LHQ hối thúc giải pháp chính trị lâu dài cho Afghanistan
Tổng Thư ký LHQ Guterres kêu gọi các bên liên quan tiếp tục nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán tiếp theo trong nội bộ Afghanistan và chuẩn bị cho một tiến trình hòa bình tổng thể.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 29/2 đã hoan nghênh thỏa thuận vừa được ký kết giữa Mỹ và Taliban, coi đây là tiến triển quan trọng nhằm tiến tới giải pháp chính trị lâu dài cho Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh các bên cần giảm bớt được tình trạng bạo lực tại Afghanistan.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, thông điệp trên được người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric đưa ra trong thông cáo cùng ngày.
Ông Dujarric cũng cho biết Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh cần nỗ lực giảm bạo lực vì chính lợi ích của người dân Afghanistan.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi các bên liên quan tiếp tục nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán tiếp theo trong nội bộ Afghanistan và chuẩn bị cho một tiến trình hòa bình tổng thể.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Canada François-Philippe Champagne bày tỏ hy vọng thỏa thuận vừa được ký kết giữa Mỹ và Taliban "sẽ đem đến một đất nước Afghanistan ổn định hơn, an toàn hơn."
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, người đứng đầu ngành ngoại giao Canada cũng cam kết Ottawa sẽ tiếp tục ủng hộ những nỗ lực với mục đích nhân đạo, bình ổn và phát triển tại Afghanistan.
Ngoại trưởng Champagne khẳng định Canada luôn là một đối tác ổn định của Afghanistan, với 40.000 quân Canada tham gia lực lượng ổn định quốc tế tại Afghanistan trong thời gian từ năm 2001-2014.
Về phần mình, Ấn Độ phản ứng thận trọng trước thông tin về thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Raveesh Kumar cho biết Ấn Độ khẳng định chính sách nhất quán của nước này là ủng hộ tất cả các cơ hội có thể mang lại hòa bình, an ninh và ổn định ở Afghanistan và đảm bảo chấm dứt các hoạt động khủng bố.
Ấn Độ sẽ tiếp tục dành mọi sự hỗ trợ cho Afghanistan với tư cách là một nước láng giềng.
Ấn Độ đã là một bên liên quan chính ở Afghanistan khi New Delhi đã chi khoảng 2 tỷ USD cho công cuộc tái thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá này.
Thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban được Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad và thủ lĩnh chính trị Taliban Abdul Ghani Baradar ký tại thủ đô Doha của Qatar ngày 29/2, nhằm tìm cách chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Thỏa thuận cũng bao gồm việc giảm dần số lượng quân đội Mỹ ở Afghanistan từ 12.000 quân hiện nay xuống còn 8.600 quân trong vòng 135 ngày tới.
Các lực lượng quân đội còn lại của Mỹ sẽ tiếp tục ở lại trong cuộc chiến đấu với các nhóm khủng bố như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và mạng lưới khủng bố al Qaeda.
Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 29/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ gặp gỡ trực tiếp các thủ lĩnh của Taliban trong "tương lai không xa" và hy vọng Taliban sẽ làm những gì đã nói, trong đó có việc tiêu diệt khủng bố./.