LHQ lo ngại hậu quả khi hoạt động xuất khẩu ngũ cốc Ukraine chậm lại
Trong tháng 5, chỉ có 33 tàu rời các cảng của Ukraine, giảm 50% so với tháng 4, và chỉ có 3 tàu trong số này xuất phát từ Pivdennyi - 1 trong 3 cảng ở Ukraine nằm trong Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Ngày 1/6, Liên hợp quốc đã bày tỏ lo ngại về "bóng ma lạm phát lương thực" khi hoạt động xuất khẩu ngũ cốc theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen chậm lại.
Theo người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric, việc triển khai các tàu chở ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen liên tục bị chậm, nhất là trong tháng Tư và Năm vừa qua.
Trong tháng Năm, chỉ có 33 tàu rời các cảng của Ukraine, giảm 50% so với tháng Tư, và chỉ có 3 tàu trong số này xuất phát từ cảng Pivdennyi ở Odesa - một trong ba cảng ở Ukraine nằm trong sáng kiến.
Về khối lượng, trong tháng Năm, chỉ có 1,3 triệu tấn ngũ cốc và lương thực khác được xuất khẩu, giảm 50% so với tháng trước đó.
Theo ông Dujarric, kể từ ngày 24/5, số đoàn kiểm tra tại Trung tâm điều phối chung (JCC) đã giảm từ 3 đoàn xuống còn 2 đoàn. Việc số đoàn kiểm tra bị giảm và đăng ký bị hạn chế khiến số tàu được kiểm tra trung bình mỗi ngày giảm xuống còn 3 tàu.
Ông gọi đây là "tình huống nghiêm trọng" khi "các điểm nóng về nạn đói trên toàn cầu đang gia tăng và bóng ma lạm phát lương thực cũng như biến động thị trường đang rình rập ở tất cả các nước."
Ông Dujarric cho biết thêm Ban thư ký Liên hợp quốc đã đưa ra các đề xuất thiết thực cho tất cả các bên và tổ chức này sẽ tiếp tục thực thi cam kết với các bên nhằm nối lại hoàn toàn các hoạt động cũng như duy trì sáng kiến.
Đặc biệt, Liên hợp quốc đang tìm kiếm các cam kết về việc các tàu được cập cả 3 cảng theo sáng kiến một cách vô điều kiện, tăng số lượng tàu được kiểm tra thành công mỗi ngày và số lượng tàu được đăng ký nhằm tránh tình trạng chậm trễ.
Tháng 7/2022, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và Liên hợp quốc ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen.
Đến nay, sáng kiến này đã được gia hạn 3 lần. Lần gần đây nhất, các bên đã nhất trí gia hạn 2 tháng vào ngày 17/5 vừa qua./.