức trung bình.
Báo cáo cho biết thêm lượng nước dự trữ trên toàn cầu - tất cả nước trên mặt đất và dưới lòng đất - có xu hướng giảm đi nhiều hơn so với xu hướng tăng lên. Trong số các "điểm nóng" lưu lượng nước giảm có khu vực Patagonia ở Nam Mỹ, các khu vực đầu nguồn sông Hằng và sông Ấn cũng như khu vực Tây Nam nước Mỹ. Một số "điểm nóng" trở nên trầm trọng hơn do khai thác quá mức nước ngầm để tưới tiêu. Băng tuyết tan chảy cũng tác động đáng kể tới một số khu vực, trong đó có Alaska, khu vực Patagonia và dãy núi Himalaya.
Báo cáo nêu rõ những thay đổi về lượng nước trong các hồ chứa tác động tới việc sản xuất lương thực, sức khỏe cũng như thế giới tự nhiên. Khoảng 1,9 tỷ người đang sống tại những khu vực nơi nguồn nước uống được lấy từ các sông băng và từ tuyết tan, nhưng những sông băng này đang tan chảy ngày càng nhanh.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng khoảng 3,6 tỷ người đang đối diện với tình trạng không có đủ nước ngọt để dùng ít nhất một tháng mỗi năm. Dự báo, con số này sẽ tăng lên hơn 5 tỷ người vào năm 2050.
Trong khi đó, theo các nghiên cứu của Liên hợp quốc, trong giai đoạn 2001-2018, có tới 74% thảm họa tự nhiên liên quan tới nước.
Tổng Thư ký WMO, ông Petteri Taalas, nhấn mạnh các tác động của biến đổi khí hậu thường được cảm nhận thông qua yếu tố nguồn nước - hạn hán thường xuyên và ngày càng trầm trọng hơn, lũ lụt dữ dội hơn, mưa theo mùa thất thường hơn và băng tan nhanh hơn - cùng những tác động đang ngày càng gia tăng đối với các nền kinh tế, các hệ sinh thái và tất cả các phương diện trong đời sống hằng ngày của nhân loại.
Ngoài ra, hiện vẫn chưa có những hiểu biết đầy đủ về những thay đổi trong sự phân bố, chất lượng và lưu lượng của các nguồn nước ngọt.
Thông qua báo cáo đánh giá các tác động do những biến đổi về thời tiết, môi trường và xã hội đối với các nguồn nước ngọt của Trái Đất, WMO kêu gọi giới chức các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đẩy mạnh triển khai các hệ thống cảnh báo sớm hạn hán và lũ lụt nhằm giảm bớt tác động của các hiện tượng cực đoan liên quan tới nước, cũng như giúp quản lý và sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên nước ngọt vốn có hạn này nhưng nhu cầu sử dụng chúng ngày một gia tăng./.