LHQ: Một nửa thế giới đang gánh chịu hậu quả của thoái hóa đất

Liên Hợp quốc (LHQ) cho biết trái đất đang ngày càng phải chịu ảnh hưởng từ những hành động tàn phá của con người, với 40% diện tích đất bị thoái hóa. Một nửa dân số trên thế giới đang phải gánh chịu hậu quả.

Khả năng nuôi sống số lượng dân số đông đúc của thế giới đang bị đe dọa do nguy cơ thiệt hại ngày càng tăng về sản xuất lương thực. Nếu con người không hành động khẩn cấp, sự suy thoái sẽ lan rộng hơn nữa. Theo báo cáo Global Land Outlook 2, vào năm 2050, một khu vực có diện tích bằng Nam Mỹ sẽ bị suy thoái nếu tiếp tục bị tàn phá.

Đất bạc màu, nguồn đất đã cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên như: độ phì nhiêu của đất, nước, sự đa dạng sinh học, cây cối hoặc thảm thực vật bản địa. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều vùng đất bạc màu trên khắp hành tinh. Việc trồng lương thực trên đất bạc màu ngày càng trở nên khó khăn hơn vì đất và nguồn nước nhanh chóng bị cạn kiệt. Suy thoái đất góp phần vào sự biến mất của các loài động thực vật và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu do làm giảm khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon của Trái đất.

Thư ký điều hành công ước của LHQ về chống sa mạc hóa, ông Ibrahim Thiaw cho biết suy thoái đất đang ảnh hưởng đến thực phẩm, nước, carbon và đa dạng sinh học. Nó ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, làm giảm khả năng tiếp cận nước sạch và tăng mức độ trầm trọng của hạn hán.

Theo báo cáo, khoảng một nửa sản lượng kinh tế hàng năm của thế giới, tương đương khoảng 44 tỷ đô la Mỹ, đang bị đe dọa bởi sự suy thoái đất. Nhưng lợi ích kinh tế của việc khôi phục đất bị suy thoái có thể lên tới 125 nghìn tỷ đến 140 nghìn tỷ USD mỗi năm, cao hơn khoảng 50% so với mức 93 nghìn tỷ USD GDP toàn cầu được ghi nhận vào năm 2021.

Ông Thiaw cho biết nông nghiệp hiện đại đã thay đổi bộ mặt của hành tinh, hơn bất kỳ hoạt động nào khác của con người. Chúng ta cần khẩn trương xem xét lại các hệ thống lương thực toàn cầu, những hệ thống gây ra 80% nạn phá rừng, 70% việc sử dụng nước ngọt và là nguyên nhân lớn nhất gây mất đa dạng sinh học trên cạn.

LHQ kêu gọi các chính phủ và tư nhân đầu tư 1,6 tỷ USD trong thập kỷ tới để khôi phục tình trạng cho khoảng 1 tỷ ha đất bị thoái hóa - một khu vực có quy mô tương đương với Mỹ hoặc Trung Quốc. Con số này sẽ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số 700 tỷ đô la một năm được chi cho trợ cấp cho nông nghiệp và nhiên liệu hóa thạch, nhưng sẽ bảo vệ đất, tài nguyên nước và khả năng phát triển của loài người.

Ông Thiaw cho rằng mọi nông dân dù lớn hay nhỏ đều có thể thực hành nông nghiệp tái sinh. Có rất nhiều kỹ thuật không cần sử dụng công nghệ cao.

Cách khôi phục đất bạc màu khá đơn giản, con người có thể thay đổi phương pháp canh tác sang ruộng bậc thang và canh tác theo đường viền, để đất hoang hóa hoặc trồng cây che phủ dưỡng chất, thực hành thu hoạch và lưu trữ nước mưa hoặc trồng cây để chống xói mòn đất. Nhiều nông dân không áp dụng các quy trình này do áp lực sản xuất, thiếu kiến thức, quản lý địa phương kém hoặc thiếu khả năng tiếp cận các nguồn lực. Tuy nhiên, LHQ tính toán với mỗi 1 đô la chi cho việc khôi phục, sản lượng có thể tăng từ 7 đô la đến 30 đô la và kèm theo các lợi ích khác.

Thu Hiền

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lhq-mot-nua-the-gioi-dang-ganh-chiu-hau-qua-cua-thoai-hoa-dat.html