LHQ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu: Rừng Amazon vẫn cháy dữ dội
Những vụ hỏa hoạn thiêu rụi khu rừng nhiệt đới Amazon hồi tháng trước đã gây ra sự phẫn nộ khắp thế giới và làm bùng nổ hàng loạt đề nghị giúp đỡ chính quyền Brazil trong cuộc chiến chống “giặc lửa” này. Và cho đến nay, khi các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau ở New York, Mỹ cho Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ (từ ngày 21 đến 23-9), khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh vẫn chìm trong biển lửa.
Dữ liệu vệ tinh mới nhất từ Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) cho thấy, có 131.600 đám cháy bùng cháy kể từ tháng 1 ở Brazil, nơi chiếm đến 60% diện tích rừng Amazon. Các vụ hỏa hoạn, chủ yếu do con người gây ra với mục tiêu giải phóng mặt bằng để canh tác và chăn thả gia súc, đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với rừng: tỷ lệ phá rừng ở Amazon đã tăng gần gấp đôi kể từ khi Tổng thống Jair Bolsonaro lên nắm quyền vào ngày 1-1, tương đương 110 sân bóng đá được dọn sạch mỗi giờ.
“Thật buồn khi thấy người dân Brazil chỉ trích tôi vì cháy rừng ở Amazon”, Tổng thống Bolsonaro viết trên Facebook hôm 20-9. Tổng thống Bolsonaro là nhà lãnh đạo luôn hoài nghi về biến đổi khí hậu. Nhưng hồi tháng trước, ông đã huy động quân đội giúp dập tắt đám cháy ở khu vực Amazon sau khi chính phủ Brazil bị chỉ trích dữ dội tại Hội nghị thượng đỉnh G7. Theo chiến dịch triển khai này, mới được đổi mới vào hôm 20-9, gần 7.000 binh sĩ và 16 máy bay đang nỗ lực chiến đấu với những vụ cháy dữ dội và cả tình trạng “phá rừng và khai thác bất hợp pháp”, Bộ Quốc phòng Brazil cho biết.
Tuy nhiên, ông Marcio Astrini, một quan chức của Tổ chức Greenpeace (Hòa bình Xanh) tại Brazil, cho biết, chiến dịch triển khai quân đội này của Brazil không giúp được gì nhiều. Ông nói với AFP: “Chúng tôi đã theo dõi rất nhiều từ máy bay. Nhưng chúng tôi không thấy bất cứ điều gì khác biệt trên mặt đất, ngoài việc tình trạng phá rừng vẫn đang diễn ra. Thật là bi thảm”. Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro đã từ chối các đề nghị giúp đỡ khác từ cộng đồng quốc tế, và cả số tiền hỗ trợ 20 triệu USD từ G7 khi cáo buộc các nước Pháp và Đức muốn “mua” chủ quyền của Brazil.
Theo các nguồn tin, tại cuộc họp bên lề Đại hội đồng LHQ ở New York vào hôm nay (23-9), Tổng thống Pháp Macron sẽ phát động “chiến dịch tổng huy động” cho Amazon cùng với những người đồng cấp Chile và Colombia. Brazil không tham dự cuộc họp, nhưng Bộ trưởng Môi trường, ông Ricardo Salles, cũng là một nhân vật hoài nghi về biến đổi khí hậu, sẽ xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ vào hôm nay (23-9) trước khi đến Châu Âu. Vào ngày 24-9, Tổng thống Bolsonaro sẽ có bài phát biểu khai mạc tại Đại hội đồng LHQ, trong đó ông dự kiến sẽ tập trung vào Amazon. “Tôi đang chuẩn bị một bài phát biểu khá khách quan, không giống như người tiền nhiệm”, ông viết trên Facebook, và nói thêm, “Tôi chắc chắn sẽ bị tấn công vì bài phát biểu này. Các phương tiện truyền thông luôn tìm thấy điều gì đó để chỉ trích”.
Tuy nhiên, các chuyên gia không nhiều niềm tin về khả năng có sự thay đổi trong chính sách về Amazon của Tổng thống Bolsonaro. “Chính phủ Brazil “muốn chứng tỏ rằng họ đang làm điều tốt nhất cho rừng. Trên thực tế, họ đang làm hết sức để phá rừng”, chuyên gia Astrini của Tổ chức Greenpeace nói và nhấn mạnh thêm: “Brazil đang thực hiện một chiến dịch để cho thấy rằng họ đang chăm sóc Amazon, nhưng đó là một lời nói dối.
Trên thực tế, các vụ cháy đang ở mức cao nhất trong 7 năm qua, theo dữ liệu của INPE; và mặc dù đã giảm nhẹ vào đầu tháng, số vụ hỏa hoạn được ghi nhận ở Brazil từ đầu năm đến ngày 19-9 đã tăng 56% so với cùng kỳ năm 2018. Gần một nửa số vụ cháy xảy ra ở Amazon.