LHQ: Thiếu kinh phí trầm trọng để giải quyết hạn hán ở Somalia
Điều phối viên nhân đạo của LHQ về Somalia cho biết đến nay tổ chức quốc tế này mới chỉ bảo đảm được 3% trong tổng số 1,46 tỷ USD cần thiết để giải quyết vấn đề hạn hán nghiêm trọng tại Somalia.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 9/3, Liên hợp quốc cảnh báo tổ chức này đang đối mặt với tình trạng thiếu kinh phí nghiêm trọng để giải quyết vấn đề hạn hán kinh hoàng ở Somalia, vốn đã bị "lu mờ" bởi các cuộc khủng hoảng nhân đạo khác trên thế giới, mới nhất là cuộc xung đột ở Ukraine.
Quốc gia nằm ở khu vực Sừng châu Phi vốn đang phải đương đầu với nhiều khó khăn này còn bị hạn hán tàn phá, sau ba mùa liên tiếp thiếu mưa, khiến 4,5 triệu người, tương đương gần 30% dân số, lâm vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Nairobi của Kenya, Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc về Somalia, ông Adam Abdelmoula cho biết Liên hợp quốc đến nay mới chỉ bảo đảm được 3% trong tổng số 1,46 tỷ USD cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người Somalia.
Theo ông, tình hình ở quốc gia châu Phi này vốn đã rất nghiêm trọng và đang xấu đi nhanh chóng. Các cuộc khủng hoảng ở Tigray, Yemen, Afghanistan và giờ là Ukraine dường như đã làm lu mờ vấn đề ở quốc gia thuộc khu vực Sừng châu Phi này.
Khoảng 671.000 người Somalia đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để tìm nguồn nước, thức ăn hoặc đồng cỏ cho gia súc, tăng hơn gấp đôi so với 245.000 người phải di dời vào tháng 12 năm ngoái.
Theo ông Abdelmoula, trong những năm gần đây, thiên tai chứ không phải xung đột là nguyên nhân chính dẫn đến việc di dân ở Somalia, quốc gia vốn bị chiến tranh tàn phá và được xếp vào một trong số những nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên, Somalia đang phải vật lộn để giành được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Bị ảnh hưởng bởi nạn châu chấu từ năm 2019 đến năm 2021, cũng như đại dịch COVID-19, Ethiopia, Kenya và Somalia đều đang phải vật lộn với hạn hán kéo dài trong nhiều tháng.
Ông Abdelmoula cảnh báo các dự báo cho thấy trong mùa mưa tiếp theo, dự kiến bắt đầu vào tháng Tư tới, mực nước cũng có thể dưới mức trung bình. Nếu không hành động sớm, các nước nói trên có thể rơi vào tình huống cực đoan vào tháng Sáu.
Việc không hành động hoặc hành động muộn sẽ kéo theo hậu quả với chi phí cao.
Năm 2017, các nỗ lực nhân đạo sớm đã ngăn chặn được nạn đói ở Somalia, trái ngược với năm 2011 khi 260.000 người đã thiệt mạng hoặc bị tổn thương vì nạn đói, một nửa trong số đó là trẻ em dưới 6 tuổi./.