LHQ: Trên 20.000 binh lính lực lượng nước ngoài vẫn hiện diện tại Libya
Khoảng 20.000 binh sĩ lực lượng nước ngoài hoặc lính đánh thuê vẫn đang hiện diện ở Libya, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn được ký vào tháng 10 vừa qua.
Đây là thông tin do quyền Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) tại Libya, ông Stephanie Williams, đưa ra ngày 2/12 tại Diễn đàn Chính trị Libya do LHQ bảo trợ.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, phát biểu tại diễn đàn, ông Stephanie Williams cho biết hiện các lực lượng nước ngoài đang đóng quân và kiểm soát hoàn toàn hoặc một phần tại 10 căn cứ quân sự ở Libya. Đặc phái viên LHQ cảnh báo hành động này vi phạm chủ quyền Libya.
Diễn đàn Chính trị Libya do LHQ bảo trợ nhằm đưa quốc gia Bắc Phi này thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Phiên họp mới của diễn đàn được tổ chức trực tuyến, diễn ra sau phiên họp đầu tiên vào giữa tháng 11 ở Tunisia, nhằm tiến tới thỏa thuận về tổ chức bầu cử quốc gia vào ngày 24/12/2021.
Sau khi rơi vào một cuộc nội chiến phức tạp kể từ năm 2011, tại Libya hình thành hai lực lượng chính là Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được LHQ công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ, trong khi lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Haftar được sự hậu thuẫn của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Nga.
GNA và LNA đã ngừng giao tranh sau khi ký kết thỏa thuận ngừng bắn tháng trước tại Geneva (Thụy Sĩ) dưới sự trung gian của LHQ, theo đó các lực lượng nước ngoài phải rút khỏi Libya trong vòng 90 ngày.
Cùng ngày, Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực Tây Á của Liên Hợp quốc (ESCWA) công bố kết quả nghiên cứu cho thấy cuộc xung đột từ năm 2011 đã gây thiệt hại hơn 576 tỷ USD đối với Libya.
Báo cáo chỉ rõ bất ổn và chia rẽ tại quốc gia Bắc Phi này đã làm thu hẹp đáng kể nền kinh tế, khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tỷ lệ đầu tư sụt giảm mạnh. Cùng với đó, tiêu dùng cũng đã giảm mạnh do lực lượng lao động nước ngoài ồ ạt về nước và thu nhập của người lao động trong nước giảm. Thương mại bị gián đoạn do xuất khẩu một số sản phẩm chủ chốt như dầu mỏ đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, lĩnh vực nhập khẩu bị tác động nhiều hơn do sự suy giảm trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng.
Báo cáo cũng lưu ý một số yếu tố chính làm trầm trọng thêm thiệt hại kinh tế bao gồm nhiều tài sản lĩnh vực dầu mỏ, xây dựng, nông nghiệp, sản xuất bị phá hủy, giá dầu trên thị trường toàn cầu lao dốc và đầu tư cho chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cơ sở hạ tầng bị cắt giảm để tập trung cho chi tiêu quân sự.
Bên cạnh đó, tác động của cuộc xung đột Libya đã lan sang các nước láng giềng như Algeria, Tunisia, Ai Cập, và Sudan - những quốc gia mà Libya có quan hệ mật thiết về thương mại, đầu tư và việc làm.
ESCWA cho rằng việc thiết lập nền hòa bình ở Libya đòi hỏi một kế hoạch tái thiết và phục hồi dựa trên điều hành kinh tế hiệu quả và minh bạch đối với các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.