LHQ kêu gọi nhân loại cai nghiện nhiên liệu hóa thạch, tránh 'tự sát tập thể'
Tổng Thư ký LHQ hối thúc thế giới hướng tới sử dụng năng lượng xanh và cho rằng việc tiếp tục chứng 'nghiện nhiên liệu hóa thạch' giống như lựa chọn 'tự sát tập thể'.
Guardian hôm nay (18/7) dẫn lời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo, "một nửa nhân loại đang ở trong vùng nguy hiểm" do các tác động tiêu cực từ tình trạng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, bão lũ và cháy rừng, với nguyên nhân chính là bởi biến đổi khí hậu.
"Không quốc gia nào được miễn nhiễm. Thế nhưng chúng ta vẫn tiếp tục nuôi chứng nghiện nhiên liệu hóa thạch mùa mình", ông Guterres cảnh báo. "Chúng ta có một quyền lựa chọn. Hành động tập thể hoặc tự sát tập thể. Điều đó nằm trong tay chúng ta".
Theo lời người đứng đầu cơ quan LHQ, khi đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu này, thế giới đã chưa đoàn kết cùng nhau như một "cộng đồng đa phương". "Các quốc gia tiếp tục chơi trò chơi đổ lỗi thay vì chịu trách nhiệm về tương lai của tập thể", ông nói.
Tuyên bố được Tổng Thư ký LHQ đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trên khắp thế giới, từ châu Âu, châu Á đến Bắc Mỹ đều đang đối mặt tình trạng nắng nóng kỉ lục do tác động của biến đổi khí hậu, kéo theo những đám cháy rừng quy mô lớn.
Reuters hôm nay (18/7) dẫn dữ liệu từ Viện Y tế Carlos III thống kê, ít nhất 360 trường hợp tử vong do nắng nóng đã được ghi nhận ở Tây Ban Nha trong tuần qua; trong khi con số đó ở quốc gia láng giềng Bồ Đào Nha là 659 người.
Cũng trong ngày 18/7, ít nhất 15 tỉnh của Pháp phát cảnh báo mức cao nhất khi đợt nắng nóng bao trùm đất nước đã lên tới đỉnh điểm. Các đám cháy rừng ở Pháp đã buộc hơn 16.000 người, bao gồm cư dân và du khách, phải di tản.
"Đây không còn là mùa hè. Nó giống như "địa ngục" và sẽ sớm đặt dấu chấm hết cho sự sống của con người, nếu chúng ta tiếp tục không hành động vì khí hậu", nữ nghị sĩ Melanie Vogel thuộc Đảng Xanh (Pháp) bình luận trên Twitter hôm 16/7.
Tại châu Âu, dù các nền kinh tế hàng đầu Đức, Pháp hay Italia đều đưa ra nhiều cam kết tham vọng về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, song do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt nhắm vào Nga, nhiều nước đã quay lại sử dụng các loại nhiên liệu gây ô nhiễm như than đá.