LHQ thất vọng vì không thể gia hạn hành lang viện trợ nhân đạo ở Syria
Trong cuộc bỏ phiếu tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an đã không thể thông qua việc gia hạn sử dụng hành lang nhân đạo tại Syria do không đủ số phiếu cần thiết.
Ngày 11/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không đạt được nhất trí trong việc gia hạn thỏa thuận sử dụng hành lang nhân đạo chủ chốt ở Syria.
Thỏa thuận này do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm cho phép vận chuyển hàng cứu trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ sang khu vực phe đối lập kiểm soát tại Syria, đã hết hạn vào ngày 10/7 vừa qua.
Điều này đồng nghĩa với việc các phái đoàn nhân đạo phải kết thúc hoạt động vào tối cùng ngày. Trong những ngày qua, Hội đồng Bảo an đã nỗ lực đạt được thống nhất về gia hạn thỏa thuận.
Theo kế hoạch ban đầu, cuộc bỏ phiếu đáng lẽ diễn ra vào ngày 7/7, song đã bị hoãn hai lần sang sáng 11/7.
Nhiều nước thành viên Hội đồng Bảo an, trong đó có Mỹ, Anh và Pháp ban đầu kêu gọi gia hạn 1 năm, song họ đã quyết định ủng hộ đề xuất gia hạn 9 tháng của Thụy Sĩ và Brazil.
Trong cuộc bỏ phiếu tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an đã không thể thông qua việc gia hạn thỏa thuận do không đủ số phiếu cần thiết.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ thất vọng về việc Hội đồng Bảo an không đạt được nhất trí về gia hạn thỏa thuận, đồng thời kêu gọi các thành viên tăng cường nỗ lực ủng hộ việc duy trì vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo.
Đại sứ Thụy Sĩ tại Liên hợp quốc cho hay các nhà ngoại giao sẽ lập tức nối lại các cuộc thảo luận nhằm tìm ra giải pháp.
Thỏa thuận có hiệu lực từ năm 2014 cho phép việc vận chuyển thực phẩm, nước uống và thuốc men đến khu vực Tây Bắc Syria mà không cần sự chấp thuận của Chính phủ Syria.
Viện trợ nhân đạo qua hành lang này đã đáp ứng 80% nhu cầu của người dân sinh sống tại các khu vực phe đối lập của Syria kiểm soát.
Ban đầu, thỏa thuận cho phép sử dụng 4 cửa khẩu để đưa hàng viện trợ vào Tây Bắc Syria, song đã giảm xuống còn 1 cửa khẩu duy nhất là Bab al-Hawa.
Cơ chế viện trợ này được gia hạn 6 tháng một lần. Chính phủ Syria cho rằng việc viện trợ nhân đạo mà không có sự chấp thuận của nước này là hành vi vi phạm chủ quyền.
Tuần trước, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách về các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths đã kêu gọi mở thêm các cửa khẩu trong ít nhất 12 tháng.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, ước tính có 4 triệu người tại Syria đang phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo sau nhiều năm quốc gia Trung Đông này chìm trong xung đột và bị động đất tàn phá.
Sau trận động đất vào tháng Hai cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân Syria, Tổng thống Bashar al-Assad đã đồng ý cho phép mở thêm 2 cửa khẩu đến giữa tháng Tám.
Kể từ sau trận động đất, ước tính có hơn 3.700 xe chở hàng viện trợ đi qua các cửa khẩu trên, trong đó phần lớn là qua cửa khẩu Bab al-Hawa./.